Cạnh tranh thông tin thời kinh tế thị trường

Báo chí đang trong thời kỳ phát triển cao với số lượng ngày càng nhiều, vì thế áp lực cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo ngày càng lớn. Mỗi tờ báo, nhà báo, luôn muốn được sở hữu những tin nóng, độc quyền để mang đến cho độc giả nhiều thông tin mới. Để làm được điều này, mỗi phóng viên phải nỗ lực hết mình, với sự đam mê nghề nghiệp và bản lĩnh vững vàng để giải quyết những tình huống khó khăn. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ĐTTC giới thiệu chia sẻ của một số nhà báo.

Báo chí đang trong thời kỳ phát triển cao với số lượng ngày càng nhiều, vì thế áp lực cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo ngày càng lớn. Mỗi tờ báo, nhà báo, luôn muốn được sở hữu những tin nóng, độc quyền để mang đến cho độc giả nhiều thông tin mới. Để làm được điều này, mỗi phóng viên phải nỗ lực hết mình, với sự đam mê nghề nghiệp và bản lĩnh vững vàng để giải quyết những tình huống khó khăn. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ĐTTC giới thiệu chia sẻ của một số nhà báo.

LÊ TRẦN HOÀNG LAM, báo Đầu tư Tài chính:

Áp lực phóng viên trẻ

Đội ngũ những người làm báo thế hệ 8X bây giờ có nhiều thuận lợi hơn những bậc đàn anh đi trước. Tuy nhiên, trong thuận lợi cũng có những chuyện dở khóc dở cười. Với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, những phóng viên trẻ với máy tính xách tay, máy ghi âm, máy chụp ảnh kỹ thuật số… đã thực hiện công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn khi không phải vất vả cắm cúi ghi chép từng thông tin nhân vật cung cấp, mà nhiều khi không đầy đủ và chính xác.

Nhờ máy ghi âm, cuộc phỏng vấn không còn là một buổi gặp gỡ căng thẳng, một người kể, một người ghi mà trở thành cuộc trò chuyện, tâm sự khi cả nhân vật và phóng viên đều thoải mái truyền cảm xúc cho những câu chuyện. Thế nhưng, không ít phóng viên đã khổ sở vì thiết bị công nghệ số không phải lúc nào cũng chạy ro ro. Tôi được Tòa soạn phân công phỏng vấn giám đốc một doanh nghiệp.

Buổi phỏng vấn thành công tốt đẹp, nhưng đến khi mở máy ghi âm ra tôi phát hoảng vì không có thông tin. Thế là tôi phải mất thời gian để cố gắng hình dung, nhớ lại trong những câu chuyện chính lẫn chuyện thăm hỏi bên lề, nhân vật đã chia sẻ những gì để hoàn thành bài viết một cách chính xác nhất có thể.

Ngày nay, số đầu báo ngày càng nhiều cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường báo chí, nhưng lại làm gia tăng áp lực trong việc tìm kiếm thông tin cho các phóng viên. Lực lượng phóng viên ngày càng đông khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp cảm thấy ngại khi mỗi ngày có đến hàng chục đề nghị phỏng vấn.

Điều này càng thêm khó đối với các phóng viên trẻ do chưa có nhiều quan hệ với doanh nghiệp. Nhiều đơn vị còn đưa ra quy chế phát ngôn với báo chí như muốn phỏng vấn phải thông qua bộ phận truyền thông, gửi email câu hỏi trước và chờ họ lên lịch phỏng vấn. Đó là chưa kể gặp phải những người khó tính từ chối trả lời hoặc “trông mặt bắt hình dong”, chỉ trả lời những tờ báo lớn, có thương hiệu, hoặc phóng viên “ruột”, khiến nhiều phóng viên trẻ chỉ có… khóc.

Có lần tôi được phân công hoàn thành bài phỏng vấn trong ngày về những nỗ lực vượt khó của một doanh nghiệp. Theo quy định tôi phải gửi câu hỏi trước và chờ ít nhất 3 ngày mới có thể làm việc được. Lo quá, tôi năn nỉ anh trợ lý giám đốc của doanh nghiệp cho tôi gặp lãnh đạo đơn vị. Câu trả lời mà tôi nhận được là… sếp bận.

Cũng may nhờ một đồng nghiệp trong báo quen với giám đốc, đã điện thoại đến và tôi được gặp vị giám đốc này để phỏng vấn. Qua những lần như vậy, tôi đã bắt đầu học được tính kiên nhẫn, sáng tạo trong tiếp cận các nguồn thông tin. Và cũng chính mỗi lần gặp sự cố, khó khăn là một lần tôi tích cóp thêm một chút về kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn mối quan hệ với xã hội.

Nghề báo là một công việc đầy áp lực, từ việc săn tin đến xử lý thông tin, nộp bài đúng thời hạn… nhưng hầu như mọi áp lực hay mệt mỏi đều tan nhanh khi tôi cầm trên tay tờ báo đăng bài viết của mình. Hoặc mỗi lần nhận được cuộc điện thoại hay email của độc giả khen bài viết của mình, trong tôi bỗng cảm thấy vui, tự hào và lại có động lực để tiếp tục phấn đấu hơn nữa.

Chim chóc dâng cho đời tiếng hót véo von, hoa cỏ dâng cho đời hương thơm ngào ngạt và những người làm báo, nhất là những phóng viên trẻ như chúng tôi cũng muốn hòa mình vào đó, gieo vào đời những câu chuyện ý nghĩa để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, mang lại món ăn tinh thần hữu ích cho mọi người hàng ngày và góp nhặt những niềm vui nhỏ bé cho chính mình.

