Chuyến đi biển của những cô hồn

Tư Già tìm gặp Tám Hoánh ở một sân đình, cách chợ Giá Khe không xa. Đã xế chiều. Vậy là tối nay Tám Hoánh ngủ ở đây. Và cũng chắc từ sáng tới giờ không có việc làm, không có tiền uống rượu, trông mặt còn tươi tỉnh lắm.

Tư Già tìm gặp Tám Hoánh ở một sân đình, cách chợ Giá Khe không xa. Đã xế chiều. Vậy là tối nay Tám Hoánh ngủ ở đây. Và cũng chắc từ sáng tới giờ không có việc làm, không có tiền uống rượu, trông mặt còn tươi tỉnh lắm.

Gã tứ cố vô thân, ăn ngủ vật vạ, làm bất cứ việc gì mọi người thuê mướn. Việc thường làm là vác cần xé từ các ghe cá lên chợ. Hoặc trộn muối cá phơi khô làm mắm, tiền lãnh được một phần ăn ba phần uống. Nhưng ít khi gã say bét nhè quậy phá bậy bạ, đủ “đô” lừng khừng là tìm một góc vắng ngủ vùi.

- Đi nhậu với tao, có chuyện này - Tư Già nói. Tám Hoánh đi theo. Hai người đi ra bờ biển, ngồi vào quán cóc sát bờ kè lởm chởm đá. Tháng 7 gió thổi lạnh. Tư Già kêu lít rượu, dĩa khô, mớ cóc ổi, mỗi người uống liền hai ly.

- Mày đi cúng cô hồn không? - Tư Già mở đầu, không vòng vo.

- Tới phiên tui hả? - Tám Hoánh hỏi lại, cũng không úp mở.

Tư Già đã hơn 60, mặt nhăn đùn. Nhưng tên Tư Già có từ hồi nhỏ, mười mấy tuổi mặt đã nhăn như vậy. Lão là dân mối lái, mọi việc thuê mướn ở chợ đều qua tay lão, ăn tiền “cò” cả hai đầu. Lão giới thiệu cho Tám Hoánh các mối vác mướn ở chợ cá, hoặc trộn muối, gánh nước, đẩy ghe… Tám Hoánh say lừng khừng suốt ngày, đầu óc mụ mị, lão nói gì gã nghe nấy.

Lần này là đi cúng cô hồn. Cai tổng Hội giàu có, ruộng cò bay thẳng cánh. Hàng năm ngày rằm tháng 7 lão tổ chức lễ xá tội, làm chiếc bè nhà giàn đèn hoa kết tủa thả ra biển, gọi là tống ôn. Một người đi theo bè, cầm lái giong buồm cho bè đi thật xa, tội lỗi trút tận ngoài hòn Mun, hòn Ngang, giữa trùng khơi mịt mù sóng vỗ. Coi như đi thí mạng, có trở về được cũng thân tàn ma dại. Đổi lại được món tiền để lại cho vợ con, ra được tới hòn trở về còn được cho miếng đất sống hết đời.

Tư Già giữ việc hàng năm tìm người làm cô hồn cho lão địa chủ. Mỗi năm một người, trong đám bình dân cùng đinh mạt hạng. Không lo thiếu người, người nghèo chỉ có nhiều thêm ra thôi.

- Tùy mày thôi - Tư Già nói - Không tao tìm người khác. Đi không?

- Đi.

- Được! Mày ở đây cũng có ra gì. Đi một lần cho biết. Không phải ai cũng chết. Thằng Hai Nới còn sống trở về mày nhớ không? Tao ráng đóng cho mày chiếc bè thật chắc, mày ra được tới hòn làm khỉ vài năm, trở về lãnh miếng đất sống hết đời.

- Giả dụ giữa chừng tôi lẻn trở về thì sao?

- Tháng này gió chỉ xua mày đi ra thôi, mày không khôn lại lão cai tổng đâu. Bởi vậy mới chết nhiều. Nghe tao dặn, ráng ra được tới hòn, cuối năm trở gió, bè không rã banh mày dong buồm chạy cấn trở về. Hay là không đi?

- Đi.

- Được. Tao đãi mày chai la-ve cho sang.

Tám Hoánh uống liền hai chai la-ve, chê lạt như nước đái, đòi uống rượu trắng. Tư Già đãi tất cả. Nói mai sẽ ứng trước món tiền uống thả cửa, trở về được miếng đất sống hết đời. Tám Hoánh không cần sống hết đời, có tiền uống rượu trong ngày được rồi. Tư Già bỏ đi gã vẫn ngồi uống, say mèm ngó dáo dác, thấy có đống cỏ khô gần đó lủi vô ngủ.

