Cảm nhận Đà Nẵng - Singapore

Sạch sẽ và yên bình, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về Đà Nẵng trong ngày đầu tiên của chương trình du lịch 4 ngày 3 đêm Đà Nẵng - Huế - động Phong Nha (Quảng Bình) do Công ty Du lịch Vietravel tổ chức nhân chuyến về thăm nhà của tôi cùng gia đình vào cuối năm qua.

Sạch sẽ và yên bình, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về Đà Nẵng trong ngày đầu tiên của chương trình du lịch 4 ngày 3 đêm Đà Nẵng - Huế - động Phong Nha (Quảng Bình) do Công ty Du lịch Vietravel tổ chức nhân chuyến về thăm nhà của tôi cùng gia đình vào cuối năm qua.

Hướng dẫn du lịch của đoàn chúng tôi là một thanh niên rất trẻ tên Lâm, quê Quảng Nam. Những gì anh giới thiệu trên chiếc xe buýt đón du khách từ sân bay về khách sạn cũng không khác những thông tin tôi đã từng nghe và đọc trên các phương tiện truyền thông những năm qua: Từng bị nhiều tai tiếng về tệ nạn xã hội nhưng Đà Nẵng bây giờ đã trở thành thành phố của 5 không: không có người đói; không có người mù chữ; không người lang thang xin ăn, bán dạo; không người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có cướp của giết người.

Nhưng giờ đây tôi lại có cảm giác sung sướng khi được nghe hướng dẫn trực tiếp bằng chất giọng địa phương miền Trung và chứng kiến tận mắt sự thay da đổi thịt của thành phố miền Trung mà tôi đã có dịp đến lần đầu tiên cách đây gần 20 năm.

Lâm nói nhiều về vai trò của Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, người đã làm thay đổi diện mạo của thành phố và tiết lộ ông Thanh hiện sống trong một ngôi nhà rất khiêm tốn. Anh bảo nếu đường đi thuận tiện sẽ bảo lái xe chạy chậm để các thành viên trong đoàn nhìn thấy “tư gia” của vị lãnh đạo mệnh danh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.

Lâm cho biết thành phố đã có nhiều đoàn lãnh đạo và cán bộ sang đảo quốc Sư tử để học hỏi kinh nghiệm với quyết tâm biến Đà Nẵng thành một Singapore thứ hai…

Khách quốc tế bay từ Singapore đến Đà Nẵng trong ngày đầu năm mới 1-1-2013.

Khách quốc tế bay từ Singapore đến Đà Nẵng trong ngày đầu năm mới 1-1-2013. 

Nhưng so sánh nào rồi cũng dẫn đến chỗ khập khiễng. Bởi xét về vị trí địa lý và cảnh quan thiên nhiên, Singapore chẳng bao giờ có thể bì với thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam.

Vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi, Đà Nẵng là một cảng biển lâu đời, đứng liền kề với núi, sông, đồng ruộng với biểu trưng của một thành phố "xanh núi, xanh sông, xanh biển, trắng gió, trắng trời, trắng cát".

Ngoài núi Ngũ Hành Sơn cùng truyền thuyết trứng Rùa Thần, Đà Nẵng còn có ruộng đồng, sông nước, những bãi biển xanh trong, những bờ cát óng ánh. Singapore làm sao thơ mộng bằng Đà Nẵng với những chiếc cầu nối liền đôi bờ, trong đó phải kể đến cầu sông Hàn.

Lâm cho chúng tôi biết hàng ngày, vào khoảng 0 giờ 30 phút, phần giữa của cầu sông Hàn quay 90 độ quanh trục, nằm dọc theo dòng chảy của sông, mở đường cho tàu lớn đi qua, đến khoảng 3 giờ 30 phút cầu sẽ quay trở lại như cũ.

Đà Nẵng có lẽ yên bình và không phức tạp như Singapore hàng năm phải đón 13 triệu du khách và phải đối đầu với đủ loại tội phạm trong và ngoài nước trên một đảo quốc không quá 750km2 có 5 triệu cư dân gồm 3,5 triệu dân địa phương cùng người nước ngoài đến đây làm việc, đa sắc tộc, đa tôn giáo…

2 ngày ở Đà Nẵng, sau khi tham quan Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Bà Nà rồi phố cổ Hội An, tôi lại có dịp nghĩ về nơi mình đã sinh sống và làm việc từ hơn 15 năm nay. Điều gì đã làm cho đảo quốc thời tiết nóng bức quanh năm, không có tài nguyên thiên nhiên không những trở thành điểm đến của du khách nước ngoài mà là nơi hội tụ của nhân tài trên toàn cầu?

Tôi hỏi Lâm về chiến lược thu hút người tài vào làm việc ở Đà Nẵng, được biết thành phố đã có chính sách cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào làm ở cơ quan nhà nước, công chức phải qua thi tuyển với bằng đại học chính quy.

Nhưng theo thiển ý của tôi, nhân tài của một quốc gia, một thành phố có lẽ không chỉ giới hạn trong bộ máy nhà nước mà còn phải ở khu vực tư nhân, từ cấp lãnh đạo đến quản lý trung gian hay bộ phận thừa hành.

Trong chuyến hành trình thăm quê nhà và tham quan miền Trung này của tôi, Lâm là một trong những nhân tài của Đà Nẵng vì anh là linh hồn của đoàn du lịch với những thông tin, giải thích, chia sẻ làm cho tôi gần gũi với Đà Nẵng và những thành phố của miền Trung.

Tôi không rõ những hướng dẫn viên du lịch quê Quảng Nam hay các tỉnh thành khác có được Đà Nẵng xem là nhân tài của mình hay không. Nhưng có lẽ những câu chuyện như ưu tiên đổi nón bảo hiểm cho người dân có hộ khẩu tại Đà Nẵng hay chính sách hạn chế dân nhập cư làm cho tôi cảm nhận nhiều hơn thách thức về con người và nguồn nhân lực để có thể vươn mình sánh vai với Singapore hay các thành phố văn minh hiện đại ở Đông Nam Á.

Tôi trở lại TPHCM trên chuyến bay của hãng VietJet từ sân bay Đà Nẵng trong một ngày làm việc cuối cùng của năm 2012 để hôm sau quay lại Singapore. Sân bay Đà Nẵng sạch sẽ và hiện đại với nhiều tiện ích phục vụ hành khách như internet wifi miễn phí, thậm chí có cả ổ cắm để sạc pin cho điện thoại di động.

Tôi và bà xã muốn mua một vài món quà lưu niệm nhưng giá cả “trên trời” và cung cách thái độ phục vụ uể oải, thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ bán hàng tại sân bay Đà Nẵng không làm túi tiền của tôi nhẹ bớt khi lên máy bay.

Có lẽ tôi là người nhạy cảm và đa đoan quá chăng, nhưng chia tay với Đà Nẵng và trở lại Singapore làm việc trong những ngày đầu năm 2013, lòng tôi trĩu nặng những âu lo về thách thức phát triển của một thành phố xinh đẹp và thơ mộng. Có lẽ lời giải duy nhất cho thách thức đó là những cải cách căn cơ về thể chế và cách sử dụng con người, không chỉ riêng ở Đà Nẵng mà trên khắp miền đất nước.

Singapore, tháng 12-2012

Các tin khác