Cổ tích giấy Hanji

(ĐTTCO)- Nằm cách thủ đô Seoul- Hàn Quốc gần 3 tiếng chạy xe, Jeonju ẩn chứa trong mình nhiều giá trị văn hóa truyền thống của xứ sở Kim chi.

 Nơi này không chỉ được biết tới với tên gọi là “quê hương” ẩm thực xứ Hàn, cội nguồn phát tích của món Bibimbap nổi tiếng - món ăn kết tinh của sắc màu và hàng chục hương vị - mà nơi đây cũng chính là vùng làm giấy Hanji truyền thống với huyền thoại hơn 1.000 năm lịch sử.

Hồi sinh làng nghề 

Với người Hàn Quốc, những người thợ làm giấy Hanji đều được coi là nghệ nhân, bởi lẽ để nắm bắt được kỹ thuật làm giấy phức tạp lên tới hàng chục công đoạn không chỉ cần sức khỏe, sự cần mẫn mà đó còn là tình yêu, nhiệt huyết, đam mê… Bà Kim Og Young, chủ một xưởng làm giấy Hanji duy nhất còn lại ở vùng Jeonju, chia sẻ ngày trước cả làng đều theo nghề này, nhưng đến nay sau một thời gian dài mai một, nghề truyền thống này đã được hồi sinh.

