Cánh Diều vật vờ

Cùng với không khí nhộn nhịp của Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3, lễ trao giải Cánh Diều năm 2012 sẽ được diễn ra ngày 17-3 tại Hà Nội. Ngoảnh qua ngoảnh lại đã 10 lần Hội Điện ảnh Việt Nam có mong muốn được trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc theo tiêu chí của một đoàn thể nghề nghiệp. Để đánh dấu sự kiện này, hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam - Nhìn nhận và đánh giá” cũng được tổ chức. Thế nhưng, âm hưởng chủ đạo vẫn là “than ngắn thở dài” cho thực trạng hiu hắt và tương lai hơi mờ mịt của nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Cùng với không khí nhộn nhịp của Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3, lễ trao giải Cánh Diều năm 2012 sẽ được diễn ra ngày 17-3 tại Hà Nội. Ngoảnh qua ngoảnh lại đã 10 lần Hội Điện ảnh Việt Nam có mong muốn được trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc theo tiêu chí của một đoàn thể nghề nghiệp. Để đánh dấu sự kiện này, hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam - Nhìn nhận và đánh giá” cũng được tổ chức. Thế nhưng, âm hưởng chủ đạo vẫn là “than ngắn thở dài” cho thực trạng hiu hắt và tương lai hơi mờ mịt của nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (người đã làm những bộ phim có tiếng vang như “Vua bãi rác”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Ký ức Điện Biên”…), thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta không có phim hay vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập, ở ta vừa ra trường đạo diễn đã có thể làm phim, thậm chí phim dài tập.

Suốt 10 năm qua chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỷ trước. Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác.

Cả chặng đường 10 năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sĩ, hoa hậu đi đóng phim. Thật thảm hại!”.

 Một cảnh trong phim “Lệ phí tình yêu”.

Một cảnh trong phim “Lệ phí tình yêu”. 

10 năm Cánh Diều được đưa ra công chúng với không ít hồi hộp và hy vọng, nhưng Cánh Diều không thể bay cao và bay xa như nhiều người chờ đợi. Lý do rất đơn giản, giải thưởng mang tên Cánh Diều vẫn giống như một phiên bản của Liên hoan phim toàn quốc, khiến Cánh Diều không khác gì cơ hội mở dành cho những bộ phim chưa đoạt được Bông Sen Vàng hoặc Bông Sen Bạc.

Lẽ ra, xưng danh sáng tạo của Hội Điện ảnh Việt Nam thì Cánh Diều phải chọn được hướng đi riêng, hoặc đột phá tuyên dương những tìm tòi khác lạ về kỹ thuật dàn dựng của giới làm phim, hoặc mạnh mẽ tôn vinh những ý tưởng gai góc gây tranh cãi về nội dung của từng bộ phim.

Đáng tiếc thay, Cánh Diều vẫn cứ lừng khừng, một đoạn dây ngắn vừa thả lên vừa giật xuống trước ánh mắt khán giả mộ điệu vốn lắm tin yêu ngày càng ngả dần sang ngao ngán.

Dựa theo cột mốc 10 năm Cánh Diều xuất hiện, điện ảnh nước ta cũng lác đác vài bộ phim nức lòng người xem như “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng” hay “Cánh đồng bất tận”. Thế nhưng, dăm đốm sáng nhờ nỗ lực năm, bảy cá nhân không đủ để làm nên diện mạo một thập kỷ điện ảnh. Để tìm ra những bất cập của điện ảnh Việt Nam không khó.

Thậm chí có những nhà biên kịch, những nhà quản lý và những đạo diễn có mặt hết tọa đàm này đến diễn đàn nọ cũng chỉ nêu được mấy câu trách móc chung chung một cách vu vơ. Những người hoạt động nghệ thuật thứ bảy vẫn có thói quen đổ lỗi cho nhau, nhưng xét từng yếu tố cấu thành một tác phẩm điện ảnh thì rõ ràng vừa thiếu đồng đều vừa yếu. Nếu nói kịch bản kém cũng chưa hẳn. Bằng chứng là nhiều bộ phim nước ngoài nổi tiếng, nhưng khi Việt hóa chất lượng thật ê chề.

Điện ảnh Việt Nam dù đi sau điện ảnh thế giới khoảng nửa thế kỷ, nhưng đã sớm mắc căn bệnh tuổi già, đó là hay nhắc ngày xưa phim hay thế này, ngày xưa quay phim đẹp thế kia, ngày xưa diễn viên giỏi thế... Khổ thân, tất cả cứ xoay như đèn cù, mà quên mất một điều, chỉ đến khi đất nước hội nhập thì khán giả Việt Nam mới có dịp tiếp xúc nhanh chóng và đầy đủ với điện ảnh nhân loại.

Bây giờ khán giả đã có tiêu chuẩn để so sánh và cũng đã có nhu cầu được so sánh, làm cho vóc dáng không mấy đẫy đà của phim Việt Nam trở thành gầy gò thêm một chút.

Muốn phát triển điện ảnh Việt Nam, không ai có quyền sốt ruột. Hiện tại điện ảnh đã được đánh giá như một ngành công nghiệp không khói. Muốn phô diễn bản sắc Việt Nam trên màn bạc, không thể không đầu tư tương thích. Hãy để phim tư nhân vận hành theo túi tiền và theo thị hiếu của tư nhân.

Ngay tại giải Cánh Diều 2012, có đến 10 phim tư nhân gửi tham dự, chứng tỏ hành trình xã hội hóa điện ảnh cũng đang có những dấu hiệu khả quan. Còn phim được làm từ ngân sách cần lựa chọn quyết liệt, thay vì chia nhỏ hầu bao mỗi năm làm 2-3 phim, chỉ nên làm 1 phim thôi. Khi có kinh phí lớn thì mới có thể đòi hỏi giá trị kịch bản tối ưu, hậu trường tỉ mỉ từng chi tiết và chiến lược quảng bá đưa phim ra rạp.

Trong giấc mộng toàn cầu hóa, lĩnh vực nào cũng cần nhân sự có trình độ quốc tế. Điện ảnh càng cần hơn, vì làm phim vừa có tính thăng hoa nghệ thuật vừa có tính cụ thể khoa học, không thể đánh cược bằng năng khiếu bẩm sinh, mà người tài phải được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp thực sự.

Mặt khác, điện ảnh không thể trông vào bất kỳ cá thể đột biến nào, mà phải nhờ vào tập thể cùng đẳng cấp tư duy.  Thử hình dung, một thế hệ những người làm điện ảnh được đào tạo bài bản tại các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến, nguyên cớ gì họ lại làm phim... dở, khi bản thân thấu đáo phương pháp làm ra phim hay.

Các tin khác