Chuyện nghề không quên

Nhiều năm lăn lộn trong nghề báo, có những điều khiến tôi cảm thấy tự hào với nghề hoặc với quyết định của mình, có những điều khiến tôi ray rứt khôn nguôi và có cả những chuyện cứ nghĩ đến là phì cười. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, tôi xin chia sẻ vài kỷ niệm, câu chuyện hậu trường của nghề báo.

Nhiều năm lăn lộn trong nghề báo, có những điều khiến tôi cảm thấy tự hào với nghề hoặc với quyết định của mình, có những điều khiến tôi ray rứt khôn nguôi và có cả những chuyện cứ nghĩ đến là phì cười. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, tôi xin chia sẻ vài kỷ niệm, câu chuyện hậu trường của nghề báo.

Chuyến đi "sinh tử"

Cuối năm 1993, tôi theo chân các anh trong Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt-Lào. Đoàn có khoảng 10 người, trong đó một nửa là nhà báo. Hành trang đoàn đem theo gồm nhiều lương thực, thực phẩm và quà tết. Tất cả người và hàng đều chất lên xe U-oat thùng.

Theo lịch trình, điểm đầu tiên đến là Đồn biên phòng 665, thuộc địa phận xã Đắk Blô (huyện Đắk Glei), cách thị xã Kon Tum 150km và cách huyện lị Đắk Glei 40km đường đèo và rừng. Đây là đồn nằm ở vị trí xa và sâu nhất, đường đi khó khăn nhất. Xuất phát từ thị xã Kon Tum từ sáng sớm, nhưng vì hầu hết là đường đất lầy lội nên đến gần tối chúng tôi mới đến được đỉnh đèo Lò Xo trên Quốc lộ 14, nơi có lối rẽ vào đồn.

Nhà báo Đại Dương tác nghiệp tại một làng người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai. 

Nhà báo Đại Dương tác nghiệp tại một làng người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai. 

Đi vào lối rẽ một đoạn ngắn xe mắc lầy. Đẩy mãi không được, trưởng đoàn cắt cử một chiến sĩ ở lại trông xe và chờ viện trợ, những người còn lại lội bộ vào đồn. Ngoài hành lý và đồ nghề, ai cũng phải mang vác một số hàng hóa, quà tết. Giữa rừng, bóng tối ập xuống rất nhanh. Càng vào sâu, dốc càng cao, mưa càng nặng hạt và gió thốc càng mạnh. Lúc đầu mọi người vừa đi vừa trò chuyện, sau thấm mệt cứ lầm lũi đi.

Tôi đi chậm, dần bị tụt phía sau lúc nào không hay. Do không có kinh nghiệm đi rừng, lại lần đầu đi rừng đêm tối nên tôi rất lúng túng. Cũng may chỉ có con đường duy nhất nên cứ thế đi. Lên dốc rồi xuống dốc chẳng biết bao nhiêu lần. Khi trèo lên một con dốc dài và cao ngất (sau này mới biết đó là Cổng Trời), tôi như bị ngạt thở, gió rít từng hồi lạnh buốt, nước mưa ném vào mặt rát rạt. Tựa lưng vào vách núi, tôi nghỉ một lúc rồi đi tiếp. Bây giờ là đổ dốc, dốc rất cao khiến hai đầu gối run cầm cập, tôi bước đi như một quán tính. Hết dốc đến một con suối.

Lội qua bên kia suối, tôi chỉ còn biết ngồi thở dốc vì quá mệt và lạnh, thêm nữa trời tối đến mức không thấy đường để đi tiếp. Ngồi được vài phút, không gian im phăng phắc bỗng nghe tiếng sột soạt đâu đó, tôi đảo mắt nhìn. Tiếng động mỗi lúc một gần, tôi nhận ra trong bóng tối một con vật lù lù đang tiến lại sát phía mình. Nghĩ là thú dữ, tôi hoảng sợ, tim đập thình thịch.

