Chợ nổi miền Tây giữa Sài Gòn

(ĐTTCO) - Khi nhắc đến Sài Gòn, nhiều người thường hình dung đến khu chợ sầm uất được “vinh danh” biểu tượng như chợ Bến Thành, chợ Lớn-Bình Tây, chợ Tân Định… 

Nhưng nếu muốn cảm nhận những sinh hoạt đời thường trên bến dưới thuyền, du khách hãy đến những khu chợ độc đáo và lạ lẫm hoạt động lặng lẽ ngày qua tháng lại trên những con sông, khu vực ngoại thành hay góc nhỏ nào đó. Đây lại là những nét chấm phá tạo cho bức tranh Sài Gòn thêm muôn màu và sinh động hơn.

Quà quê trôi lên thành phố

Chúng tôi có mặt tại khu chợ khi mặt trời còn lấp ló ở phía đằng xa. Nằm dưới chân cầu Tân Thuận, chếch về hướng Nam khoảng nửa cây số, chợ có tên là Cầu Hàn. Tuy nhiên, người dân ở quanh đây vẫn không rõ vì sao lại có cái tên đó và cũng ít ai biết chợ hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng những thuyền ghe ở đây đã neo đậu buôn bán trên bến dưới thuyền từ rất lâu. Cũng vì vậy người ta hay gọi với cái tên quen thuộc mang đúng đặc trưng của nơi đây - chợ Ghe.

Tìm đến một hộ ghe nơi đây, chị Phạm Thị Diệu Bông, quê ở Vĩnh Long, đang tất bật chuyển trái cây lên bán cho một vài tiểu thương. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết bắt đầu gắn bó với công việc này từ năm 20 tuổi, đến nay ngót nghét đã 20 năm. Hàng ngày vẫn từng đó công việc, sáng sớm chị và chồng dậy từ khi trời còn phun sương bắt đầu chuyển trái cây ra bán, đến tối lại chuyển vào nếu bán chưa hết. Chị cho biết trái cây ở đây được các chủ ghe mua và đặt hàng từ các tỉnh miền Tây, trong đó nhiều nhất là Vĩnh Long, sau đó chuyển lên ghe xuôi theo dòng nước lên đây bán. Đa phần khách mua là những mối quen lâu năm, đều là những tiểu thương tại các chợ ở TPHCM. Còn lại phần lớn bán lai rai, khách mua lúc này một nải, khi khác một trái, đôi lúc lại bán ký cho người qua đường.

Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Cư xá Ngân Hàng, quận 7, TPHCM, một trong những khách hàng thân thiết của chị Bông, cho biết: “Trái cây ở đây đảm bảo chất lượng, không có hóa chất, với lại được lấy trực tiếp từ các vườn miền Tây lên nên yên tâm hơn. Bên cạnh đó giá bán cũng mềm hơn ở các chợ đầu mối, không phải đi đi xa xôi, thức đêm dậy sớm”. Thông thường, chuối, đu đủ và mít là những loại trái cây được ghe thuyền bán quanh năm bởi đặc điểm có trái 4 mùa. Còn những loại trái cây khác tùy theo vụ mùa, các chủ ghe sẽ lấy lên bán để kiếm thêm thu nhập. Chị Bông cũng cho biết việc buôn bán ở đây bắt đầu từ đời má chị và nay đến chị kế tiếp. “Ở quê không có gì làm, hồi đó đi mần mướn chỗ này chỗ kia, rồi sau này công nghiệp ngày càng tiến bộ lên, máy móc làm hết sức lao động nên nhiều người thất nghiệp lắm. Lên đây buôn bán cũng vất vả, nhưng có chỗ bán thêm hàng ngày, dù không lời nhiều nhưng có thu nhập hàng ngày. Cũng vài ngày về dưới quê, đi vào vườn gom từng buồng chuối, từng trái đu đủ đến đầy ghe mới chở lên cho khỏi mất công, mất thời gian đi lại nhiều” - chị chia sẻ thêm.

Tìm hiểu thêm mới biết đa phần các tiểu thương nơi đây đều đi theo gia đình, ghe lớn mỗi nhà 1 ghe, ghe nhỏ chia làm 2, 3 ghe cạnh nhau. Cứ thế ngày qua tháng lại, họ sống lênh đênh trên sông nước. Mọi hoạt động từ ăn uống, tắm giặt, nấu nướng, ngủ nghỉ đều gói gọn trên ghe. Còn nước ngọt cứ khoảng 2, 3 ngày các ghe sẽ đổi một lần, những khi thiếu nước có thể lên xin của những hộ sống trên đất liền gần đó.

