Chợ vỉa hè

Mỗi khi chiều xuống, vỉa hè của nhiều con phố chính TPHCM như Nguyễn Trãi (quận 5), Hai Bà Trưng (quận 1)… lại tấp nập kẻ bán, người mua. Cuộc mua - bán sôi động cho đến gần nửa đêm.

Mỗi khi chiều xuống, vỉa hè của nhiều con phố chính TPHCM như Nguyễn Trãi (quận 5), Hai Bà Trưng (quận 1)… lại tấp nập kẻ bán, người mua. Cuộc mua - bán sôi động cho đến gần nửa đêm.

5 ăn, 5 thua

Tại khu chợ vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5), người mua có thể tìm thấy nhiều loại hàng hóa như quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, ví, thắt lưng… Màu sắc, kiểu dáng hàng hóa rất đa dạng và hợp thời trang với đủ loại “hàng hiệu” như hàng bán tại trung tâm thương mại, song giá cả rất hợp túi tiền, thường chỉ từ vài chục ngàn đồng đến 200.000 đồng, thậm chí có chỗ bán áo thun, áo khoác với giá "bèo", chỉ 10.000 đồng/áo. Cứ tưởng với mức giá và chất lượng không đảm bảo ấy chỉ có giới sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp mới quan tâm, nhưng nếu có dịp đến khu chợ vỉa hè này mới biết nhiều nhân viên văn phòng cũng thường lui tới chốn này chọn mua hàng. Hàng giá rẻ nên có thể mua nhiều để thay đổi cho hợp thời trang và mạnh dạn vứt đi nếu không còn thích nữa. Do vậy những chợ vỉa hè kiểu này luôn tấp nập.

Chợ vỉa hè Nguyễn Trãi, quận 5. Ảnh: LÃ ANH

Chợ vỉa hè Nguyễn Trãi, quận 5. Ảnh: LÃ ANH

Sau giờ làm việc, trên đường về nhà, chị Ngọc Yến, nhân viên công ty TNHH TNB (quận 1) tranh thủ ghé qua khu chợ vỉa hè chuyên bán túi xách ở đoạn Hai Bà Trưng kéo dài đến cầu Kiệu tìm mua túi xách. Tại đây, các loại túi xách được bày la liệt dưới đất, chị chọn mua một chiếc nhãn hiệu LV với giá 150.000 đồng. Chị kể: “Mua hàng này giá rẻ, tha hồ thay đổi kiểu. Nhưng cũng 5 ăn, 5 thua, vì hàng bán buổi tối, khó lựa chọn kỹ càng, nhiều khi mua về nhà mới thấy hàng bị lỗi hoặc màu sắc không đẹp”.

Tại các chợ đêm vỉa hè, khách hàng dễ mua phải các món hàng… không dùng được. Chị Thu Lan thường xuyên mua hàng vỉa hè kể, có lần thấy trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn công viên Tao Đàn bày bán rất nhiều áo sơ mi trong bao nylon trắng rất đẹp mắt mà giá bán chỉ 25.000 đồng/áo. Chị mua ngay 3 áo để tặng mấy đứa em là sinh viên. Nào ngờ về đến nhà xem lại mới hay là áo cũ, cái nào cổ áo cũng bị sờn rách, đành dùng làm giẻ lau nhà. Chưa hết, người mua trả giá nào cũng “dính”. Bởi người bán mua hàng vào với giá rất rẻ.

Vừa bán vừa chuẩn bị chạy

Nguồn cung cấp hàng cho các chợ đêm vỉa hè rất đa dạng, đa số được lấy từ các chợ đầu mối chuyên cung cấp quần áo như Bình Tây, An Đông, Tân Bình… Cũng có nhiều người mua được những mặt hàng xuất khẩu bị lỗi hoặc hàng Trung Quốc, Hàn Quốc… Có khi các chủ shop áo quần, túi xách trên đường Nguyễn Trãi có hàng tiêu thụ không được bán lại cho những người chuyên kinh doanh trên vỉa hè. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa bán hàng ở vỉa hè gần chợ Bà Chiểu cho biết chị lấy hàng từ những mối phân phối hàng quen thuộc, giá khá “mềm”, một kiện hàng nặng 100kg, hàng sa cạ (quần áo đủ loại, nhiều kiểu và nhiều cỡ) khoảng 3 triệu đồng/kiện, hàng đẹp loại 1 đã được lựa chọn kỹ có giá 5 triệu  đồng/kiện. Một kiện áo thun 100kg có khoảng 400-450 áo, sau đó lựa ra, hàng đẹp bán với giá cao. Đối với hàng sa cạ, mỗi kiện hàng chỉ có khoảng 70-100 áo tốt, may mắn lắm mới mua được kiện hàng có nhiều hàng tốt.

Trước đây, tại quận 10 có chợ đêm Kỳ Hòa họp ngay trên lòng đường nhưng có quy hoạch, quản lý. Từ khi chợ này bị đóng cửa, các tiểu thương đã ồ ạt đổ ra đường Nguyễn Trãi (quận 5), hình thành một khu chợ đêm vỉa hè tấp nập, thường xuyên gây tắc nghẽn giao thông. Chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) ban ngày khá vắng lặng, nhưng cứ đến khoảng 19 giờ lại tấp nập người mua bán như đi trẩy hội, làm kẹt xe cả một đoạn đường Quang Trung.

Họp chợ tự phát ngay trên vỉa hè nên người bán luôn phải nhấp nhổm canh chừng, khi xuất hiện đội trật tự đô thị phải nhanh tay dọn hàng, nếu không chạy kịp tất cả hàng hóa sẽ bị tịch thu. Có khách đang xem hàng lại nhân lúc lộn xộn cầm luôn hàng, không trả tiền cho người bán. Để thích ứng với cảnh vừa bán vừa sẵn sàng chạy, người bán thường bày hàng trên một tấm vải bạt hoặc xe đẩy, khi thấy bóng nhân viên trật tự đô thị, 2 người cầm 2 đầu bạt chạy ào vào các con hẻm gần đó hoặc đẩy luôn xe như đang đi qua đường.

Chị Nguyễn Thị Hồng bán túi xách ở chợ đêm vỉa hè đường Hai Bà Trưng kể: “Bán chẳng lời bao nhiêu, rủi bị tịch thu là mất hết. Thường những người bán ở đây chỉ xem đây là việc làm thêm. Ban ngày ai cũng có công việc khác cả. Ban ngày chị bán bún, phở gần nhà, chiều đến mới vác bạt ra đây ngồi bán”. Cũng có nhiều bạn sinh viên nhận hàng tranh thủ ra bán kiếm thêm. Nhưng ở chợ vỉa hè cũng có cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới”, người mới ra bán, sớ rớ ngồi nhầm chỗ của người khác dễ bị “ăn đòn”, vì chỗ ngồi bán trên vỉa hè dù không ai đăng ký nhưng đều có người giữ chỗ rồi. Lại thêm việc tranh khách cũng lắm gian truân. Khách mua hàng bên này nhưng đậu xe lấn sang bên kia một chút cũng dễ gây tranh cãi. Bây giờ nhiều chủ hàng còn thuê hẳn vài thanh niên khỏe mạnh chuyên sắp xếp xe để khách yên tâm mua hàng và không lo bị để lấn sang bên cạnh.

Dẫu rằng cả kẻ bán, người mua đều không hoàn toàn yên tâm khi mua bán ở các chợ kiểu này nhưng khi cầu có thì chắc chắn cung sẽ đáp ứng như một quy luật hiển nhiên.

Các tin khác