Choé nụ cười hóm hỉnh chốn nhân gian

(ĐTTCO) - Cứ mỗi dịp làm báo Xuân, giới nhà báo thường nhớ về họa sĩ Choé (ảnh). Sinh thời, tranh hí họa của ông thường xuất hiện nhiều trên báo chí vào dịp này. Họa sĩ Choé từng được đánh giá là cây hí họa hàng đầu Việt Nam và châu Á, tác giả của gần 15.000 bức hí họa, được đăng tải trên nhiều báo chí trong nước lẫn ngoài nước.

(ĐTTCO) - Cứ mỗi dịp làm báo Xuân, giới nhà báo thường nhớ về họa sĩ Choé (ảnh). Sinh thời, tranh hí họa của ông thường xuất hiện nhiều trên báo chí vào dịp này. Họa sĩ Choé từng được đánh giá là cây hí họa hàng đầu Việt Nam và châu Á, tác giả của gần 15.000 bức hí họa, được đăng tải trên nhiều báo chí trong nước lẫn ngoài nước.

1. Không chỉ vẽ mà Choé còn làm thơ, viết văn và sáng tác nhạc. Nhưng mỹ thuật, đặc biệt là tranh hí họa, mới chính là sở trường làm nên sự nghiệp của ông. Tôi nhớ sinh thời họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc khi xem những bức hí họa chân dung nhân vật của Choé đã tâm đắc: “Anh Choé thật tài tình. Những bức hí họa chân dung của anh có một phong cách riêng, lột tả được thần thái của nhân vật. Tôi đặc biệt thích bức hí họa chân dung nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của “Cành hoa tim tím báo Xuân nồng”. Còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì bảo với tôi: “Choé là một trong những “quái kiệt” Sài Gòn. Tranh hí họa của anh rất độc đáo, rất tầm cỡ”. Từ Hà Nội về TPHCM gặp họa sĩ Choé, tôi nói lại những lời khen tặng ấy của hai bậc nghệ sĩ lão thành, ông cười khiêm tốn: “Các anh ấy hơi quá lời đấy thôi…”.

Họa sĩ Choé tên thật Nguyễn Hải Chí sinh ngày 11-11-1943 tại An Giang. Vì đam mê hội họa nên ông sớm bỏ học, mãi đến năm 17 tuổi mới được cha mẹ cho theo học họa hình, vẽ bảng hiệu với một thầy dạy vẽ ở quê nhà Thất Sơn. Để thỏa ước nguyện, ông rời quê lang bạt lên Sài Gòn lập nghiệp, bắt đầu làm thơ viết văn gởi các báo, rồi vẽ bìa sách cho các nhà xuất bản…

Tình cờ một sáng nọ ngồi uống cà phê, nhà văn Viên Linh tin cho Nguyễn Hải Chí biết họa sĩ chính của tờ Diễn đàn vừa nghỉ việc, tòa soạn đang cần một người vẽ minh họa. Chủ bút Viên Linh đề nghị ông vẽ thử. Không ngờ ông vẽ rất đạt và Viên Linh hết sức ưng ý. Khi vẽ minh họa xong để in báo, ông chẳng biết ký nghệ danh gì, Viên Linh lại bảo: Ông tên Chí thì cứ ký Choé! Thấy tên Choé vừa ngộ vừa cũng “kêu”, ông đồng ý. Càng về sau ông càng thích cái tên Choé, vì  theo ông “chí choé” là tiếng cãi nhau của… chuột, nó phản ánh được nét riêng của thể loại hí họa!

Ngoài tờ Diễn đàn, họa sĩ Choé còn được mời cộng tác với nhiều báo Sài Gòn, nhanh chóng khẳng định tên tuổi mình về biếm họa. Tranh của Choé còn được đánh giá cao ở nước ngoài, đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng thế giới như Time, The New York Times, Chicago Dailynews, Bangkok Post, Asahi Shimbun… Cây cọ của Choé tung hoành ngang dọc. Nhiều nhân vật có “máu mặt” lần lượt xuất hiện dưới nét cọ và cách nhìn rất “biếm” của Choé, từ Tổng thống Richard Nixon, Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara... đến các quan chức tướng tá hàng đầu chính quyền Sài Gòn bấy giờ như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang… Năm 1973, nhà báo Barry Hilton đã tập hợp xuất bản tại Hoa Kỳ cuốn The World of Choé (Thế giới của Choé) và tôn vinh ông là “Cây biếm họa số 1 của Việt Nam”.