Một góc chợ nổi quận 8, TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Một góc chợ nổi quận 8, TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Những buổi chạy hàng

Cuộc sống bấp bênh của những phận ghe không chỉ “ăn no vác vặng”, hàng ngày họ tìm cách đối phó với chiến dịch “hốt” hàng khi bày bán trên vỉa hè. Không ít lần các hộ ghe nơi đây đứng nhìn bao nhiêu trái cây, đồ hàng bị tịch thu. Chị kể: “Có hôm nhanh tay thu dọn được một ít cũng đỡ, mất vài ba mẻ chuối, vài trái đu đủ. Còn hôm nào không kịp trở tay thì mất trắng, coi như cả ngày bán lỗ, bỏ công”. Hàng chục, hàng trăm hộ ghe sống kiếp bấp bênh đều có hoàn cảnh tương tự. “Chúng tôi vẫn biết bán trên vỉa hè là sai phạm, không đúng quy định, làm ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, nhưng thú thiệt chúng tôi cũng không biết phải làm sao. Đã đi hết nơi này đến nơi khác xin làm thuê nhưng làm hoài cũng không lên được. Muốn lên bờ kinh doanh lại không có kinh phí để thuê mặt bằng, nên chỉ còn cách buôn bán cò con này thôi” - ông Nguyễn Thế Nhu, một chủ ghe ở chợ nặng lòng chia sẻ với chúng tôi. Ấy thế mà ông Nhu cũng đã gắn bó với nơi này gần 30 năm, chứng kiến biết bao thay đổi, bao thăng trầm của cuộc sống và đặc biệt là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần “chạy hàng”.

Đời sống chật vật như thế, nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận được từ khu chợ Ghe nơi đây, đó là tình người. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một quê, nhưng đều giống nhau bởi cái tính chất phác của người miền Tây. Ngồi chặt lại mấy trái dừa để gọn trong ghe, ông Nhu kể cho chúng tôi nghe về bà con nơi đây, nhất là sau mỗi lần công an phường đi tuần tra.

“Cứ đợi xe của mấy chú công an đi qua, tụi tôi lại í ới kêu nhau hỏi thăm xem có nhà nào bị hốt không, bị ít hay nhiều. Cũng là hỏi han, an ủi nhau thôi chứ không giúp được gì vì hộ nào cũng hoàn cảnh hao hao nhau. Nhưng mà vui cô chú à. Cứ quan tâm nhau, rồi cả cái xóm này xôn xao vậy mà hay, tự nhiên thấy không buồn gì nữa” - giọng nói khàn khàn, âm ấm cùng với chất kể chuyện mộc mạc của ông Nhu lại có gì đó đặc biệt. Nó cho tôi cảm giác vừa buồn, nhưng thấy nhen nhóm đâu đó chút lạc quan, vui tươi của ông cũng như bà con xóm ghe.

Quả đúng vậy, cuộc sống dù có vất vả đến đâu hay lưu lạc đến vùng đất lạ xa xôi nào, nhưng lại có người quan tâm, chia sẻ cũng là nguồn động lực lớn vô cùng. Không chỉ ông Nhu, hầu hết các hộ ghe ở đây chỉ mong có cuộc sống bình lặng như giờ, tuy hơi cực nhưng có thể gắng gượng, mong chờ tương lai tươi sáng cho con cái. Chia sẻ về mong ước tương lai, họ ước con, cháu mình có thể đến trường như bạn bè trang lứa, học hành đến nơi đến chốn để có thể thay đổi cuộc sống sau này, và họ luôn tin như vậy, bởi “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Chia tay bà con chợ Ghe khi mặt trời sắp khuất phía chân trời, trong lòng tôi vẫn dạt dào cảm xúc, vừa thương, vừa mến và cảm phục bà con nơi đây. Sài Gòn vẫn thế, vẫn nhộn nhịp, tấp nập như vốn có của nó, nhưng càng đi nhiều mới thấy, đâu đó vẫn có một góc nhỏ lặng lẽ, bình dị mang đậm chất miền quê thanh bình, tạo nên một bức tranh muôn màu và khác biệt.

Các tin khác