Cảm xúc Côn Đảo

Mỗi lần đến Côn Đảo, tôi rất thích đi lang thang khắp chốn, nhìn những di tích lịch sử, những bức tường của những nhà tù cũ, những cây bàng, giếng nước. Đó là những vật chứng chứng kiến một thời đấu tranh hào hùng, gian nan để giữ nước, thống nhất đấùt nước. Tôi tin tưởng rằng, nếu biết nói, chúng sẽ kể lại những câu chuyện bi tráng.

Mỗi lần đến Côn Đảo, tôi rất thích đi lang thang khắp chốn, nhìn những di tích lịch sử, những bức tường của những nhà tù cũ, những cây bàng, giếng nước. Đó là những vật chứng chứng kiến một thời đấu tranh hào hùng, gian nan để giữ nước, thống nhất đấùt nước. Tôi tin tưởng rằng, nếu biết nói, chúng sẽ kể lại những câu chuyện bi tráng.

1. Đó có thể là chuyện của những người đã trải qua 5, 7 năm bị giam cầm, có người bị giam cả 15, 17 năm, trải qua cả một thời xuân sắc, vẫn có thể lạc quan sống, chiến đấu và chờ đến tương lai tươi sáng. Họ đã sống và vượt qua những điều tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Ngày 30-4-1975, Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, những chiến sĩ cách mạng từ tù ngục của kẻ thù mới thực sự tự do, trở về sum họp gia đình, trong công cuộc sum vầy của cả dân tộc. Nói sao cho hết nỗi vui mừng trong những ngày đầu giải phóng.

Và trong cái rộn ràng, hân hoan đó còn có sự đau đớn khôn nguôi khi những người bạn tù nghĩ về những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn xuôi tay tại Côn Đảo.

Các cựu tù Côn Đảo thắp nhang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh anh dũng tại nhà tù Côn Đảo.

Các cựu tù Côn Đảo thắp nhang tưởng nhớ
đồng đội đã hy sinh anh dũng tại nhà tù Côn Đảo.

Những cựu tù ở Côn Đảo không thể nào quên lễ chào cờ lần đầu tiên vào 7 giờ sáng ngày 1-5. Chào cờ thống nhất toàn đảo, công khai giữa thanh niên bạch nhật và bài “Giải phóng miền Nam” được hát lớn chớ không phải kìm nén âm thầm trong lồng ngực.

”Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng. Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng…”. Lá cờ Mặt trận tung bay trước gió mà những ai đã từng chịu gian khổ hy sinh, chết chóc, những ai đã từng bị những đòn trừng trị vì chào cờ trong tù mới thấy hết ý nghĩa, hình ảnh lá cờ Mặt trận tung bay trước gió.

Chào cờ xong, các anh chị phân công công tác cho nhau. Tất cả các anh chị bị cầm cố nay phụ trách những khâu then chốt. Tờ mờ sáng ngày 3-5, các anh chị đã đi tuần tra trên đảo. Tối ngày 1-5-1975, ban văn nghệ của dì Chín Xà bên trại tù nữ đã kết hợp với các anh ở các trại ra mắt buổi biểu diễn đầu tiên với đầy đủ các tiết mục ca múa...

Bảo tàng Côn Đảo có trưng bày những tờ báo cũ, như Sinh hoạt, Xây dựng… do chính những tù nhân thực hiện trong tù. Chúng tôi đã tìm kiếm để gặp lại những người đã làm ra những tờ báo này. Họ là những người từng là tù nhân của trại 6B Côn Đảo, trại câu lưu vô thời hạn.

Bởi giặc xem đây là lực lượng nguy hiểm nên đã áp dụng chế độ hết sức tàn độc. Những đảng viên ở trại 6B thành lập chi bộ rồi đảng bộ, lấy tên người anh hùng Lưu Chí Hiếu, một thợ giày người Nam Định bị lưu đày năm 1957, đã hy sinh oanh liệt tại nhà lao năm 1961 khi đấu tranh trực diện với giặc tại nhà lao Côn Đảo, đặt tên cho đảng bộ.

Báo trong tù là rất cần thiết để anh em học chính trị, văn hóa, nắm tình hình thời sự, xu thế cách mạng cũng như phong trào đấu tranh trên các mặt trận. Vì lúc bấy giờ tù nhân bị bưng bít thông tin nên rất cần một tờ báo và Đảng ủy trại giam 6B kiên quyết thực hiện điều này.

Để tập hợp tất cả những người có khả năng viết lách, Đảng ủy trại 6B và Ban biên tập chủ trương mỗi phòng giam phụ trách một tờ báo tường do chính anh em chọn chủ đề.

Hưởng ứng chủ trương này, các tù nhân là học sinh, sinh viên, người già yếu, bệnh tật đều hăng hái tham gia viết báo. Không bao lâu những tờ báo với những cái tên như Rèn luyện, Sinh hoạt, Niềm tin, Đoàn kết, Tiến lên… ra mắt và các tù nhân bí mật chuyền cho nhau đọc.

Ông Bùi Văn Toản, người trực tiếp làm báo kể lại rằng, các ông có được công cụ đắc lực là chiếc radio, nên ban biên tập chủ động nguồn tin, mỗi ngày đều cập nhật các bản tin đọc chậm trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng nên thông tin luôn mới.

