Chí Phèo thời hiện đại

Khi tín dụng đen nở rộ cũng là lúc xuất hiện kiểu đòi nợ mới, đòi nợ kiểu… giang hồ. Chỉ cần chủ nợ có yêu cầu, dân giang hồ sẵn sàng hăm dọa, bắt cóc con nợ đòi gia đình trả nợ. Người ta vẫn gọi họ là Chí Phèo thời hiện đại.

Khi tín dụng đen nở rộ cũng là lúc xuất hiện kiểu đòi nợ mới, đòi nợ kiểu… giang hồ. Chỉ cần chủ nợ có yêu cầu, dân giang hồ sẵn sàng hăm dọa, bắt cóc con nợ đòi gia đình trả nợ. Người ta vẫn gọi họ là Chí Phèo thời hiện đại.

Những “đại ca”

L. là một trong những dân anh chị khét tiếng trong lĩnh vực đòi nợ thuê ngoài Bắc. Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ là những người nông dân chân lấm tay bùn với nửa sào ruộng ở quê, L. từng ước mơ thành một bác sĩ theo đúng nguyện vọng của bố “chữa bệnh cho bố lúc về già”.

“Nhiều đêm nằm bên ông, nghe tiếng rên vì đau mỏi, tôi lại càng khát khao trở thành một bác sĩ ngoại khoa thật giỏi để chữa khỏi căn bệnh này cho ông…” - L. kể. Có lẽ chẳng ai ngờ, chàng sinh viên ngày nào giờ đã trở thành Chí Phèo thời hiện đại, chuyên dùng nắm đấm để kiếm miếng ăn.

L. kể: “Hồi mới vào nghề, cũng sợ, cầm con dao trên tay mà thấy rùng mình. Cực chẳng đã, nghĩ rằng, mình vốn được học hành tử tế để ra cứu người, giúp người, vậy mà giờ đây lại làm ngược lại”. Những đêm nằm hoang mang, với nỗi lo sợ của một anh trí thức ngày đầu bước chân vào chốn giang hồ, nhiều đêm khóc, muốn về với bố mẹ, nhưng nhìn số tiền sau mỗi vụ siết nợ được chia, L. lại thấy chùn lòng.

“Tiền đúng là thứ có mãnh lực vô hình. Nó bám riết, làm người ta mờ mắt, đắm chìm trong những cơn mê về cuộc sống giàu sang, về một tương lai tốt đẹp hơn. Khổ nhiều rồi, bây giờ có tiền, lại nghĩ làm thế nào để có nhiều tiền hơn, thật nhiều tiền, rồi sẽ đưa bố vào bệnh viện xịn cho mát mặt với đời” - L. nói. Hành nghề được 10 năm là từng ấy ngày L. sống trong nỗi sợ hãi, trong những giấc mơ hàng đêm có kẻ đang rượt đuổi mình, tỉnh dậy giữa đêm, mồ hôi chảy ra ướt đẫm nhưng vẫn cố gắng chợp mắt để ngày mai, ngày kia còn bao nhiêu cuộc siết nợ thuê đang đợi chờ.

Nhìn nét mặt nhăn nhúm với đôi mắt hõm sâu, thâm tím một bên, tôi gặng hỏi: “Một bên mắt anh sao vậy?”. L. đáp: “Một vụ đấy chị ạ. 2 tuần trước vừa đi đòi nợ một người có đứa con trai đang là sinh viên vì cá độ bóng đá mà nợ đầm đìa, 400 triệu đồng chứ không ít. Tôi bắt cậu con trai quý tử ấy về nhà nhốt, xong bắt nó gọi cho mẹ mang tiền đến để chuộc. Nhìn thằng con cưng bị trói, bà khóc lóc, ném mạnh cái túi đựng tiền vào thẳng mặt tôi nên một bên mắt tôi mới bị như vậy. Đến khổ”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. 

Tôi cười trừ, rồi hỏi: “Đòi được một khoản tiền như thế chắc anh được chủ nợ chia phần nhiều lắm?”. L. nói: ”Chẳng được bao nhiêu. Một vụ đòi nợ thuê, tùy theo số tiền, giá trị số tiền cao bao nhiêu chúng tôi cứ được chia phần trăm, tầm 30/70 hoặc 50/50. Ấy là còn tùy đối tượng đòi, khó nhằn kiểu xã hội đen với nhau thì phần trăm lớn hơn, một nửa, nhưng cũng thương tích đầy mình.

Còn những thằng con ông cháu cha phần trăm ít hơn, đôi khi chỉ 25 hoặc 30%”. Làm việc với những con nợ chây ì không muốn trả, đầu tiên chúng tôi sẽ “nắn gân” bằng cách nhẹ nhàng gọi điện thông báo. Nếu con nợ vẫn ngoan cố, vài thằng sẽ cầm kim tiêm đến nhà con nợ. Đảm bảo chỉ cần vài ngày là gia đình con nợ “phát sốt, phát rét”, vội vàng cầm cố, chạy vạy hết mọi chỗ để lấy tiền trả nợ.

