Chợ côn trùng ở Campuchia

Phía trước chợ Nhện, hàng chục người bưng thau, xách xô đựng các loại côn trùng mà mới nhìn qua không ít người dựng tóc gáy như nhện, bọ cạp, thằn lằn... chen nhau chào mời.

Phía trước chợ Nhện, hàng chục người bưng thau, xách xô đựng các loại côn trùng mà mới nhìn qua không ít người dựng tóc gáy như nhện, bọ cạp, thằn lằn... chen nhau chào mời.

Côn trùng xóa đói giảm nghèo

Mùi thơm của món ăn từ côn trùng lan tỏa như níu kéo du khách. Đâylà một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dânCampuchia. 

Món ăn côn trùng rất phong phú, từ dế mọi, cà cuống, nhái...

Món ăn côn trùng rất phong phú, từ dế mọi, cà cuống, nhái...

Chợ Nhện nằm ở thị trấn Skun, phía Bắc thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia, là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong chuyến hành trình du lịch qua đây.

Có khoảng 50 người bán côn trùng ở chợ Nhện. Trong đó chỉ số ít có sạp buôn bán đàng hoàng, còn phần lớn là người buôn gánh bán bưng. Hầu hết dân bán đều là người bản xứ, chỉ có duy nhất người Việt là chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Từ năm 12 tuổi chị Thủy đã theo gia đình sang sinh sống tại tỉnh Svay Riêng. Là người Việt biết tiếng Khmer nên chị Thủy được nhận vào làm việc cho một quán ăn để phiên dịch khi đón du khách từ Việt Nam sang. Một thời gian sau, chị của chị Thủy mở một sạp trái cây ở chợ Nhện.

Từ đó chị Thủy bỏ việc ở quán ăn về đây phụ chị và bán dế mọi. Giá thu mua dế mọi sống tương đương 12.000-17.000VNĐ/kg tùy thời điểm, khi chế biến xong bán được với giá gấp đôi, gấp ba. Chị Thủy cho biết, vào mùa du lịch, đông du khách đến chợ Nhện, giá dế mọi xào cay có thể đội lên đến 100.000 VNĐ/kg vẫn không đủ để bán.

Dế mọi ở các tỉnh giáp ranh Phnôm Pênh, Siêm Riệp nhiều vô kể, nên nghề bắt dế đã giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Dọc theo các tỉnh lộ, hầu như trước nhà nào cũng có dựng một tấm bạt nylon trắng, bên dưới làm một cái máng nước cũng được làm từ bạt. Bên trên lắp bóng đèn neon màu tím. Đó chính là bẫy để bắt dế mọi.

Cứ chập tối, đèn được bật lên, thấy ánh sáng dế thi nhau lao vào rồi rớt xuống máng, người ta chỉ việc vớt dế mang đi bán. Trung bình chỉ với 3m bạt chắn có thể thu được trên 5kg dế mỗi đêm. Gia đình nào có điều kiện đất đai rộng, có thể thu được trên 50kg mỗi đêm.

Biết có đoàn du khách từ Việt Nam sang, một phụ nữ Campuchia nói tiếng Việt khá rành rẽ ra ân cần mời và tận tình hướng dẫn khách kinh nghiệm để không mua nhầm các món ế từ hôm trước chế biến lại: “Muốn mua dế mọi mới chỉ cần nhìn mấy cái chân còn nguyên, không cháy sém và đặc biệt là thân, càng… còn mập ú. Với những thau dế rắc đầy hành hay ớt tươi trên mặt nhưng bên dưới thấy hành cháy đen hoặc ớt mềm nhũn có nghĩa là dế đã bị xào lại, ăn dễ bị chột bụng”.

Ông Nguyễn Văn Bảy, người Trảng Bàng, Tây Ninh, sinh sống tại Svay Riêng lái xe khách tuyến cửa khẩu Bavet - Phnôm Pênh, cũng tranh thủ ghé mua một kg dế về lai rai. Ông Bảy nói: “Không biết dế ở đâu ra mà nhiều lắm, người ta bắt theo kiểu tận diệt vậy mà không hết. Vào mùa, lái xe qua đoạn đường này ban đêm, chạy chừng vài cây số lại phải dừng lại lau kính xe, vì dế bay đập vào đen kịt".