Dù hết sức gian nan nhưng tờ báo Xây dựng của trại 6B là nguồn động lực giúp công tác chính trị - tư tưởng của những người tù yêu nước được củng cố. Bởi sự ra đời của các tờ báo đã chứng minh sự lớn mạnh của tổ chức, sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt là tình yêu thiêng liêng đối với lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bọn cai ngục nghi ngờ có một tổ chức tuyên truyền đang hoạt động nhưng không có chứng cứ, nên cũng không làm gì được. Báo phát hành không theo định kỳ mà theo các ngày kỷ niệm và cũng theo điều kiện thực tế ở trong tù lúc đó. Các anh duy trì mỗi tháng mỗi số, riêng những dịp lễ như 1-5, ngày thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hay Cách Mạng Tháng 8, Quốc khánh 2-9… đều ra báo.

Đọc lại những bài báo của những nhà báo không chuyên viết bằng những dòng chữ nắn nót, mền mại, mới thấy công sức, sự dũng cảm, kiên trì, sự cần cù, lòng say mê, sức sáng tạo của họ.

2. Từ hòa bình đến nay, ông Bùi Văn Toản đã bỏ công sức đi khắp đất nước để sưu tầm tên tuổi những tù nhân Côn Đảo từ thời chống Pháp. Ông cũng tập hợp danh sách hơn 22.000 người đã vĩnh viễn ra đi và in thành những tập sách đồ sộ, theo ông “chỉ để dành tặng sách này cho các địa phương để những gia đình hay đồng đội biết ngày cúng cơm của họ!”.

Nhiều năm trôi qua, cứ đúng ngày giỗ của ông Lê Trung Tín, người đã từng bị giam giữ ở Côn Đảo, những bạn tù cũ của ông ở Cà Mau lại đến thăm nhà ông. Thắp một nén nhang nhớ bạn, ăn một miếng bánh với vợ người đã khuất, nói chuyện đôi câu với cô con gái - chỉ vài việc nhỏ nhưng cũng làm ấm lòng những người đang sống.

Ông Trương Văn Liền xúc động kể nhiều chuyện của người bạn tù lớn tuổi. Trong đó có cả chuyện, ông Tín thường nói với ông về cô con gái ở quê nhà và không giấu ý định sẽ chọn chàng thanh niên trẻ tuổi, dũng cảm là bạn tù của mình làm con rể, nếu sau này đất nước thanh bình.

Các bạn tù về sum họp gia đình, riêng ông Tín đã nằm lại nơi Côn Đảo. 36 năm nay, năm nào cũng đến nhà ông Tín thăm, nhưng chưa bao giờ ông Trương Văn Liền hé môi về chuyện “mai mối” trong tù.

Các cựu chiến binh thăm lại nhà tù Côn Đảo.

Các cựu chiến binh thăm lại nhà tù Côn Đảo.

3. Những lần trở lại Côn Đảo, bao giờ các anh chị cựu tù cũng dành những giây phút đầu tiên để đến nghĩa trang Hàng Dương tưởng nhớ những đồng đội, đồng chí của mình.

Những giọt nước mắt lại chảy dài hay chỉ đọng lại trên mi mắt. Các chị đã nâng niu những món quà nhỏ để đem ra đặt lên mộ những bạn gái của mình. Những chiếc lược, những chiếc kẹp tóc mà con gái ai cũng cần.

Bây giờ người ta hay đến thăm mộ chị Võ Thị Sáu vào ban đêm. Và chúng tôi đã cùng các chị cựu nữ tù đi viếng mộ chị Sáu lúc 12 giờ đêm, hòa vào dòng người đông đảo từ mọi miền Tổ quốc. Trong sự tĩnh lặng thiêng liêng của màn đêm yên tĩnh đã làm lòng người thanh thản đến lạ lùng. Khi các chị cựu nữ tù bắt đầu đốt nhang cắm lên mộ chị Sáu, những cơn gió nổi lên xào xạc…

Dù nhiều người đến đây có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điểm chung trong tình cảm của mỗi người đối với người anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu nói riêng và đối với tất cả những liệt sĩ đang nằm tại nơi đây nói chung, là vô hạn.

Ở Côn Đảo, người ta trồng rất nhiều bàng, không phải bây giờ mà từ rất nhiều năm trước. Có những cây bàng cổ thụ hàng trăm tuổi. Các chị cựu tù chính trị ở Côn Đảo kể rằng cứ mỗi lần được ra sân tắm nắng, các chị lượm những trái bàng chia nhau ăn.

Vị chát, hơi chua, nhưng ăn thấy ngon lắm, các anh chị gọi nó là món rau, là trái cây. Bàng đồng hành với người tù qua những năm tháng ở tù. Cho nên có cả bài hát về cây bàng. “Côn Lôn ơi, lá bàng rơi, Côn Lôn ơi”.

Trong 5 năm, 10 năm nữa, Côn Đảo sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Vì đó là hải đảo, nơi có vùng biển đẹp nhất nước. Nhưng nơi này vẫn mãi mãi là tượng đài vĩnh cửu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Còn đối với các anh chị là cựu nữ tù chính trị, họ đều có một cảm xúc giống nhau, đơn giản đó là nơi một thời họ đã gắn bó máu thịt, tràn đầy cảm xúc về tình đồng chí, đồng đội. Nơi ấy là chốn địa ngục trần gian, nhưng nơi ấy còn là trường học đã tôi luyện con người trở nên tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn.

Các tin khác