Còn với dạng “rắn” hơn, tiền móc được của những kẻ này khá khó, đặc biệt bọn này lại không ngại va chạm, tôi sẽ cho đàn em khủng bố tinh thần gia đình, con nợ, từ việc ném “bom bẩn”, bêu xấu, chửi bới... Hiện có rất nhiều con nợ chây ì không muốn trả nợ, muốn đòi lại tiền một cách nhanh chóng, ngoài việc phải tìm đến các băng nhóm đòi nợ như của L. cũng chẳng có cách nào hay hơn.

Thấy tôi thắc mắc, sao các chủ nợ không nhờ đến luật pháp, gã cười khẩy: “Luật pháp ư? Ừ cứ việc kiện, nhưng có đòi được không mới là quan trọng. Thà thuê dân này làm vừa vớt vát được ít tiền lại vừa có thể xả giận với con nợ”.

Khát vọng hoàn lương

“Không phải lúc nào cũng sung sướng được hưởng trọn số tiền mà băng đảng của mình đòi được, có khi còn vác những thương tích vào người” - L. vừa nói vừa vạch áo chỉ cho tôi những vết sẹo chằng chịt ở trên bụng, lưng và cả đầu. Nhìn L. tôi hỏi: “Có khi nào anh định bỏ nghề này không?”.

L. cười, đáp: “Bây giờ làm được thì cứ làm, không kiếm lúc này thì bao giờ kiếm. Biết cái nghề này tồi tệ lắm chứ. Người đời vẫn gọi chúng tôi là những thằng cặn bã dưới đáy xã hội, những thằng luôn dùng dao, kiếm, nắm đấm, thủ đoạn hơn là bắt cóc con nợ để lấy tiền của thiên hạ.

Thất đức nhưng vẫn phải làm để ăn, để nuôi sống người thân… Còn ai chẳng muốn có cái nghề sao cho “sạch sẽ”, để sau này có con cái, nó hỏi bố làm nghề gì, chẳng ai tự hào gì mà nói “bố mày là thằng Chí chuyên đi đòi nợ thuê”. Kiếm tiền một thời gian thôi chị ạ. Ổn định thì lại tìm một cái cửa hàng nào đấy mở ra, làm ăn lương thiện”. Nhìn nét mặt chợt chùng xuống của L., tôi chợt nghĩ giá như cậu sinh viên ngày ấy không lao đầu như những con thiêu thân vào thứ ánh sáng kỳ ảo của đồng tiền, có lẽ giờ đây trước mặt tôi sẽ là một bác sĩ giỏi cứu giúp được nhiều người.

L. cười khẽ: “Hoàn lương ư? Khó lắm. Muốn rửa tay gác kiếm mà đời nó đâu có cho. Người ta vẫn gièm pha, dị nghị, nghĩ những thằng chuyên đâm thuê, chém mướn đòi nợ thuê, cặn bã thế rồi lấy đâu ra nhân tính mà được làm người. Đến bố mẹ mình khi biết mình như thế, mỗi lần về nhà đều bị đuổi, đòi từ mặt, bố sầu não, mẹ khóc lóc suốt ngày. Biết 2 ông bà thương thằng con, nhưng vì lòng tự trọng, vì cái tiếng của bản thân mà quyết không nhận lại con. Ở quê điều ra tiếng vào, mình không về để ông bà còn có cơ sống.

Hàng tuần vẫn gửi tiền về cho 2 ông bà, tầm 9 triệu. Ở quê thế là nhiều. Nhưng vẫn chả gọi là sướng, vì mang cái tiếng có thằng con đi “siết” người”.

Tôi chợt nghĩ cũng phải, lâu nay dân ta vẫn còn tồn tại cách nhìn soi về quá khứ rồi mới xét hiện tại, ngắm “dung nhan” rồi mới tới “tình người”. Những người như L. mang trên mình bao nhiêu vết sẹo của đời. Có lẽ những “vết sẹo nợ đời” đấy sẽ bám riết họ, khiến họ không thoát ra khỏi kiếp những anh Chí chuyên đi đòi nợ thuê.

Nhưng có thể có một ngày nào đấy những con người này muốn trở lại cuộc đời lương thiện, lúc ấy xã hội này sẽ nhìn và đón nhận họ như thế nào, liệu lại có như Chí Phèo xưa kia trong câu chuyện “Chí Phèo” của Nam Cao, muốn hoàn lương nhưng không thể? Một câu hỏi khiến người ta phải suy nghĩ.

Các tin khác