Lúc đó xung quanh chẳng có gì để tôi dùng làm vũ khí, vả lại cũng chẳng đủ sức để làm việc đó. Tôi lần trong túi xách bên người lấy được chiếc đèn flash chụp ảnh, hướng đèn về phía con vật tôi bấm đèn phát sáng. Bị bất ngờ bởi một luồng sáng mạnh, con vật vùng chạy. Trong lúc đèn lóe sáng, tôi nhận ra con trâu độ tuổi choai choai, có lẽ là trâu của đồng bào dân tộc thả rông. Ánh sáng cũng giúp tôi nhận ra con đường phía trước.

Đi một đoạn nữa, tôi gặp mấy chiến sĩ trong đồn bủa ra tìm đón. Về đến đồn, cơm nước xong, tôi quấn chăn ngủ vùi trong giá rét biên cương nhưng vẫn không quên tủm tỉm cười.     

Nói không với sự áp đặt

Khi còn làm cho một tờ báo ngành y tế, một hôm tôi được lãnh đạo phụ trách đại diện tại TPHCM giao điều tra về bà thầy thuốc đông y "lang băm". Nhận lệnh và cầm lá đơn tố cáo, tôi điều tra cẩn trọng, gặp gỡ nhiều bệnh nhân và chính quyền địa phương nơi thầy lang hành nghề. Sau một tuần lăn lộn, sự việc không đúng những gì nhận định trong đơn tố cáo.

Bà thầy lang này có bằng cấp, chuyên trị viêm xoang bằng phương thuốc gia truyền. Trước đây bà hành nghề hợp pháp tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), chữa trị hiệu quả nên khách đến đông. Nhưng có kẻ ganh ghét tố cáo, hãm hại bà. Kết quả, bà bị địa phương đình chỉ hành nghề với lý do không chính đáng.

Sau đó, bà chuyển về TPHCM tiếp tục hành nghề hợp pháp. Tại đây, các cơ quan chức năng nhiều lần thanh, kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của bà nhưng không phát hiện sai sót nào. Tôi trình bày lại với lãnh đạo, kèm bài viết phản ánh trung thực những gì thu thập được. Không ngờ tôi bị mắng một trận và yêu cầu phải viết theo tinh thần "đánh lang băm" như nhận định lúc đầu.

Tôi "ngậm bồ hòn" để đi "bới lông tìm vết". Bài viết mới thực hiện theo cách bỏ qua những yếu tố tích cực hoặc bình thường và thổi phồng những thiếu sót của bà thầy lang. Khi bài đăng, lãnh đạo đắc chí, còn tôi vừa ấm ức, vừa hổ thẹn. Cho đến bây giờ, nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn luôn mang trong mình sự dằn vặt và hổ thẹn về chuyện này.

Chưa hết. Sếp có con bị dị tật ở mắt. Chị nhà thường đưa cháu đi khám và điệu trị tại Viện mắt TPHCM. Ở phòng khám có cô y tá tính tình vui vẻ, nhiệt tình và đặc biệt rất biết chiều chuộng, giỏi nắm bắt tâm lý trẻ em nên được cảm tình của các bệnh nhi và bố mẹ các cháu. Không biết nghe ngóng thế nào sếp lại gắn cho cô y tá một lô mỹ từ và phong nhiều danh hiệu rất kêu, yêu cầu tôi đến tìm hiểu giới thiệu "người tốt việc tốt".

Bài báo của tôi về cô y tá chỉ vỏn vẹn 400 từ, nó không phương hại đến ai nhưng tôi không cảm thấy yên lòng. Kể ra, cô y tá nọ cũng có phẩm chất tốt của người thầy thuốc, xứng đáng được biểu dương. Song, chân dung của cô hiện lên trong bài báo không giống với đời thường của chính cô ấy, bởi đơn giản đó là ý muốn chủ quan áp đặt. Một lần nữa tôi lại mắc sai lầm.

Tôi quyết định nói lời chia tay với tờ báo và tìm nơi việc làm mới thích hợp hơn. Ngày tôi dứt áo ra đi nói không với sự áp đặt, cũng đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.

Các tin khác