Ca sĩ kẹo kéo

Không có nghiề nghiệp, rời quê Cần Đước (Long An), Thanh cùng Nhân nhập cư TPHCM sống lây lất bằng nghề bán kẹo kéo quanh các quán nhậu. Quần quật thâu đêm, hát khản cổ chỉ kiếm đủ tiền chi cho chầu nhậu cóc ổi.

Không có nghiề nghiệp, rời quê Cần Đước (Long An), Thanh cùng Nhân nhập cư TPHCM sống lây lất bằng nghề bán kẹo kéo quanh các quán nhậu. Quần quật thâu đêm, hát khản cổ chỉ kiếm đủ tiền chi cho chầu nhậu cóc ổi.

Sân khấu đường phố

Gần đây TPHCM thực hiện tiết kiệm điện nên hệ thống chiếu sáng nhiều con đường được tắt bớt về đêm. Quán hột vịt lộn bên đường Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình chỉ có chút ánh sáng từ những ngôi nhà kín cổng cao tường hắt xuống, nhưng vẫn đủ lờ mờ soi cho khách ngồi lai rai tâm sự. Về khuya, đường càng vắng, tiếng hát đột ngột cất lên hòa trong tiếng nhạc karaoke phát ra từ hệ thống tăng âm và loa đặt trên yên chiếc xe gắn máy cũ kỹ: “Đường về canh thâu đêm khuya ngõ sâu như không màu…”. Nhân hát những bài nhạc vàng điệu boléro buồn bã như tâm trạng của chính mình lúc này, hoàn toàn khác với đầu hôm, khi Nhân hát những ca khúc sôi động nửa Tây nửa Tàu, ồn ào, nhạt nhẽo. Có thể do ngà ngà hay đồng cảm - có thể do cả hai - nên tiếng hát dù không điêu luyện vẫn làm vài người khách khe khẽ hát theo.

Nuốt ực ngụm rượu đế do một người khách mời, hất mái tóc lòa xòa nhuộm loe hoe vàng - đỏ, Thanh đăm chiêu nhìn sâu vào màn đêm cuối phố, than: “Sống bằng nghề này quá vất vả, không thấy tương lai”. Thanh kể: “Em và Nhân là hàng xóm, học hết phổ thông, nhà nghèo không có điều kiện học tiếp, nên rủ nhau lên TPHCM kiếm sống và tranh thủ học nghề. Thanh niên quê em bây giờ chẳng ai muốn làm nghề nông, đứa nào nhà khá giả thì cố gắng học tiếp để tìm cơ hội đổi đời, còn như bọn em phải đi làm thuê tứ tán”. Hát xong, Nhân cũng ngồi xuống, tâm sự: “Khi biết em quyết định lên Sài Gòn, ba em dặn dò: Làm gì cũng được, miễn sao đừng phạm pháp. Tụi em cũng luôn dặn lòng như vậy. Lên đây chỉ với chiếc xe gắn máy và vài trăm ngàn đồng, sẽ không dễ để sống và trụ lại được. Tình cờ, tối hôm đó tụi em ngồi ăn cơm ở quán gần bến xe miền Tây, thấy có một cặp nam nữ bán kẹo kéo. Sau khi hỏi thăm cặn kẽ về công việc và thu nhập, tụi em quyết định tìm đến gặp người chủ để hỏi nhận dàn máy và kẹo kéo đi bán, tạm thời lấy đường phố làm sân khấu kiếm sống”.

Là “cây văn nghệ” ở trường thời học phổ thông, Nhân lo phần hát, còn Thanh bán kẹo. Tuy hát theo nhạc karaoke và hát chỉ để bán kẹo, nhưng ai muốn làm “ca sĩ kẹo kéo” cũng phải qua vòng tuyển lựa kỹ càng của người chủ. Ngay sau khi nghe hát, người chủ sẽ phán được hay không, người bị loại vì giọng ca quá tệ vẫn được nhận làm người phụ bán kẹo. Ngoài khả năng ca hát, người muốn được nhận bán kẹo kéo phải có xe máy riêng.

Mong ước gần mà xa

Nhân với dàn âm thanh bán kẹo kéo "tất cả trong một". Ảnh: K.B

Nhân với dàn âm thanh bán kẹo kéo "tất cả trong một". Ảnh: K.B

Tại nhà trọ nơi Thanh và Nhân thuê ởû - trong hẻm sâu gần Trung tâm Triển lãm quận Tân Bình - còn có 6 người khác cùng làm nghề bán kẹo kéo. Ở đây có các phòng trọ giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng. Loan và Nghiêm - người đã giới thiệu Thành và Nhân với chủ -  cũng trọ ở đây. Loan quê ở Bình Phước, Nghiêm ở Khánh Hòa, bán kẹo kéo chung lâu ngày rồi yêu và chung sống với nhau. Loan cho biết do thu nhập thấp, bấp bênh, nên cả nhóm bán kẹo kéo thuê chung nhà trọ để chia sẻ gánh nặng tiền nhà, điện, nước và có thể giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.

Mỗi chiều, khoảng 15 giờ, các cư dân ở khu nhà trọ này lại tất bật lên đường đi bán dạo. Thường đến nửa đêm họ mới trở về. Tuy TPHCM có vô số quán nhậu, nhưng mỗi người bán kẹo kéo phải bán đúng khu vực do chủ quy định để không lấn sang địa bàn của nhóm khác. Thường mỗi chủ kẹo kéo có khoảng chục dàn âm thanh, mỗi dàn giao cho 1 nhóm 2 người. Các chủ kẹo kéo thỏa thuận với người bán thuê cách ăn chia theo sản phẩm với tỷ lệ 10%, nghĩa là chủ hưởng 90% tổng số tiền bán ra. Với giá mỗi cây kẹo 3.000 đồng, bình quân mỗi đêm nhóm Thanh - Nhân bán được 500.000 đồng, nhưng hôm nào  mưa chỉ được 200.000-300.000 đồng. Sau khi nộp lại tiền cho chủ, số tiền 10% được ăn chia không đủ bù chi phí (tiền xăng, ăn uống…). Vì vậy, những người bán kