Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa”

(ĐTTCO) - Hơn 130 cổ vật quý mang đậm dấu lịch sử văn hóa Việt Nam trong chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” sẽ ra mắt công chúng yêu cổ vật và khách thưởng ngoạn TPHCM tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TPHCM chia sẻ: “Với hơn 130 cổ vật quý trưng bày lần này - được Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Hội Cổ vật TP chọn lọc từ 27 nhà sưu tập tư nhân và các hiện vật sưu tập của bảo tàng – chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng nhằm thể hiện những dấu ấn lịch sử - văn hóa Việt Nam, vừa là giao lưu văn hóa trong khu vực vừa góp phần thu hút du khách đến với Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) và kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Cổ vật TPHCM”.

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 1Chén pháp lam dập hình rồng nổi, Việt Nam (thế kỷ 19)

Các hiện vật được chia thành nhiều chủ đề.

Sưu tập vũ khí với các hiện vật được chế tác bằng kim loại như: qua, mũi giáo, dao găm…. Sưu tập ấn chương (con dấu) như: Thiên trường phủ ấnDoanh trung thừa vệ đô úyBình Thuận lãnh binh quan phòng… được Bảo tàng Lịch sử TPHCM sưu tầm trong những năm vừa qua nhằm giới thiệu cơ cấu tổ chức hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử phong kiến.

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 2Dao găm, văn hóa Champa (thế kỷ 18)

Sưu tập pháp lam (đồ đồng tráng men) với các hiện vật như: dĩa, ly, bình, hũ… dùng làm đồ gia dụng và tế tự; sản phẩm chủ yếu dùng trong trang trí nội thất, ngoại thất các cung điện triều Nguyễn. Bộ sưu tập gốm Lái Thiêu qua các sản phẩm dân dụng, gần gũi với đời sống của người dân Nam Bộ như bình hoa, lư hương...

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 3Bình gốm men xanh trắng, Chu Đậu (Việt Nam, thế kỷ 15)

Đặc biệt là bộ sưu tập gốm: Cây Mai được trưng bày trang trọng ở khu trung tâm, với các sản phẩm gốm thờ cúng và gốm trang trí, từng “vang bóng một thời”, như tượng Hộ pháp, tượng Tiêu diện đại sĩ, tượng ông Nhật, bà Nguyệt, quần thể tiếu tượng, đôn...

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 4Tượng Phật Nhật Bản (thế kỷ 19)

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 5Tiếu tượng gốm Cây Mai, Sài Gòn (thế kỷ 19)

Bên cạnh đó, chuyên đề còn trưng bày một số hiện vật như: các loại ấm, chén, đĩa, bình, kendi, nậm, bình vôi… dùng trong thú thưởng ngoạn uống rượu, uống trà, ăn trầu.. và sinh hoạt thường nhật của người Việt xưa. Đó là những nét đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, tạo ra sự đặc sắc của văn hóa phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Cơ hội thưởng lãm cổ vật quý với trưng bày “Nét cũ dấu xưa” ảnh 6Ấn đồng Việt Nam (thế kỷ 16)

Trong kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam, cổ vật là một loại hình di sản văn hóa khá đặc biệt - là sự kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng, kỹ thuật và nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử.

Từ xa xưa, cổ vật đã sớm trở thành niềm đam mê đối với những người yêu cổ ngoạn. Yêu “nét cũ” tìm “dấu xưa” qua những di vật của tiền nhân đã trở thành một thú chơi tao nhã và phát triển thành một phong trào sưu tầm cổ vật từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Cũng theo ông Tuấn, nhân dịp này Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng ra mắt giới thiệu với công chúng 3 phòng chỉnh lý trưng bày trong lộ trình hiện đại hóa hệ thống trưng bày về lịch sử Việt Nam. Đó là Thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiênthời Ngô – Đinh – Tiền Lê (938 - 1009) và Đại Việt thời Lý (1009-1225).

Nội dung chỉnh lý, hiện đại hóa các phòng trưng bày được thể hiện bằng việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác trưng bày, áp dụng kỹ thuật thiết kế đồ họa, catalogue, sử dụng những chất liệu mới làm tủ, bục bệ, vách ngăn, hệ thống chiếu sáng… Hệ thống chủ đề trưng bày, tiểu chủ đề, nội dung trưng bày, chú thích hiện vật cũng được thay thế bằng kỹ thuật mới.

Chuyên đề “Nét cũ dấu xưa”mở cửa các ngày trong tuần, từ ngày 28-11-2018 đến hết ngày 31-3-2019.

“Chuyên đề thể hiện tâm huyết của những thành viên Hội cổ vật TPHCM trong công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tiền nhân. Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật xưa của từng thời đại, thời kỳ, trường phái… còn là những cái tình hoài cổ, cái tình tri âm với cổ vật, và sự mong muốn khám phá những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của các nhà sưu tập”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Các tin khác