Cơ hội du lịch di sản Huế

(ĐTTCO) - Những ngày qua, nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến và lưu lại cố đô Huế để tham quan và thưởng thức các di sản thế giới của Huế; thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu; tiếp nhân viên tình nguyện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam... Đây là cơ hội góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và du lịch di sản Huế đến với bạn bè quốc tế.

(ĐTTCO) - Những ngày qua, nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến và lưu lại cố đô Huế để tham quan và thưởng thức các di sản thế giới của Huế; thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu; tiếp nhân viên tình nguyện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam... Đây là cơ hội góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và du lịch di sản Huế đến với bạn bè quốc tế.

Không gian văn hóa

Để giới thiệu những đặc trưng văn hóa đến với Nhật hoàng và các thành viên trong đoàn công tác, một không gian văn hóa Huế được hình thành ngay tại nơi lưu trú của đoàn bên dòng Hương thơ mộng. Cùng với những bộ trang phục áo dài cung đình là những gian hàng giới thiệu về các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế, như chằm nón, trúc chỉ, hoa giấy Thanh Tiên…

Trong lúc tham quan, khám phá tầng sâu văn hóa Huế, Nhà vua Nhật Bản cùng các thành viên trong đoàn có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ các nghệ nhân tài hoa Huế. Những hình ảnh trực quan về một cố đô Huế có nhiều nét tương đồng văn hóa, bề dày lịch sử, thành phố xanh, thiên nhiên trong lành như ở đất nước Nhật Bản cũng được tăng cường giới thiệu tại khu vực này.

Nhà vua và Hoàng hậu bắt đầu thăm Đại nội Huế vào khoảng hơn 10h. Nhà vua và Hoàng hậu được đón tiếp ngay tại cổng Ngọ Môn với nghi thức cao nhất, gồm lính mang lọng, trong tiếng lễ nhạc. Ảnh: Võ Thạnh

Nhà vua và Hoàng hậu bắt đầu thăm Đại nội Huế vào khoảng hơn 10h.
Nhà vua và Hoàng hậu được đón tiếp ngay tại cổng Ngọ Môn với nghi thức cao nhất,
gồm lính mang lọng, trong tiếng lễ nhạc. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ngành du lịch xác định chuyến thăm của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu là dịp không thể tốt hơn trong việc quảng bá du lịch Huế đến với người dân Nhật Bản. Bởi đi cùng Nhật hoàng còn có hàng trăm phóng viên của các hãng truyền thông, thông tấn báo chí Nhật Bản và quốc tế, nên đây là cơ hội hiếm có để quảng bá về hình ảnh con người, văn hóa và du lịch di sản Huế.

“Lâu nay, việc quảng bá sản phẩm du lịch Huế đến đất nước Nhật Bản vẫn được thực hiện, triển khai nhiều hình thức, song mức độ lan tỏa vẫn chưa thể đưa hình ảnh Huế đến được tất cả người dân Nhật Bản. Nhưng chuyến thăm cố đô Huế lần này của Nhật hoàng sẽ là thời cơ lớn để Thừa Thiên - Huế giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là trên lĩnh vực khai thác và phát triển loại hình du lịch di sản, bởi có đại diện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn Nhật Bản đi cùng” - ông Phúc đánh giá.

Từ năm 1992, Quỹ Ủy thác Nhật Bản, thông qua UNESCO, đã hỗ trợ bảo tồn, trùng tu di tích Ngọ Môn và đào tạo nhân lực cho công tác bảo tồn di sản tại Huế. Ảnh: Hoàng Táo

Từ năm 1992, Quỹ Ủy thác Nhật Bản, thông qua UNESCO,
đã hỗ trợ bảo tồn, trùng tu di tích Ngọ Môn và đào tạo nhân lực
cho công tác bảo tồn di sản tại Huế. Ảnh: Hoàng Táo

Dấu ấn Nhật Bản

Huế - mảnh đất tồn tại nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam được tạo dựng phần lớn từ thời nhà Nguyễn (1802-1945). Nơi đây còn là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm...

Đã có 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau của vương triều Nguyễn được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế; Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chia sẻ trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, gần 2/3 số công trình thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã trở thành phế tích. Song với sự hỗ trợ tích cực của UNESCO và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng bạn bè quốc tế, trong hơn 20 năm qua đã có gần 50 dự án, chương trình bảo tồn, trùng tu di sản Huế được thực hiện.

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia để lại dấu ấn sâu đậm trong việc góp phần “hồi sinh” di sản Huế một cách toàn diện, được xem là điểm sáng của du lịch Việt Nam. Đây là đối tác không chỉ giúp Thừa Thiên - Huế có được nguồn vốn trực tiếp trùng tu các công trình kiến trúc, mà còn tạo điều kiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trùng tu, bảo tồn cho đội ngũ cán bộ tại chỗ.

Trong đó, nổi bật nhất là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (xây dựng năm 1804 và là ngôi điện lớn thứ hai trong Hoàng cung - Đại nội Huế đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947), bắt đầu thực hiện từ năm 1996 đến nay vẫn đang tiếp tục, với nguồn kinh phí được đầu tư ngày càng lớn.

Ở lĩnh vực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế đến với thế giới, Nhật Bản cũng là một trong những nước tiên phong. Gần đây, các tình nguyện viên Nhật Bản đã giúp Thừa Thiên - Huế xây dựng website www.vietnamhuekanko.com dành riêng cho thị trường khách Nhật Bản. Từ năm 2010-2015, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên - Huế tăng trưởng ổn định và thường xuyên xếp thứ 8 trong top 10 lượng du khách quốc tế đến Huế.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết cố đô là địa phương có mối quan hệ hợp tác toàn diện với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như phòng chống thiên tai, bảo tồn các di sản, giao thông, cấp nước, giáo dục, y tế. “Lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế rất vui mừng và hạnh phúc được đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm.

Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là cơ hội rất lớn cho địa phương trong việc quảng bá hình ảnh vùng đất và con người xứ Huế đến với nhân dân Nhật Bản và bạn bè quốc tế. Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, công tác lễ tân, an ninh trật tự để đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu trọng thị và nồng ấm nhất” - ông Cao kỳ vọng.

Bên cạnh việc hợp tác bảo tồn trong văn hóa tại Thừa Thiên - Huế, Nhật Bản cũng là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng, trong đó có 6 dự án lớn với tổng nguồn vốn hơn 507,5 triệu USD. Cùng với đó, tại Thừa Thiên - Huế còn có 7 dự án FDI của Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 30,4 triệu USD. Các dự án này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác.

Các tin khác