Chiến tướng hai lần Nam tiến

(ĐTTCO) - Vũ Nam Long là một trong những chiến tướng tiêu biểu người dân tộc Tày ở Cao Bằng đã lập nhiều chiến công oanh liệt.
Hai danh tướng Nam Long và Trần Văn Trà (tại Liên Xô).
Hai danh tướng Nam Long và Trần Văn Trà (tại Liên Xô).

Sau khi được cử sang Trung Quốc học trường quân sự Hoàng Phố, ông trở về tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, chỉ huy đội cận vệ đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội làm Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Tiếp đó, Nam Long đưa Chi đội Vệ quốc đoàn Nam tiến đầu tiên tới Sài Gòn trong buổi đầu chống Pháp tái xâm lược.

Hào khí đoàn quân Nam tiến

Ngày 25-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn giành thắng lợi. Chính quyền nhân dân được thành lập. Thế nhưng chỉ 21 ngày sau đó quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả Nam bộ lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới, khi quân Pháp nổ súng tái xâm lược. Với vũ khí còn thô sơ và chưa có kinh nghiệm quân sự, nhưng quân dân ta đã chống cự quyết liệt ngăn bước tiến của kẻ thù để bảo vệ thành quả cách mạng non trẻ. Hàng loạt trận đánh diễn ra khắp thành phố Sài Gòn. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng đã ngã xuống. Vũ Nam Long cùng đồng đội lên đường Nam tiến…

Trên đường hành quân vào tới Nha Trang, Vũ Nam Long bất ngờ gặp người đàn anh Hoàng Đình Giong (bí danh Vũ Đức) và Đàm Minh Viễn, hai vị chỉ huy được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử vào Nam. Hai ông đi bằng ô tô, tới Nha Trang và lên xe lửa đi cùng Nam Long. Lúc ấy, ông Hoàng Đình Giong có thảo bức thư ngắn bằng chữ Hán gửi cho viên Tư lệnh quân Nhật ở Khánh Hòa để thông báo về đoàn quân Việt Nam đi ngang Nha Trang…

Theo kế hoạch, Nam Long cùng Chi đội Giải phóng quân của mình vào mặt trận phía Bắc Sài Gòn, còn Hoàng Đình Giong và Đàm Minh Viễn đưa viện binh xuống ĐBSCL. Hoàng Đình Giong đã trở thành Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 9, người cử Dương Quang Đông mang vàng sang Thái Lan mở đường xuyên Tây mua sắm vũ khí tiếp tế cho chiến trường Nam bộ.

Đối với Chính trị viên Nam Long, khi vào tới Phan Thiết, ông đã cùng ông Thơ, Chi đội trưởng mượn một chiếc ô tô đi trước để nắm tình hình. Người đàn ông chủ xe đã tình nguyện lái đưa hai vị chỉ huy vào Sài Gòn. Ngoài chiếc ô tô này, còn có ba chiếc xe tải chở cán bộ Chi đội tháp tùng theo. Trên đường, họ gặp nhiều barie của dân quân, du kích địa phương chặn đường kiểm soát. Khi đi qua Đồng Nai, xe dừng trước một chốt chặn, du kích đưa tờ giấy có con dấu đỏ ra đòi tịch thu xe.

Chính trị viên Nam Long dõng dạc nói: “Xe chúng tôi theo lệnh Cụ Hồ vào Nam đánh Pháp. Ai đòi trưng thu xe người đó phản động”. Nghe lời mạnh mẽ của Nam Long, với giọng nói tiếng Kinh lơ lớ, lại thấy người ông cao to, có một tổ bảo vệ trang bị toàn súng tiểu liên Thompson, nên các anh du kích có vẻ ớn đã mở barie cho đoàn xe qua.

Đoàn tiền trạm tới Thủ Đức, Chính trị viên Nam Long cùng Chi đội trưởng Thơ gặp các nhà lãnh đạo của Nam bộ bấy giờ là Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Phạm Văn Bạch, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Đào Duy Kỳ…

Trung tướng Nam Long nhớ lại: “Anh nào cũng áo quần tươm tất, chân mang giày, trông rất sang trọng và nhã nhặn. Các anh bắt tay ôm hôn chúng tôi thân thiết như anh em trong gia đình lâu lắm mới gặp nhau. Nghe tôi nói chuyện về Bác Hồ, về anh Văn, anh nào cũng chăm chú lắng nghe, đôi lúc còn trao đổi nhau bằng tiếng Pháp. Tôi nghĩ bụng các anh là những trí thức, nhà khá giả mà còn đi kháng chiến nhất định kháng chiến sẽ thành công. Người dân vùng ngoại ô Sài Gòn thấy đoàn quân Nam tiến rất mừng rỡ. Họ hái dừa và các loại trái cây mang đến tặng cho bộ đội. Một bà má đưa tôi quả dừa, bảo: “Uống đi con, lấy sức mà đánh giặc”.