Đất nước thống nhất, họa sĩ Choé tiếp tục khẳng định tài năng nghệ thuật của mình. Ngoài những giây phút hiếm hoi “ngoại tình” cùng âm nhạc và thi ca, mà kết quả là hàng trăm bài thơ và tình khúc ra đời, Choé vẫn luôn đắm đuối chung thủy với nàng hội họa. Tranh sơn dầu của ông rất đắt khách. Choé say mê vẽ tranh liên hoàn, chủ đề Kiều trong tác phẩm Nguyễn Du, những nhân vật Việt Nam từ truyền thuyết đến lịch sử, những cầu thủ bóng đá thế giới… Từ năm 1992-1996, Choé có 7 cuộc triển lãm cá nhân. Ông còn vẽ tranh lụa, giấy dó. Đặc biệt, ông vẫn là họa sĩ tiên phong của hí họa Việt Nam. Nụ cười của Choé qua tranh hí họa đã trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn có sức thu hút nhiều tầng lớp độc giả khác nhau, với những nét vẽ sắc cạnh, hóm hỉnh, ẩn dụ, gần gũi với đời sống, nhất là thân phận người phụ nữ Việt.

Choé nụ cười hóm hỉnh chốn nhân gian ảnh 1

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với “Cành hoa tim tím báo Xuân nồng”.

Choé nụ cười hóm hỉnh chốn nhân gian ảnh 2

Xích lô.

Choé nụ cười hóm hỉnh chốn nhân gian ảnh 3

Cái mũi của Henry Kissinger.

2. Năm 1995, Choé vinh dự là họa sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất được mời tham dự Triển lãm Hí họa 10 nước châu Á tại Nhật Bản. Giới yêu hội họa thế giới vô cùng ngạc nhiên trước sự phát triển của tranh hí họa ở Việt Nam mà họa sĩ Choé là đại diện ưu tú. Từ Nhật Bản trở về nước, khi trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết trong số 10 họa sĩ hí họa đại diện 10 nước châu Á tại cuộc triển lãm ở Nhật, có nhiều họa sĩ trẻ ở độ trên dưới 30. Và theo ông, ở Việt Nam chúng ta, chỉ nói riêng tại TPHCM đã có nhiều họa sĩ biếm trẻ có trình độ ngang hàng các họa sĩ biếm châu Á như Nhốp, Nop, Dad, Đức, Nhím, Nguyễn Tài… Còn đối với các họa sĩ biếm phương Tây thì họ có phần trội hơn họa sĩ biếm châu Á về phần dựng hình và bóp méo hình ảnh hí họa.

Cũng từ sau chuyến đi Nhật ấy, họa sĩ Choé luôn trăn trở, đại ý: Cái khó là các trường mỹ thuật Việt Nam chưa có bộ môn hí họa. Thu nhập của các họa sĩ biếm còn thấp. Việc in ấn phát hành các tập hí họa rất hạn chế. Tài năng thì có, nhưng cơ sở để phát triển tài năng hầu như chưa có gì. Nhìn ra thế giới mới thấy mình còn nhiều việc phải làm. Họa sĩ biếm các nước phát triển sống khá thoải mái với cây cọ của mình. Họ chỉ tập trung lo sáng tác. Các họa sĩ biếm càng xuất sắc càng được ưu đãi. Tranh của họ được các nhà xuất bản sưu tập in rất nhanh, rất đẹp...

Về sau, khi bệnh tình của họa sĩ Choé ngày càng trở nên trầm trọng thì một trong những mối ưu tư hàng đầu của ông vẫn là tương lai của nghệ thuật hí họa Việt Nam, nhất là đội ngũ kế thừa. Ông nói: “Đối với những bạn trẻ thích theo nghề biếm họa, kinh nghiệm từ bản thân tôi cho thấy ban đầu các bạn cứ sống bằng một nghề khác và kiên trì vẽ thử biếm họa. Chỉ cần ở những đợt “thử lửa” đầu tiên, bạn ấy sẽ cảm nhận được số phận mình có phải là “anh hề hội họa” hay không. Tuy nhiên, nếu thực sự yêu hí họa thì dù thất bại bạn cũng không được nản chí. Hãy nhìn kỹ lại ý tưởng và nét vẽ của mình. Loạt tranh thử ban đầu cần vẽ công phu gần giống bức tranh cổ điển, có thể ý chưa hay nhưng nét cọ phải sắc và tỉa tót cẩn thận. Việc tranh biếm được đăng trên báo chí cũng là một khích lệ lớn cho họa sĩ trẻ mới vào nghề hí họa”.

Không chỉ là một tài năng mà họa sĩ Choé còn có một tấm lòng, một tầm nhìn “chiến lược” đối với nghệ thuật hí họa Việt Nam. Bậc tài hoa đã đi xa 14 năm rồi, vào một ngày Xuân, nhưng tác phẩm của ông, tầm nhìn của ông vẫn còn “sống” lâu bền trong làng mỹ thuật.

Các tin khác