Cho tiếng cồng chiêng vang xa

(ĐTTCO) - Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên và tỉnh Bình Phước. 

Tuy nhiên, trước sự vận động không ngừng của cuộc sống, nét văn hóa độc đáo này đang dần bị mai một. Trước thực trạng này, những người lớn tuổi và có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số đã có một số cách làm hay, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống ngàn đời nay.

Người S’tiêng quý cồng chiêng
Tháng 6, những cơn mưa rừng vẫn dai dẳng ở miền ngược Bình Phước. Vượt qua điều kiện thời tiết bất lợi, chúng tôi có dịp đến với sóc Bom Bo huyền thoại, nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Thấy khách đường xa đến với sóc buổi chiều tà, già làng Điểu Lên mời chúng tôi uống ly trà nóng cho bớt cái lạnh núi rừng, rồi buông lời tâm sự: “Dân tộc S’tiêng có nhiều loại nhạc cụ truyền thống lắm, như trống, đàn bầu, sáo, nhưng trong đó cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Với đồng bào S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian, biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn tinh thần”.
Kết thúc một ngày lao động trên rẫy cà phê, trên người còn nguyên bộ quần áo dính đầy đất đỏ, anh Điểu Kiêm, Đội trưởng Đội cồng chiêng sóc Bom Bo đến chào đoàn khách đang ngồi tại nhà già làng Điểu Lên. Vít một hơi rượu cần thật sảng khoái, Điểu Kiêm cười tươi rói: “Mùa màng lúc này tương đối ổn định, bà con trong sóc đang tranh thủ luyện tập đánh cồng chiêng, để chào mừng một số lễ hội trong năm sắp tới.
Điểu Kiêm năm nay đã hơn 50 “mùa rẫy” rồi, đã gắn bó với đội cồng chiêng sóc Bom Bo chừng 40 năm đó. Tuy bây giờ lũ thanh niên trong sóc thích nghe nhạc từ đầu máy DVD, hát karaoke, chơi game… nhưng sóc Bom Bo và nhiều sóc khác ở huyện Bù Đăng vẫn luôn duy trì được tiếng cồng tiếng chiêng. Dù sóc chưa có bộ cồng chiêng chung nào nhưng nhiều gia đình có giữ lại hoặc mua sắm bộ cồng chiêng để trong gia đình hoặc dòng họ mình sử dụng những ngày vui, dịp thu hoạch mùa màng”. 
Cách sóc Bom Bo chừng vài mươi cây số, tại xã An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước), tiếng cồng chiêng cũng thường xuyên ngân vang ở nhiều sóc của người S’tiêng. Năm 2010, theo nguyện vọng của nhiều người lớn tuổi ở địa phương, Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương ra đời với 20 thành viên, phần lớn là các già làng và người có uy tín. Già làng Điểu Trích, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương, cho hay câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt của những người cao tuổi mà còn là chỗ dựa tinh thần cho bà con nói chung và thế hệ trẻ S’tiêng nói riêng.
Người lớn chỉ dạy cho tụi nhỏ, đến nay lũ trẻ tại các sóc cũng rất thạo kỹ thuật đánh cồng chiêng, sẵn sàng tham gia vào Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương nếu có dịp. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn kinh phí, lại thường xuyên thay đổi thành viên do có người chuyển chỗ ở, đi làm ăn xa… nhưng ai cũng nhận thức rằng tiếng cồng chiêng là bản sắc văn hóa truyền thống và biết đánh cồng chiêng là niềm tự hào của các thế hệ người S’tiêng. 
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Gia Lai, chia sẻ tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai, đều thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của 2 tộc người Ba Na và Ja Rai. Thông qua các hoạt động thường xuyên được tổ chức, đồng bào ở các buôn làng rất phấn khởi và nhất là việc bảo tồn bản sắc độc đáo cồng chiêng trong cộng đồng. Hiện nay trong toàn tỉnh còn lưu giữ được khoảng 6.000 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ thuộc dạng chiêng cổ, quý hiếm.
Cho tiếng cồng chiêng vang xa ảnh 1 Đồng bào S’tiêng ở tỉnh Bình Phước rất tâm huyết với văn hóa cồng chiêng. 
Trân trọng những nghệ nhân
Đến thăm nhà rông mới tại làng Hle Ktu, thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), có tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng, mới thấy được sự đồng lòng của đồng bào Ba Na trong việc góp công, góp của xây dựng. Thời gian để hoàn thành nhà rông phải mất gần cả năm trời, từ việc vận chuyển gỗ và một số vật liệu từ rừng về cách xa cả chục cây số. Những ngày thời tiết thuận lợi, các già làng ở Hle Ktu phân công dân làng, có những lúc cao điểm lên tới gần 40 người, tham gia xây dựng nhà rông.