Ảnh: LONG THANH 

 Ảnh: LONG THANH

Bắt đầu hôm sau là những ngày “đổi đời”. Có được mớ tiền ứng trước, không biết bao nhiêu, gã nhét cục tiền vô túi, sáng sớm ra ngồi giữa nhà lồng chợ uống liền một chai, nhai rau ráu con khô nướng, cặp nách thêm chai đi thăm thú khắp nơi.

Đầu tiên đi tìm ông già cả đời đi biển, giờ ngồi một chỗ kể vung thiên đủ thứ những chuyện thật và không thật. Gã nghe bỏ ngoài tai tất cả, chỉ giữ lại vài chuyện về thuật “coi mây đoán gió”, cách giữ dây lèo chạy cấn, leo lên cột buồm coi hướng đi.

Gã cho ông già ít tiền, đi tiếp đến nhà Hai Nới, dân vác mướn với nhau, làm cô hồn trong những chuyến đầu tiên, trong số ít người sống sót trở về. Hắn nằm trên giường người mỏng dính như xác ve, nói thều thào không ra tiếng, chị vợ phải nói thay.

Gã nghe lõm bõm, biết đại khái Hai Nới ra giữa biển cơn giông bắt đầu nổi lên, chiếc bè bị quăng giật tứ tung. Hai Nới bám riết sàn bè, đầu óc quay cuồng không còn biết trời đất gì nữa. Mấy ngày như vậy trôi qua, một chiếc ghe cá đi ngang thấy Hai Nới nằm chết giấc chim biển bu đầy, chở về trả lại chợ Giá Khe. Cục tiền ứng trước không đủ lo thuốc men, chưa đi tới đâu không được lãnh miếng đất, coi như lãnh họa chẳng nên tích sự gì.

Tám Hoánh cho Hai Nới ít tiền, đi tiếp đến nhà lão Bờ bị chết trên biển, chim biển móc mắt rỉa thịt chỉ còn trơ xương. Chị vợ sau đó cũng chết. Nhà chỉ có đám con nhỏ láo nháo không thể hỏi chuyện gì. Tám Hoánh ngồi uống rượu một mình, nhìn lên bàn thờ hình lão Bờ hồi hai mắt còn chưa bị chim móc rỉa. Uống hết chai rượu say lừ khừ, gã cho đám nhỏ ít tiền đi tiếp đến nhà Năm Dừa.

Đây là thằng bạn nhậu rất thân, đi một chuyến cô hồn cực kỳ lạ lùng. Năm Dừa chuyên nghề leo dừa. Bãi biển Giá Khe rất nhiều dừa, một tay y leo trèo. Chuyến đi hôm đó y đem theo nhiều dừa khô, cột thành chùm làm phao, bửa ăn dần. Bè ra khơi, nhìn ra chỉ thấy còn một chấm đen rồi mất hút. Không nghe có giông bão gì cả. Mấy ngày hôm sau thấy dừa khô trôi tắp vô, không thấy chiếc bè đâu, xác Năm Dừa cũng không. Mất tích, coi như chết.

Tám Hoánh cho tiền nhà Năm Dừa, đi tiếp đến nhà Bảy Ngàn, vốn là một tay cướp biển, trở về nghèo te tua, phải đi làm tống ôn, không thấy trở về. Người nói chết trên biển, người khác nói làm chúa hòn, trồng cây thuốc phiện bán qua Xiêm giàu có mình đeo đầy vàng. Tám Hoánh không cho tiền nhà Bảy Ngàn, uống hết chai rượu say lừng khừng, trở ra nhà lồng chợ đã vắng khách, leo lên một thớt thịt ngủ một giấc dài. Thức dậy trời đã xế chiều, đi rảo một vòng nữa, đến nhà Sáu Quắn, Tư Tới… Rồi thả ra bờ biển kiếm mua cơm ăn, tìm chỗ ngủ buổi tối.

Liên tiếp ba bốn ngày như vậy, Tám Hoánh mệt nhoài nhưng đầu óc thảnh thơi. Coi như mình đã chết, thành cô hồn, chân đi không chạm đất, không phải lo nghĩ chuyện gì. Ngồi tréo chân nhậu tì tì, cho tiền mấy đứa con nít, nói tụi bây có lòng tốt ngày này năm sau đốt dùm tao mấy cây nhang.

