Sự tích dòng tộc Cơ Tu

Chủ nhân của dãy Trường Sơn

(ĐTTCO) - Người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam được xem là “chủ nhân” của một vùng rừng núi rộng lớn trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên. 

Họ có nền văn hóa lâu đời và đặc trưng của tộc người mình. Một trong những đặc trưng đó là người Cơ Tu có đến 30 dòng họ riêng biệt… nhưng tựu trung là cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống, tăng cường kết nối giao thương.

Nét văn hóa đặc trưng
Tại Quảng Nam, người Cơ Tu sinh sống tại 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Nghề đan lát ở đây khá nổi tiếng, các đồ gia dụng như mâm, rá đựng cơm, giỏ đựng dao rựa, ống đũa, hộp đựng xôi, các loại gùi... được làm bằng mây tre rất tinh xảo. Đặc biệt, người phụ nữ Cơ Tu giờ đây đã bước qua các hủ tục, lệ làng. Họ khẳng định mình bằng cách tự phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và xã hội. Họ biết dệt vải, làm nên những tấm đồ, tấm tút vừa phục vụ cho gia đình, vừa giao thương bán ra thị trường để tăng thu nhập. 
Chủ nhân của dãy Trường Sơn ảnh 1 Các già làng của người Cơ Tu đoàn kết, gắn bó với nhau. 
Khá nổi tiếng như làng dệt thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Zara (huyện Đông Giang). Tại đây, thu hút rất đông người đến chiêm ngưỡng và tham gia mua bán. Thổ cẩm Zara không còn bó buộc ở những vuông vải truyền thống, mà đã có thêm nhiều sản phẩm ứng dụng với mẫu mã không thua kém các mặt hàng thời trang truyền thống của nhiều dân tộc khác. Các loại túi xách, vật dụng trang trí trong nhà đều được người dân nơi đây biến tấu bằng thổ cẩm.
Những hoa văn cùng sắc màu đặc trưng đã đưa thổ cẩm của người Cơ Tu đến nhiều gian hàng triển lãm các tỉnh, thành trong nước. Hiện thổ cẩm Zara đã có mặt tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia với giá thành rất cao. Hiện nay, thổ cẩm của người Cơ Tu tại Quảng Nam không còn là câu chuyện của bảo tồn nghề truyền thống hay ổn định kinh tế các gia đình, mà tự thân mặt hàng này, những phụ nữ Cơ Tu đang tiếp tục nỗ lực vì một tương lai tốt hơn cho chính mình, cho con em và cộng đồng mình, bằng chính nghề truyền thống từ bao đời nay.
Chủ nhân của dãy Trường Sơn ảnh 2 Người Cơ Tu gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mỗi dịp diễn ra lễ hội.  
Ông Bh’riu Liếc, Bí thư huyện ủy Tây Giang, cho biết: Qua tìm hiểu người Cơ Tu có 30 dòng tộc. Đó là chưa tính những họ người ta tự đặt hoặc tự đi ra Bắc thay họ đổi tên. Cũng trong 30 dòng tộc này, mỗi dòng tộc đều có ý nghĩa riêng của nó, có những sự tích từ cây cỏ, con vật, dòng suối, từ những cái rất thân thiện với con người ở miền sơn cước. Và những sự tích về các dòng họ mang giá trị văn hóa đặc sắc cần tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, làm sao để dòng tộc người Cơ Tu tiếp tục giữ gốc gác của họ. Điều đặc biệt khi cùng mang họ Alăng, gặp nhau ở bất kỳ đâu họ vẫn xem đó là anh em, nên họ không bao giờ lấy nhau làm vợ chồng. Đây được xem là giá trị rất hay, cần được gìn giữ.

Đề cao tính cộng đồng
Làng của người Cơ Tu có chừng 20-40 nóc nhà, nhà này cách nhà kia 5- 7m, được xếp theo hình tròn, hình bầu dục hay đa giác, với chu vi chừng 1km. Mỗi làng có công trình công cộng là Gươl. Bên cạnh nhà ở, đồng bào còn có nhà kho để chứa lương thực, nhà chòi để bảo vệ nương rẫy (xa làng 200-1.000m).
Đứng đầu làng là một già làng có đủ uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, có khả năng suy xét để xử đúng trong các vụ kiện tụng, có tài ăn nói để ngoại giao, được dân làng bầu lên. Trong làng có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ có một sự tích, truyền thuyết và có tập quán kiêng cữ riêng liên quan đến dòng họ mình. Sự tích, câu chuyện cổ, truyền thuyết ấy có thể là một sự kiện đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, đời sống của họ.
Việc được xác định người Cơ Tu có đến 30 dòng họ riêng biệt, chỉ riêng tên gọi và sự tích hình thành các dòng họ của đồng bào Cơ Tu đã là cả một kho tàng văn hóa hấp dẫn bất kỳ ai muốn tìm hiểu. Mỗi dòng họ của người Cơ Tu đều mang trong mình một câu chuyện và một vật tổ khác nhau. Song, các dòng họ Cơ Tu đều xuất phát từ động vật, thực vật, dòng sông, con suối, hay một cốt truyện giáo dục truyền thống cho con cháu, hoặc những đồ vật rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của họ… Điều khá thú vị, trong 30 dòng họ của người Cơ Tu, có dòng họ Zơ Râm, truyền thuyết kể lại rằng “con chó được coi là vật tổ của dòng họ này”.
Ông Bh’riu Liếc cho biết thêm, người Cơ Tu xác định, trong làng nếu đơn thuần một họ ở trong một nhà thì họ không gọi nhà đó là nhà của tên chủ nhà, mà chỉ dòng họ, ví như nhà Alăng, nhà P’loong, nhà Cơ Lâu… Còn nếu một nhà nhiều dòng tộc cùng ở thì họ gọi là nhà Cơlai (có nghĩa là nhiều anh em). 
Ông Pa Lăng Bưng, Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Giang, cho cho biết: “Mỗi dòng tộc họ rất gắn bó, bảo tồn, đoàn kết chặt chẽ với nhau. Trong các dòng họ không phân biệt dòng tộc lớn, nhỏ. Tùy theo làng có dòng tộc nhiều hơn như Pơ Loong, hay A Lăng, Cơ Lâu…
Các dòng họ này tuy khác nhau về số lượng dân cư nhưng mối tình đoàn kết rất tốt, không có sự phân biệt, họ luôn sống chan hòa trong cộng đồng làng, không hề có sự chen lấn giữa tộc họ này với tộc họ kia. Hàng năm, nhân dịp tết, lễ các dòng họ luôn tổ chức họp hội, gặp gỡ động viên nhau trong quá trình lao động sản xuất, học tập và mọi phong trào chung của địa phương”.

Các tin khác