Có chỗ để sinh hoạt cộng đồng, thế là chiều chiều, tiếng cồng chiêng lại có dịp ngân vang. Hôm chúng tôi đến thăm làng, thấy khách quý, đội cồng chiêng làng Hle Ktu đã mở tiệc đãi khách. Những âm thanh khi trầm khi bổng, khi nhẹ nhàng, lúc vút cao... của dàn cồng chiêng do các chàng trai Ba Na thể hiện, đã vang xa đến tận các chân núi rồi vang dội trở lại, càng nghe càng cảm nhận sự thánh thót và ngọt ngào của từng âm thanh.
Trong tiếng cồng, tiếng chiêng đầy hào khí, bên bếp lửa bập bùng cháy, những cô gái Ba Na tuổi đôi mươi trong trang phục đẹp của lễ hội, tham gia những vòng xoay nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng điệu gõ, từng bước đi và sự mềm mại của đôi bàn tay khéo léo, khiến đoàn khách chúng tôi ngất ngây cùng men say của rượu cần.
 Trong không gian văn hóa cồng chiêng, ở tỉnh Gia Lai có một nghệ nhân tài danh, đó là A Ma San, chuyên chỉnh sửa, lên dây ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Nghệ nhân này đã coi việc chỉnh sửa cồng chiêng và dạy bọn trẻ cách chỉnh sửa, sử dụng chiêng là cái nghiệp của mình.
Phạm vi hoạt động của ông rất rộng, từ huyện Krông Pa, các thị xã Ayun Pa, An Khê (tỉnh Gia Lai) đến huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), lên vùng miền núi của tỉnh Phú Yên, thậm chí sang cả huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk). Từ nhỏ, A Ma San đã được sống trong một không gian rộn rã tiếng cồng chiêng qua đôi bàn tay của người cha già. Có lẽ cứ nghe mãi, nghe mãi nên tình yêu với cồng chiêng đã ăn vào máu thịt của ông. Cũng vì vậy, khi chỉnh chiêng, A Ma San cảm thấy đó là những "âm thanh của Yàng mách bảo". 
Ở buôn Ktinh, xã vùng sâu Ia Rsai (huyện Krông Pa), gia đình Ama Krem được xem là "giàu" nhất, bởi đang sở hữu 4 bộ chiêng. Những bộ chiêng này, gia đình ông có từ cái thời 1 cái chiêng phải đổi bằng chục con bò và để sở hữu 4 bộ chiêng này, chủ nhân của chúng phải có hàng trăm con bò. Ông Ama Krem tự hào khoe: “Những bộ chiêng của mình được ông bà để lại từ mấy đời rồi. Mình rất quý, mỗi khi buôn, làng có lễ hội mình lại lấy ra đánh. Hiện nay, số lượng chiêng như của gia đình mình ở các buôn, làng ở tỉnh Gia Lai còn rất ít. Mình sẽ lưu giữ những bộ chiêng này cho con cháu và sẽ giáo dục con cháu bảo quản cho thật tốt, không được đem đi đổi bán”.
Những lúc rảnh rỗi, ông Ama Krem lại lau chùi từng cái chiêng và dạy con cháu biết cách cầm, đánh chiêng như thế nào cho đúng. Nhờ ông truyền “lửa”, không những con cháu mà rất nhiều thanh niên nam, nữ trong buôn, kể cả những đứa trẻ, đều biết sử dụng chiêng một cách thành thạo.
Ngoài gia đình ông Ama Krem, còn rất nhiều gia đình ở tỉnh Gia Lai vẫn lưu giữ được các bộ cồng chiêng quý. Như gia đình ông Ksor Hơn ở làng Mít Jép, xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai). Nhìn bên ngoài, trông ngôi nhà của ông không khang trang, nhưng trong con mắt của dân làng nhà ông Hơn thuộc diện "giàu có". Cái giàu của gia đình ông Hơn không phải giàu tiền giàu của, ruộng đất mà bởi nhà ông đang lưu giữ tới gần 10 bộ cồng chiêng.
Cái giàu ấy, bây giờ với ông còn quý hơn giàu trâu bò, tiền của. "Bao đời nay, với đồng bào Ja Rai của mình, gia đình nào có chiêng là có của. Thế nhưng, bây giờ nhiều người không còn quý cồng chiêng như xưa nữa, thậm chí còn đem cồng chiêng đổi lấy trâu, bò. Một số thương lái biết nhà mình có nhiều chiêng quý đã đến gạ mua nhưng mình nhất quyết không bán mà giữ lại, để khi làng có việc đem ra đánh. Như thế mình sẽ giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình" - ông Ksor Hơn tâm sự rất thật.
Ở Tây nguyên khi vào mùa lễ hội, tiếng cồng, tiếng chiêng lại thôi thúc mọi người đến các lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Ở đó con người như hòa mình vào không khí sôi động, náo nức trong tiếng cồng, chiêng thôi thúc, dồn dập của lễ hội đâm trâu, thể hiện sự tôn kính thần linh… Bên chén rượu cần, những làn điệu dân ca cất lên đưa con người vào cõi mênh mông, sâu lắng. Đâu đây tiếng đàn T’rưng réo rắt như suối reo, tiếng đàn Goong thánh thót, thủ thỉ, tiếng Klông pút âm vang, mênh mông, còn tiếng cồng chiêng lại trầm lắng, vang vọng… khiến lữ khách đường xa quên cả lối về.

Các tin khác