Chi đội của Nam Long là chi đội đầu tiên đặt chân đến Nam bộ, có mặt ở chân cầu Bình Lợi đầu tháng 10-1945, trấn giữ mặt trận phía Bắc Sài Gòn. Nam Long cũng đi vào lịch sử với tư cách người chỉ huy chi đội đầu tiên Nam tiến lần thứ nhất khi Tổ quốc lâm nguy. Tên ông cũng gắn liền với tên Chi đội Nam Long, nổi tiếng ở mặt trận phía Nam. Những ngày đóng quân ở đầu cầu phía Bắc cầu Bình Lợi, Nam Long thường bôi bùn vào áo quần, chân tay giả làm dân bắt cá sang bên kia cầu nắm tình hình địch.

Ông tham gia chỉ huy một số trận đánh ở đây cho tới khi mặt trận Sài Gòn vỡ do cuộc chiến không cân sức. Rút quân lui về Tam Hiệp thuộc tỉnh Biên Hòa trụ lại chống cự với quân Pháp, ông cho người bí mật vào Bệnh viện Thủ Đức mang thương binh ra. Sau đó, Chi đội của Nam Long tiếp tục rút ra Phan Rang, Nha Trang, Ninh Hòa rồi lên Tây nguyên.

Cuộc hành quân thần tốc giải phóng Sài Gòn

Sau khi góp phần làm nên trận đại thắng lịch sử chấn động địa cầu Điện Biên Phủ, Nam Long được đề bạt thay Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh Sư đoàn 304, tiếp tục xây dựng phát triển đơn vị đi lên theo chủ trương chính quy, hiện đại.

Nhằm bổ túc kiến thức cho cán bộ quân đội cao cấp, Nam Long được Bộ Quốc phòng điều động cùng với các tướng Trần Văn Trà, Vũ Lăng, Vũ Yên, Đỗ Đức Kiên, Minh Vân sang học tập ở Học viện Quân sự Vorosilov của Liên Xô từ tháng 4-1956 đến tháng 10-1959. Trên chiến trường, Nam Long nổi tiếng là một thiện xạ, dũng cảm, còn trong nhà trường ông cũng tỏ ra là học viên xuất sắc, tốt nghiệp hạng ưu với lời phê: “Có trình độ chỉ huy quân đoàn”.

Trở về khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nam Long lần lượt nhận lãnh các trọng trách: Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên... Bản lĩnh và dạn dày trận mạc, lại sống nghĩa tình, gần gũi chiến sĩ, nên tướng Nam Long luôn được chiến sĩ yêu quý tin tưởng.

Đúng ba mươi năm sau lần Nam tiến thứ nhất, với tư cách đặc phái viên Bộ Quốc phòng, tướng Nam Long lại cùng đại quân thần tốc Nam tiến lần thứ hai tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông sát cánh cùng tướng Lê Trọng Tấn và tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ huy cánh quân phía Đông tiến vào Sài Gòn, có mặt ở dinh Độc Lập vào những giờ phút đầu tiên của thành phố giải phóng, cùng đồng đội đón nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Mười sáu năm cuối hành trình binh nghiệp tướng Nam Long được điều động về Hà Nội làm công tác giáo dục quốc phòng, trên cương vị Phó Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng.

Bằng kiến thức quân sự học ở nước ngoài và nhất là kinh nghiệm thực tế phong phú chiến trường, tướng Nam Long đã trở thành tài sản quý giá của quân đội và là người thầy mẫu mực trong việc giáo dục, truyền thụ tri thức cho các thế hệ sĩ quan chỉ huy nối tiếp. Ông cũng nghiên cứu, đóng góp nhiều vấn đề quân sự quan trọng có tầm chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 1-7-1999, Trung tướng Nam Long đã trút hơi thở cuối cùng tại TPHCM trong vòng tay của người thân và đồng đội, được đưa ra an táng ở Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, kết thúc cuộc đời một chiến binh quả cảm, tài trí và nhiều công trận.

Lão tướng ra đi, nhưng nhân cách và sự nghiệp vẫn còn lưu dấu trên những bước hành trình binh nghiệp của ông từ núi rừng Việt Bắc cho đến thành phố phương Nam mang tên vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà từ những ngày đầu lập quốc ông được gần gũi bảo vệ Người.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũ Nam Long là Tư lệnh Sư đoàn 304, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, rồi đặc phái viên Bộ Quốc phòng lên đường Nam tiến lần thứ hai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các tin khác