Bè đã làm xong, bằng cây don mua bên Cao Mên, loại cây thân xốp không thấm nước, rất bền chắc. Các khúc cây đều nhau cột khít lại bằng dây chão bện từ dây choại rừng U Minh. Cột buồm bằng cây đon cà đôn, cũng ở bên Cao Mên, chằng dây choại thật chắc. Hũ nước ngọt, mâm ngũ quả, đầu heo, nhang đèn, gạo rang, khoai khô… Mọi thứ được ràng rịt, gói cột thật kỹ. Một tấm bao bố tời để trùm đầu che mưa nắng.

Vậy là được rồi. Đi làm cô hồn, không phải ăn giỗ hay tiệc cưới.

Ngày đi đã đến, buổi sáng trời mù sương. Con nít bu rất đông. Người lớn cũng nhiều. Cai tổng Hội đi đến bằng kiệu, người nhà đỡ xuống ngồi lên chiếc ghế mây có lộng che. Tám Hoánh ngồi trên một cục đá, vẻ tươi tỉnh khiến đám con nít ngạc nhiên. Gã đã nhịn rượu mấy ngày, cũng phải giữ thể diện. Đi làm cô hồn, cuộc sống khác, con người khác. Còn ít tiền gã đưa cho Già Tư, nói muốn cho ai thì cho. Nhưng miếng đất lão cai tổng hứa cho phải giữ cho gã.

Một lão già đọc bài tế sống, giọng ê a như cầu kinh. Một hồi phèng la vang lên, tiếp theo kèn đám ma tò tí te inh ỏi. Rồi pháo nổ, con nít vỗ tay. Lão cai tổng phất tay ra hiệu. Tám Hoánh rời cục đá đứng dậy đi lần xuống, nhảy loi choi trên mấy cục đá, không nhìn lại.

Từ giã đất liền, từ giã tất cả, vĩnh biệt cuộc sống cũ. Gã bước lên bè, bước qua chiếc đầu heo, mâm nhang đèn ngũ quả, hướng ra biển, cầm lấy tay chèo bắt đầu chèo. Chèo một chiếc bè thật khó, nhưng gã không vội gì. Đang tỉnh rượu, một mình với chiếc bè, không ai sai bảo thúc ép. Một mình với những ngày tháng, cuộc đời trước mắt. Biển thật yên, xanh trong phẳng lặng.

Trước mặt chỉ có mù mịt trời nước, không có gì định hướng, không biết chiếc bè có đi tới hay không. Gã không màng, ra sức chèo, chừng nào còn có thể chèo được, đợi gió căng buồm. Nắng đã chan hòa khắp mặt biển. Một con chim biển sà xuống đảo liệng nghiêng ngó, rồi bay vút đi. Một con cá nhảy tung trước bè, vảy ánh bạc. Đã có gió nhẹ.

Gã thả buồm, nghe dây lèo căng trong tay, biết bè đang lướt tới. Nắng chưa gắt lắm, gã có thể ngồi dựa lưng vào cột buồm nhìn ngắm mây trời. Gió tháng 7 chỉ có xua bè ra xa bờ, gã nhớ lời Tư Già dặn. Biển Tây có hăm mốt hòn, thành hình vòng cung, trời phật phù hộ sẽ đến được một hòn nào đó. Tư Già còn dặn nhiều điều nữa. Nhưng gã không nghĩ tới chuyện đó, hay bất cứ chuyện gì khác. Không nghĩ tới lúc quay trở về nhận miếng đất của lão cai tổng. Rồi cũng vậy thôi, lại cả đời cày cấy dập đầu xuống đất. Cả đời vác cần xé, xốc muối ướp cá, những ngón tay ngấm muối cứng như đá.

Gã thấy đói, rứt ăn chiếc tai heo, thêm chiếc nữa, nuốt trửng bốn miếng bánh bò, uống lưng gáo nước, thấy buồn ngủ. Gã ngủ. Giấc ngủ lơ mơ, không biết bao lâu trôi qua, thấy nóng rát choàng thức dậy. Nắng chói chang khắp bốn bên. Mặt biển phẳng lặng, không một chút gió, chiếc bè im chết, không chút lắc lư. Chết mẹ rồi! Sao biển lại không có gió? Làm sao chèo qua cả biển Tây? Gã chết khô trên biển như vầy hay sao?

