Chẻ tre làm lồng đèn Trung Thu

(ĐTTCO) - Ngày xưa, Tết Trung Thu đối với anh em chúng tôi là cả một niềm vui lớn trong chuỗi ngày thơ ấu khốn khó. 
 Đêm Trung Thu không cỗ trái cây, không bánh nướng, bánh dẻo, chỉ có cái bánh ngọt giả bánh Trung Thu bé xíu, mấy anh em chia nhau đã thành bữa tiệc sang trọng.  Nhưng điều không thể thiếu với anh em chúng tôi trong Tết Trung Thu chính là chiếc lồng đèn tre đơn giản, mà năm nào ba cũng cặm cụi làm.
Chẻ tre làm lồng đèn Trung Thu ảnh 1
Niềm vui bắt đầu từ lúc ngồi chầu hẫu xem ba vuốt từng nan tre, uốn cong lại làm lồng đèn bánh ú. Niềm vui nhảy nhót trên tấm giấy màu hồng, xanh, vàng, tím phủ lên lồng đèn, được ba khuyến mại thêm chùm tua rua cong tít bắt mắt. Cả những cây đèn cầy bé xíu cũng có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Chẻ tre làm lồng đèn Trung Thu ảnh 2
Đêm Trung Thu, mẹ trịnh trọng đốt đèn cầy trong 3 chiếc lồng đèn theo thứ tự: anh Hai cầm lồng đèn lớn nhất, tôi ở giữa cầm lồng đèn nhỏ hơn, thằng Út hài lòng với chiếc lồng đèn nhỏ xíu xinh xắn. 3 anh em xếp hàng và bắt đầu khởi hành rước đèn đi đón Trung Thu, vừa đi vừa khum tay che gió.
Ra tới đầu ngõ, trăng đang sáng vằng vặc thì mây đen kéo tới, gió phũ phàng xô giạt làm ngọn đèn cầy liếm vào giấy lồng đèn, cháy hết một mảng. 3 đứa nhỏ cầm lồng đèn tắt ngúm, chạy đua với mưa về nhà. Niềm vui chỉ được trong thoáng chốc, nhưng ánh sáng huyền ảo của đêm Trung Thu vẫn lênh láng mãi trong đêm. 
Chẻ tre làm lồng đèn Trung Thu ảnh 3
Cũng có những mùa Trung Thu trăng  sáng êm đềm, chỉ với 3 chiếc lồng đèn nhỏ rước đi quanh xóm là đủ vui rộn rã. Ba mẹ quanh năm tối mặt với công việc, vào đêm Trung Thu cũng bừng sáng trên gương mặt khi nhìn bầy con háo hức với chiếc đèn lồng.  Chúng tôi những tưởng rằng, cuộc đời mình mãi thơ bé như thế, mãi mãi những mùa Trung Thu êm dịu, mênh mang như thế, và mãi mãi 3 chiếc đèn lồng bánh ú sẽ không bao giờ thôi lung linh.
Vậy mà vài năm sau, mùa Trung Thu đến hiện đại hơn, với đèn lồng nhựa chạy pin, phát nhạc, gió to cỡ nào cũng không lo tắt đèn. Bánh Trung Thu “thứ thiệt”, ngày càng xuất hiện nhiều, đủ thương hiệu, đủ mùi đủ vị, phong phú các loại nhân. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo to đẹp bắt mắt, nhưng sao không thấy ngon lành như chiếc bánh Trung Thu “dỏm” năm xưa? Những chiếc lồng đèn sáng mãi, hát mãi không ngừng nhưng sao không đem lại cảm giác nôn nao vui sướng và quý báu như những chiếc lồng đèn bằng tre và giấy mùa Trung Thu cũ?
Trung Thu bây giờ người lớn rộn ràng hơn con nít. Hàng núi bánh Trung Thu bày bán với vỏ hộp đẹp, sang trọng, để dành người lớn tặng cho người lớn. Trong những hộp bánh ấy đôi khi kẹp thêm những “món quà” mà con nít chẳng bao giờ hiểu ý nghĩa.
Trung Thu bây giờ trẻ con cũng rước đèn, nhưng phải rước đèn ban ngày, cầm lồng đèn nhựa kêu ò e ò e đi một vòng quanh rồi trở về, chẳng đứa nào thấy ông Trăng đâu.
Đêm Trung Thu xe cộ ngược xuôi, đường phố sáng trưng, ông Trăng buồn vì chẳng ai rảnh ngó mặt lên trời để thấy ông, để nhớ rằng ông mới chính là trung tâm của đêm này, chứ không phải là ông giám đốc nọ, bà trưởng phòng kia. Và ông buồn nhất là những đứa trẻ không  còn niềm vui  đi đón ông trong đêm rằm tháng Tám nữa. Chúng đang mải mê ở khu vui chơi, ở nhà hàng hay những khu bán đồ chơi hàng hiệu. Lồng đèn thiên nga, cá chép, ông sao, bươm bướm… nằm chỏng chơ nơi nào…
Tết Trung Thu năm này, tôi cặm cụi chẻ tre làm lồng đèn cho con, vớt vát một chút kỷ niệm ấu thơ. Chờ trăng lên cao, tôi tắt đèn rồi dẫn con lên sân thượng. Cả nhà rước đèn loanh quanh trong khoảnh sân nhà mình. Ngoài kia, lồng đèn nhựa chen nhau, những hộp quà chen nhau, ánh đèn điện sáng rỡ, không còn thấy ông Trăng đâu để kể cho con nghe sự tích chị Hằng, chú Cuội.
Trong vuông sân nhà mình, tôi có thể đem mùa Trung Thu cũ của tôi về, cho con được biết chiếc lồng đèn nan tre lung linh đèn cầy, để ngước lên trời nhìn thấy được ánh trăng vẫn tỏa sáng giữa bao nhiêu vật đổi sao dời.
Ừ, may mà vẫn còn lại ánh trăng đêm rằm tháng Tám.

Các tin khác