Món ăn thịnh hành

Con cà cuống
Con cà cuống

Dế mọi và nhện là 2 loại côn trùng bán chạy nhất ở Campuchia. Tại nhiều đường phố ở Siêm Riệp, Phnôm Pênh đều có bán dế mọi được chế biến sẵn, món đặc trưng là xào cay. Đây là món ăn chơi và cũng là món nhậu khoái khẩu.

Tại Siêm Riệp có nhiều bàn nhậu dã chiến đặt ngay lề đường. Người nhậu tay cầm lon bia Ăngkor (loại bia do Campuchia sản xuất rất thơm, ngon), tay bốc con dế đưa vào miệng nhai rôm rốp. Nếu du khách tò mò muốn biết cách chế biến, cũng sẽ được người bán tận tình chỉ dẫn.

Dế sống mua về rửa sạch, để nguyên càng, chân… cho vào chảo dầu nóng xào, sau đó nêm thêm gia vị gồm đường, bột ngọt, ớt, tỏi, rau thơm… Cũng như ở chợ Nhện, món ăn côn trùng ở Siêm Riệp thường được bán bằng lon, chén chứ không cân ký. Giá món ăn làm từ côn trùng ở Siêm Riệp cũng tương đương giá bán ở Chợ Nhện. Một lon dế đã chế biến giá 2.000 ria, tức khoảng hơn 11.000VNĐ. Thực khách có thể nếm hoặc ăn thử trước khi mua không phải trả tiền. Nếu cảm thấy mình không ăn được món ấy, thực khách có thể bỏ đi trước nụ cười vui vẻ của người bán.

Ghê nhất vẫn là món côn trùng được làm từ nhện. Trông bề ngoài lông lá, đen xì, ghê sợ nhưng loại nhện này rất hiền, tỏ ra rất thân thiện. Người bán tiếp thị nhện bằng cách… bắt nhện sống bỏ lên người du khách. Nhện bò từ đầu đến chân nhưng không cắn. Ngoài nhện chế biến sẵn, ở chợ Nhện còn bán nhện sống để ngâm rượu thuốc. Giá mỗi con nhện sống khoảng 5.000-6.000VNĐ.

Ông Thạch Thim, người bán nhện sống tại chợ Nhện nói tiếng Việt bập bẹ, quảng cáo: “Nhện xào hoặc chiên với tỏi ăn rất ngon. Thịt nhện gần như thịt cá mà không có mùi tanh”. Vừa nói ông vừa bốc con nhện cho vào miệng nhai ngon lành khiến không ít người phải nhăn mặt quay sang chỗ khác. Ông Thim kể: Thời Pol Pot, những nạn nhân của Khmer Đỏ đã phải ăn thịt nhện vì đói. Từ việc ăn để chống đói, họ mới phát hiện ra nhện ăn được và ngon.

Tại chợ Nhện, trung bình mỗi ngày bán ra không dưới 2.000 con nhện. A Chảy, thương gia người Hoa sống ở TPHCM, là khách mối ở chợ Nhện, cho biết: “Đi Campuchia lần nào tôi cũng mang về hơn 30 con nhện ngâm rượu để dành uống. Trông chúng ghê ghê nhưng giá trị lắm. Ở Trung Quốc, loại này dùng để chế biến thuốc bán với giá đắt chứ không rẻ như ở đây”.

Gần đây nhiều người Việt sống ở vùng biên giới Tịnh Biên, An Giang cũng hành nghề thu mua côn trùng để chuyển sang Campuchia bán kiếm lời. Mỗi chuyến đi, họ tải vài trăm kg côn trùng, chủ yếu là bọ cạp, thằn lằn núi bằng đường bộ.

Các tin khác