Gã bỗng thấy thèm rượu, uống say không còn biết trời đất gì nữa. Nhưng gã không đem rượu theo là đúng. Cuộc đời cũ qua rồi, chưa chi đã say không đáng một chuyến đi.

Gã đi vòng quanh chiếc bè, dậm đạp, rung lắc. Chiếc bè vẫn còn nguyên, vững chắc, chưa được thử thách. Già Tư nói biển Tây rất cạn, nhiều chỗ chỉ sâu vài sải tay, có chỗ thành bãi cạn có thể xăn quần lội đi. Nhưng đi đâu? Giữa trời nước mênh mông, có đi rồi cũng chết trên chính bãi cạn ấy. Gã ngồi xuống níu lấy cột buồm chịu trận. Món tiền tử là đây, miếng đất dành cho ngày trở về là đây.

Gã trùm bao bố chịu đựng, cố gắng thật đói mới ăn, uống nước rất ít, đó cũng là điều Tư Già dặn. Nắng cháy da cũng không được nhúng mình xuống biển. Người già đôi khi cũng biết được nhiều điều. Cái chết là kết thúc, không có gì hơn nữa. Gã cố tìm chuyện nghĩ vẩn vơ, nhưng không có chuyện gì nảy ra trong đầu. Gã đâu biết mình sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai. Bắt đầu hiểu biết gã thấy mình sống trên đời, lây lất dật dựa trên bến cá, nhà lồng chợ, vác cần xé xốc muối ướp cá, tiền lãnh được một đồng ăn ba đồng uống.

Gã lịm dần, đầu óc mê mụ. Gã lại mơ thấy chính mình đang đi biển. Đang ngồi trên chiếc bè của mình, buồm no gió lướt đi băng băng. Và rồi “rầm”! Gã tỉnh dậy. Bốn bên trời tối đen. Đã hết ngày hoặc mây đen đùn lên che kín tất cả. Mưa ràn rạt, sóng lớn bắt đầu nổi lên. Chiếc bè nhào lộn vật vã, đồ đạc trên bè văng tứ tung. Chỉ có cột buồm vẫn còn nguyên.

Gã ôm chặt chiếc cột buồm, đám dây chằng giữ mạng sống cho gã. Gã biết mình đang trong cơn nguy khốn, chắc trăm phần chết, cơn sóng sắp tới sẽ quật ngã gã, đánh văng gã xuống biển. Nhưng gã lại thấy thích thú, như được đùa giỡn, được thách thức. Gã gào lên như điên trong đêm tối. Bây giờ gã mới là chính gã. Gã mong được một con sóng lớn nhứt đánh văng, ngọn sóng xứng đáng cho cái chết xứng đáng. Nhưng không có ngọn sóng lớn. Rồi sóng bất ngờ dừng hẳn, không báo trước, hoàn toàn yên phắc. Biển lặng yên. Gió thổi nhẹ, chiếc bè lướt tới, gã vẫn ôm chặt cột buồm như tên hề. Gã bỗng bật khóc, tiếng khóc không vui không buồn, không đau khổ. Khóc tự nhiên như con nít khóc.

Trời sáng ra, vẫn mù mịt trong mưa. Khạp nước không văng xuống biển, không bể, chỉ lật nghiêng, còn ít nước. Suốt đêm dầm mình trong mưa gã vẫn thấy khát. Gã uống chút nước. Đồ ăn cúng kiếng văng tứ tung, còn một ít dính kẹt đâu đó dưới các khe gỗ, gã không màng. Ruột gan lộn tùng phèo, gã không nuốt nổi món gì. Giữa trưa, một cơn giông nữa nổi lên, không biết lớn nhỏ thế nào. Đã quá sức chịu đựng, gã ngất đi… Gã tỉnh dậy, thấy mình nằm trên chiếc giường vạt tre, trong một căn chòi gần sát biển, nghe tiếng sóng ầm ì cạnh bên. Bên kia là rừng cây bao phủ. Một đống lửa cháy bập bùng. Một người ngồi cạnh bên, râu tóc để dài.

- Ông ơi! - gã gọi.

- Tao, Năm Dừa đây! Già cả gì đâu - tiếng đáp - Trong nhà tưởng tao chết rồi chớ gì? Tao còn sống đây. Sáu Quắn cũng còn sống, ở bên Hòn Ngang kia. Thằng Tư Tới bên Hòn Chồng. Lão Bờ chết, bị chim biển móc mắt. Còn mấy đứa nữa cũng ở gần đây. Còn lại chết hết trên biển. Chết nhiều hơn sống. Những đứa sống cũng như chết, thành những cô hồn vật vờ, thân tàn ma dại không muốn trở về.