Quang cảnh buổi Gala chào mừng 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do báo SGGP tổ chức. Ảnh: V.DŨNG 

Quang cảnh buổi Gala chào mừng 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do
báo SGGP tổ chức. Ảnh: V.DŨNG

-Trần Thị Nguyệt Ánh, báo Hà Nội Mới:

Nữ phóng viên ảnh

“Đừng có mặc kiểu quần áo diêm dúa như thế! Đứng trước mặt bao người mà ăn mặc thế là không được đâu..." Ôi chao, đó là những lời đầu tiên mà sếp tôi dành cho nữ phóng viên ảnh. Thế là từ đó tôi luôn bó trên người bộ quần áo thật già dặn và có thể nói hơi vuông thành sắc cạnh, rồi tự nhủ: “đã chọn nghề rồi thì dù có xấu đi một chút, thô cứng một chút cũng chẳng hề gì”.

Một lần, Tòa soạn cần bức ảnh hồ Thanh Nhàn, yêu cầu chụp toàn cảnh. Tôi đi xuống đó, tìm mãi chẳng có điểm cao nào, vào nhờ một nhà hàng, trèo lên tận nóc vẫn chỉ nhìn thấy lùm cây. May sao, tôi nhìn thấy một khu nhà cao, bèn phi xe đến. Hóa ra là khu nhà mới của Bệnh viện Thanh Nhàn. Lúc đó gần 12 giờ trưa, gửi xe, đi loanh quanh một hồi mới tìm được đường vào vì khu nhà đang xây dựng, đâu đâu cũng thấy biển "Không nhiệm vụ...". 

Vòng vèo chán chê, chợt thấy vài người khuân vác máy móc đi ra, tôi chạy vội lại. "Nguyên tắc là không cho người lạ vào khu vực này, tại sao cô vào được đây?" - người quản lý nói. Tôi năn nỉ, xin xỏ mãi, cuối cùng họ bảo "Chỉ 10 phút thôi, nếu cô không xuống chúng tôi sẽ khóa trái cửa lại, đến giờ ăn cơm rồi!". Tôi vâng dạ rồi ba chân bốn cẳng leo lên, túi máy ảnh quá nặng, bụng cũng đói, đành vứt lại quãng tầng 5, đeo máy theo người rồi leo tiếp 6 tầng.

Tòa nhà đầy mùi vôi vữa và không một bóng người, nhưng chẳng có gì sợ bằng việc bị nhốt nên cứ nhắm mắt lại mà leo. Đến nơi, nhìn thấy hồ Thanh Nhàn trên cao, đẹp một cách lạ kỳ. Dù thở không ra hơi nhưng tôi cũng tranh thủ chụp lia lịa vì sợ bị nhốt.

Lê được người xuống tầng 1, mấy công nhân vẫn đang chờ, đổi hẳn giọng: "Chậm 5 phút rồi đấy. Mệt quá à, cứ tưởng nói thế em nản mà bỏ về. Ai ngờ, em liều thật đấy”. Tôi nở nụ cười méo xệch nói cảm ơn rồi phóng ngay về báo.

Một lần khác tôi được phân công đến sân bay để chụp ảnh chiếc máy bay mới của hãng hàng không Vietnam Arlines, đang bay thử và sắp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đến nơi, thấy đã có rất đông phóng viên của các báo khác.

Vì là phóng viên mới toanh, lại đeo máy ảnh nên họ cứ nhìn ngắm tôi như là “người ngoài hành tinh”. Chúng tôi được chở trên một chiếc xe ô tô ra đường băng, chờ máy bay hạ cánh. Trên xe có khoảng 8 người, một mình tôi là nữ, những ánh mắt vẫn không ngừng dò xét.

Mặc kệ, tôi cứ vênh mặt lên và thầm nghĩ, có lẽ tại họ thấy tôi không có dáng lắm. Máy bay đến, họ lôi máy móc ra, thật sự tôi lúc đó bắt đầu thấy lo lắng, cái máy ảnh của tôi so với máy ảnh của họ là một con kiến bên cạnh con voi.

Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao họ nhìn mình. Rồi tất cả được hóa giải khi bức ảnh chụp bằng cái máy “con kiến” của tôi được đăng trang nhất. Từ đó, tôi hiểu thêm rằng máy tốt cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc xử lý tình huống.

Bên cạnh những khó khăn, vất vả của nữ phóng viên ảnh thì tôi thấy hạnh phúc khi được mang niềm vui đến cho mọi người. Vui vì những đứa trẻ khi tôi chụp ảnh đòi nhìn vào cái màn hình bé xíu và cười òa lên "Tớ đây này, ấy cười toe toét thế". 

Hạnh phúc hơn nữa khi có những bác già về hưu viết thư lại cảm ơn khi tôi biếu họ tấm ảnh kỷ niệm. Tôi sẽ ghi nhớ mãi câu của một bác trong cuộc đời làm nghiệp của mình: "Cô đã thực hiện đầy đủ lời hứa của mình. Việc làm đó giúp chúng tôi thêm tin tưởng ở lớp phóng viên trẻ".

Tôi tự hào vì mình là nữ phóng viên ảnh. Còn đi tác nghiệp, khi nhìn thấy tôi, sau cái hất hàm của một ai đó, mấy đồng nghiệp sẽ trả lời ngay: "Phóng viên ảnh của Hà Nội Mới đấy". Tôi tin rằng, không lâu nữa, đồng nghiệp nam nhìn chúng tôi sẽ bằng con mắt ưu ái hơn.

Các tin khác