Chọi gà

Chọi gà là thú chơi dân gian có từ xa xưa, nhưng sau này bị lạm dụng biến thành chuyện “đỏ đen”.

Chọi gà là thú chơi dân gian có từ xa xưa, nhưng sau này bị lạm dụng biến thành chuyện “đỏ đen”.

Tại vùng ĐBSCL, chọi gà cá độ ngày càng tràn lan. TS. Trần Văn Nam, Phân hội trưởng Phân hội Văn hóa dân gian Cần Thơ, nêu quan điểm: Tệ nạn phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý; còn nét đẹp trong trò chơi dân gian cần lưu giữ, bảo tồn.

Tình gà khó dứt

Ông Vinh đã gần 70 tuổi, nhiễm cái máu chọi gà từ hàng chục năm nay. Ông làm nghề chích thuốc, nhưng trong nhà, ngoài sân đều có bội úp gà đá. Sang Hoa Kỳ định cư đã gần chục năm, nhưng năm nào ông cũng về Việt Nam để… đá gà.

Ông bỏ tiền nuôi 2 đệ tử tại quê nhà chỉ với nhiệm vụ tìm kiếm gà chiến, o gà đá cho ông. Có lần về nước, ông còn chịu khó ôm theo cặp gà đá trị giá cả ngàn USD. Đến sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian làm thủ tục (cho gà) còn dài hơn thủ tục cho người, gần 3 tiếng đồng hồ. Còn ông Năm Cảnh, hơn 60 tuổi, ở Vị Thanh, mê gà hơn mê… vợ, đã bị công an phạt nhiều lần nhưng máu đỏ đen vẫn không chuyển màu. Đam mê đến nỗi đêm nào ông cũng mang võng ra chuồng gà, nằm viện cũng bế gà theo.

Ông Tư  C. - ở lộ 19 Cần Thơ, sống bằng nghề nuôi gà đá - nói: “Chẳng phải chỉ có nông dân nới mê chọi gà, nhiều công chức cũng mê. Có ông gởi dăm ba con, ra sới giật dây cáp độ… Lớp trẻ chơi dữ quá, bội úp gà đá nở rộ khắp nơi, vô tận hẻm sâu. Ngày trước chỉ tổ chức đá trong dịp lễ hội, Tết nhất, nay chơi quanh năm suốt tháng”.

Tiếng gà ẩn vào tâm thức, bóng gà quyện chặt con tim. “Tình gà" kể bao nhiêu cũng chưa đủ.

Chọi gà, một thú chơi dân gian đang bị biến thành trò "đỏ đen".

Chọi gà, một thú chơi dân gian đang bị biến thành trò "đỏ đen".

Mỗi sáng, dân đá gà vẫn tụ về nhà Năm Bình bàn luận “chiến cuộc”. Năm Bình đã ngoài 50 tuổi, đầu đinh tóc đốm, da đen, mắt sắc lạnh. Mấy chục năm làm “biện” cho một xới gà vang danh xứ Ô Môn, “chiến tích giang hồ” nặng chịch. Đệ tử của gã nói nhỏ: “Hồi trước Năm Bình khá lắm, chứ đâu phải chui tọt vào ở hốc sâu, trống huơ trống hoác như vầy. Cũng vì cẳng gà mà ra. Ổng hiện có con gà Lý Tiểu Long nổi danh khắp vùng”.

Năm Bình kể: “Có con gà mua về chỉ mấy trăm ngàn đồng, chỉ cần thắng 2-3 trận là vọt lên “mấy chục chai” (hàng chục triệu). Con gà điều trong bót số 10 được chủ tiệm vàng dưới Vị Thanh xin đổi ngang giá chiếc xe máy trị giá gần 50 triệu đồng”. Nghe nói bên Chợ Lách (Bến Tre) có tay sắm cả máy lạnh để nuôi gà, mỗi con bán ra thu về cả chục triệu đồng. Nhiều lò chuyên nghiệp mở dịch vụ nuôi, tuyển lựa, thu gom gà quý “xuất tiểu ngạch” với số lượng không nhỏ sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan…

Gà tốt, “chiến” cần có ngoại hình thật bảnh, “mặt to gà lì, mặt nhỏ gà lanh”, mình-đòn phải dài, da mặt phải mỏng, tướng đi oai phong; mỏ ngắn, mép sâu, mòng áp sát sọ, cổ cần liền nhau, cánh xếp sát thân; ngực lớn, lưỡng quyền cao, đùi ếch, chân phân ba, vẩy mỏng, đuôi lớn...

Dân chọi gà rất mê “linh kê”, đó là những chú gà “có mạng có tướng”, theo “tứ linh - ngũ hành” đàng hoàng. Tứ linh có móng bẹt như móng rồng, đầu to như đầu lân, lưng cong mu rùa, đuôi vươn như phụng. Ngũ hành (mạng) phải theo màu sắc; mạng kim là gà chuối gấm, nhạn bạch; mạng mộc: xám khô, xám mung, xám khói; mạng thủy: ô ước, ô lao, ô ve; mạng hỏa: điều vàng bông cánh lao đuôi lao (trắng)...