Cũng không có cách nào trở về. Mấy ngày rày rằm tháng 7 trời mưa giông tao có ý trông, biết thế nào cũng có đứa ra, sống hoặc chết, sáng chiều vài lần đi rảo qua các bãi cát. Hồi đầu hôm vừa đi ra thấy chiếc bè tấp vào, chạy lại kéo bè vô thấy mày còn thở thoi thóp, cơn giông lớn vậy không hiểu sao mày còn sống. Thôi vác bao cần xé đã đời ra đây sống với tao thôi. Cứ ở đây rồi tính…

- Tính gì? - Tám Hoánh hỏi.

- Đâu biết tính gì - Năm Dừa đáp - Mày tính được không?

Gã được mớm chút cháo, uống chút nước dừa, ăn thêm miếng cơm dừa. Năm Dừa ở hòn có nhiều dừa, mặc sức trèo hái. Hòn cũng có nhiều rái cá, nên được gọi là hòn Sơn Rái. Năm Dừa kể chuyện chuyến đi cô hồn năm xưa, ra giữa biển bị ngay cơn giông chiếc bè rã banh, hắn bám chùm dừa khô tấp vào được một hòn, không hiểu sao có mớ dừa khô trôi ngược trở lại như vậy.

Năm Dừa ở đây đã ba năm, trồng cây, lưới cá, buôn bán đổi chác ghe thuyền qua lại. Có bà chúa hòn trăm tuổi cai quản việc trồng trọt chăn nuôi buôn bán, nghe nói trước kia là cung phi, người làm rất đông, phép tắc rất nghiêm minh, lịnh truyền mọi người nghe theo răm rắp. Năm Dừa được bà cho ở lại đây, vì là cô hồn không được nhận vào làm, nhưng được ở một góc hòn, trồng cây câu lưới phải đóng thuế, bà lấy của đó giúp lại người túng thiếu. Gã sẽ dẫn Tám Hoánh đến ra mắt, xin phép được ở lại hòn, một góc nào đó làm lụng sinh sống chờ ngày về. Nhưng cũng đừng mong có ngày đó.

Trời sáng ra. Đống lửa tàn dần. Tám Hoánh nhổm dậy nhìn quanh. Căn nhà sát mép nước, lợp lá dừa, chung quanh chất đầy dừa khô. Một đường nước bằng máng tre từ trên núi chuyền xuống. Đồ dùng đủ cả, Năm Dừa là đứa giỏi giang. Tám Hoánh nằm trên giường ăn cháo, khoai củ, uống nước dừa, nước rễ tranh, sau ba bốn ngày có thể đi lại được. Năm Dừa dẫn gã đến gặp bà chúa hòn, một bà già quắt, không còn chút nét cung phi nào.

- Bẩm bà, có thằng cô hồn ra nữa đây - Năm Dừa nói.

- Ta biết rồi, đêm hôm nghe có tiếng cú kêu - bà già nói giọng sang sảng - Nó còn sống hả?

- Dạ, nó đứng đây.

- Mắt ta kém lắm. Cứ đứng đó. Được mấy đứa tất cả rồi?

- Dạ, năm. Ở quanh đây. Xa nữa chưa biết.

- Thằng chết trôi này làm được gì?

- Dạ, nó chỉ biết vác cần xé với nhậu thôi.

- Không biết câu lưới gì hết hả? Cũng không làm rẫy được hả? Ở đây không có cần xé đâu mà vác. Cũng không được nhậu. Chỉ cho nó chỗ nào ở cuối hòn. Không làm cũng phải làm. Dao rựa, câu lưới tới đây lấy, năm đầu không phải đóng thuế. Làm đường ống máng, lấy nước trên núi xuống mà uống.

Tám Hoánh tạm thời ở chung với Năm Dừa, hàng ngày nhờ Năm Dừa dẫn đi coi quanh đảo tìm chỗ ở. Dân cô hồn là người cõi âm, không sống chung với người khác, cũng không sống với nhau, phải ở lẻ loi một mình, đàn bà con gái không ai dám lấy nên không thể sanh con đẻ cái. Chiều về nhà cùng nấu cơm ăn, Năm Dừa nói: “Mình sống ở đây hết đời thôi, Tám Hoánh ơi!”.

Tháng 3-2013

Các tin khác