Xưởng làm giấy của gia đình bà Kim tọa lạc trên một khuôn viên rộng, xung quanh là vùng cây dướng dó hay còn gọi là cây dâu Hàn Quốc - nguyên liệu được chính phủ đầu tư với mục đích hỗ trợ người dân gìn giữ nghề truyền thống. So với thời hưng thịnh, xưởng giấy giờ có quy mô nhỏ hơn nhưng đổi lại việc áp dụng một số công nghệ hiện đại vào sản xuất giúp công việc của người thợ trở nên đỡ vất vả hơn, thời gian hoàn thành tấm giấy Hanji được rút ngắn lại.
Cổ tích giấy Hanji ảnh 1 Nghệ nhân Kim Han Sup hướng dẫn kỹ thuật làm giấy cho du khách. 
Song một số công đoạn như seo giấy, nhặt mắt ở sợi giấy, tạo hình hoa văn… để đảm bảo sản phẩm vừa nhẹ, mịn màng lại vẫn bền, chắc rất cần bàn tay tài hoa của những người thợ lành nghề. Nghệ nhân Kim Han Sup, 72 tuổi, người đã có thâm niên hơn 45 năm làm nghề được coi là một trong những trụ cột tại xưởng giấy này. Giờ đây, ngoài việc trực tiếp seo giấy theo cách thủ công có từ ngàn đời, ông còn đảm nhận thêm việc hướng dẫn những người thợ trẻ, các nhà nghiên cứu về nghề truyền thống và cả những du khách đến đây về kỹ thuật làm giấy Hanji. Mắt ông giờ đã phải đeo kính nhưng cánh tay vẫn vô cùng rắn chắc, dẻo dai, vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ. Một thí dụ điển hình cho sức bền của Hanji là những tài liệu được tìm thấy trong ngôi đền Bulguksa ở Gyeongju năm 1966. Được cho là bản in bằng gỗ đầu tiên trên thế giới và bản kinh in ra từ bản khắc gỗ này hầu như không bị hư hại nhiều, nhờ độ bền tự nhiên của Hanji. Theo các nghệ nhân làm giấy, do đặc tính bền, chắc người dân Hàn Quốc cách đây 500 năm đã phát triển kỹ thuật xử lý Hanji để tạo ra một vật liệu cứng và bền vững hơn được gọi là Joomchi. Đó là kỹ thuật ngâm giấy Hanji vào nước trong nhiều giờ cho mềm rồi nắm và đập giấy cho đến khi sợi dâu giấy mềm như sợi bông. Sau khi được ép nhiều lớp, những tờ giấy Hanji mỏng manh đã trở thành một vật liệu dai như da thú. Chất liệu này bền tới mức đã được sử dụng làm áo giáp, hoặc những đồ dùng đòi hỏi kết cấu chắc chắn như áo rét, găng tay… Nhiều người lý giải, sở dĩ những tấm giấy Hanji có thể bền chắc tới hàng trăm năm nhờ sau khi trồng và thu hoạch, sợi giấy được ngâm trong nước lạnh của mùa đông nước Hàn. Song có một lý do khác khiến mỗi tấm giấy vừa mỏng mảnh, tinh tế, mềm mại nhưng lại bền chắc đến khó tin chính là nhờ bí quyết trong từng công đoạn nhỏ như seo giấy, hong giấy… của chính những người nghệ nhân như ông Kim Han Sup đang nắm giữ.
Cổ tích giấy Hanji ảnh 2 Nhiều sản phẩm mỹ nghệ, đồ lưu niệm được làm ra từ giấy Hanji. 
Gìn giữ truyền thống
Những người làm giấy ở Jeonju chia sẻ, thuở trước các cơ quan công quyền thường mua rất nhiều giấy Hanji để sử dụng vì đặc tính bền dai của nó. Các thông tin về hộ tịch được ghi chép trên giấy Hanji cho đến nay vẫn còn rõ nét. Chúng được công nhận là loại giấy tốt nhất để lưu giữ các thông tin quan trọng. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, sự xuất hiện của các loại giấy rẻ tiền và nhiều loại giấy có nguồn gốc không rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến nghề làm giấy. Sau đó, nhiều nhà máy sản xuất giấy hiện đại dần xuất hiện. Nhiều người bắt đầu nhập khẩu vỏ cây ở nước ngoài với giá rẻ hơn để làm giấy. Điều này khiến các nhà sản xuất giấy truyền thống ở Hàn Quốc phải lao đao. Nghề làm giấy cha truyền con nối vốn nuôi cả đại gia đình giờ gần như trở thành một ký ức đẹp. Các cơ sở sản xuất giấy Hanji dần biến mất, một số nơi vẫn còn sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống của tổ tiên. Thời điểm được coi là bước ngoặt, đem đến một hướng phát triển mới cho loại giấy truyền thống này phải kể đến tại triển lãm “Thiết kế và hàng thủ công mỹ nghệ Hàn” được tổ chức năm 2012 tại Pháp. Một chiếc giầy thể thao màu xám được trưng bày tại đây nhìn bề ngoài không có gì nổi bật nhưng lại là sản phẩm gây sự chú ý nhiều nhất bởi đó là chiếc giầy thể thao đầu tiên trên thế giới được làm từ giấy Hanji truyền thống. Từ sức hút đặc biệt ấy, giấy Hanji đã phá vỡ quan niệm cố hữu “giấy chỉ dùng cho cửa sổ của những ngôi nhà truyền thống hanock, giấy để in sách…” và mở ra một xu hướng mới với hàng loạt vật dụng sinh hoạt hàng ngày thể hiện tính biến hóa của giấy. Giờ đây, giấy truyền thống của xứ sở Kim chi không chỉ dùng để viết thư pháp, vẽ tranh mà được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ dán tường, làm đồ lưu niệm... Và Hanji cũng bắt đầu lấn bước sang công nghệ thời trang khi xuất hiện hàng loạt bộ sưu tập được thực hiện bằng loại vải bền, chắc, thân thiện với người sử dụng nhờ được dệt chung với sợi giấy tự nhiên. Không dừng lại ở đó, sản phẩm từ giấy Hanji truyền thống của Hàn Quốc còn được ứng dụng vào sản xuất giầy thể thao, đồ gia dụng, bút chì, hộp bút, ba lô, rổ rá… và nhiều vật dụng khác trong gia đình. Để bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống này, bên cạnh việc chính quyền địa phương hỗ trợ vùng xây dựng nguyên liệu, còn diễn ra hàng loạt hoạt động quảng bá, giới thiệu về công dụng, giá trị văn hóa cũng như kỹ thuật sản xuất giấy Hanji thông qua các triển lãm, lễ hội… được xúc tiến tổ chức ở trong nước và quốc tế. Không chỉ giới trẻ Hàn Quốc hiểu, trân trọng giá trị văn hóa, truyền thống của Hanji mà tinh hoa của người làm giấy, của sản phẩm thủ công này đã bắt đầu lan tỏa.  Nghề làm giấy Hanji tuy có sự hồi sinh mạnh mẽ, song cũng giống như tình trạng chung của nghề thủ công truyền thống của nhiều nước khác, nghề đã mai một rất nhiều. Lớp hậu bối như con của nghệ nhân Kim Han Sup giờ cũng vì truyền thống gia đình học hỏi kỹ thuật làm giấy Hanji, nhưng anh vẫn chưa quyết định có theo đuổi công việc này hay không, bởi thu nhập từ nghề chưa đủ giúp người thợ có thể lo trọn vẹn cho gia đình. Nhưng với niềm đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ của những nghệ nhân Kim Han Sup, bà Kim Og Young và những người thợ trong việc gìn giữ và bảo tồn tinh hoa nghề cổ, chắc chắn những tấm giấy Hanji truyền thống sẽ vẫn tiếp tục trường tồn như chính nó đã tồn tại hơn 1.000 năm qua.

Các tin khác