Ông Hai Hiển, 86 tuổi, chủ nhân nhà cổ Bình Thủy, kể: “Hồi xưa, ai cũng biết tên tuổi Tám Vịnh, mù mắt nhưng chỉ nghe tả hình dáng hay nghe tiếng gà, rờ cựa gà là biết đá thắng thua. Năm 1940, ông nội tui là Dương Chấn Kỷ đã từng tỷ thí một độ để đời lên tới 1.000 đồng bạc con cò với ông Tám Vịnh”. Tư Sơn - một “hảo thủ” khác ở dốc cầu Rạch Ngỗng, vốn gốc thầy giáo - nói: “Trước đây trò chơi này công phu, trí tuệ, chứ không “ăn tắt”, bạo lực như bây giờ. Ngày xưa chỉ dùng cựa chốt (cựa trong chân hay cựa tự), cùng lắm là vuốt cựa, 2 gà hơn cọng lông cũng không đá... Thời bây giờ dân chơi xài song đao nhọn hoắt dài cả chục phân, sới gà như đấu trường C1 châu Âu, mất đi thú tao nhã”.

Đến khoảng thập niên 70 thế kỷ trước, Cần Thơ bắt đầu đá gà cựa ép (rút lấy cựa thiệt của gà già dùng hai miếng thép kẹp hai bên rồi dán băng keo lại). Cái cảnh "huynh đệ tương tàn, máu chảy đầu rơi" (cựa sắt) có đâu khoảng năm 1989.  Ở Cần Thơ từng chứng kiến nhiều trận thư hùng nảy lửa tại các sới bót số 10, Long Thạnh, Ô Môn cùng các tên tuổi lẫy lừng như  Chín Tiệm, Mười Báo, Bảy Hay, Sáu Cảnh…

Mấy năm trước độ nhỏ, nay leo thang đến hàng chục triệu đồng mà… vẫn nhỏ; khi chịu ăn, tiền nhét bung bao bố, có khi họ chung cả vàng hay USD. Hồi năm 1988 mà có độ lên đến 40-50 cây vàng, cả trăm người trong vùng tề tựu, “xì thẩu” Vĩnh Long đổ sang, chủ tiệm vàng Sóc Trăng, Cà Mau đổ về. Đá trường khó sống (sới cố định) lại chuyển sang “đá mẻ” (di động), lựa vùng giáp ranh, thoắt ẩn thoắt hiện, biết tụ biết tan (có nơi, có lúc “lù lù” ra đấy). Và nay tràn sang cả biên giới thuê trường gà có gắn camera hay mướn đất dựng sới, đá 24/24 giờ.     

Đã thổi hơi tiền tất nảy sinh “cờ gian bạc lận” với vô vàn “trò quỷ sứ”, lần hồi trở thành “nghệ thuật”: tống thuốc ngủ, nhét diêm sinh vào bụng cào cào “búng” cho gà đối phương; bôi thuốc mê vào lông cổ, tẩm thuốc độc vào cẳng gà khiến gà đối phương trúng thuốc khi lâm trận. Bạo tàn nhất là các chiêu “kèo phản”. Trước khi xung trận mà gà nhà bị cắt gân hay “nhập thủy” thì chỉ có nước “tẩu hỏa nhập ma”, ngây ngây dại dại. Thời công nghệ dân cá độ bạc tỷ xài cả chiêu nhét “chip” vào diều gà. Chuyển thắng sang bại chỉ một cái nhấn nút là chip phát nổ thuốc lan tỏa khắp diều...

Một hiện tượng xã hội

Bất ổn địa phương, tiêu tan sự nghiệp, nhảy lầu tự tử, vợ chồng con cái lục đục, ly tán… Đó là những hệ lụy từ chọi gà cá độ. “Không ai làm giàu từ cẳng gà, chỉ mượn thiên trả địa mà thôi” - nhiều dân chơi đã “gác kiếm” khẳng định như vậy. Thế nhưng nhiều người vẫn mê mải cựa gà dù nhiều lần bị xử phạt hành chính. Mức phạt 1 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/xe vẫn chưa đủ để răn đe.

Chọi gà là một hiện tượng xã hội, có nguồn gốc từ xa xưa. Từ thời văn hóa Óc Eo, cư dân châu thổ đã “chọi gà, chọi heo” (sách Nam Tề Thư) và nâng trò chơi này lên thành một nghệ thuật, nay bí quyết đã thất truyền. “Cựa gà không chọc nổi áo da” (Hịch tướng sĩ) là lời Hưng Đạo Vương cảnh tỉnh binh sĩ chớ mải mê chọi gà mà quên mối họa ngoại bang chực chờ xâm lấn. Tả quân Lê Văn Duyệt nuôi  5.000 chiến kê để nghiên cứu thế đánh. Mỗi khi xuân về xóm trên làng dưới tổ chức thi đấu với khát vọng chiến thắng, năm tới bội thu mùa màng. “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh…”, “Gà ô chân trắng mẹ mắng cũng mua / Gà trắng chân chì mua chi thứ ấy”… là lời tiền nhân gửi lại.

Nhiều nơi đã thành lập hội chọi gà truyền thống. Ở Chợ Lách, bên cạnh nghề hoa kiểng, dân còn nuôi hàng trăm ngàn con gà nòi trị giá hàng tỷ đồng; có gia đình thu lời hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nghề nuôi gà chọi. Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Cần Thơ) Lê Văn Sang cho biết đã trình chính quyền phương án tổ chức trường gà truyền thống rộng hơn 1.000m2 nhằm giữ gìn một trò chơi dân gian; phát hiện, bảo tồn giống gà quý.

Các tin khác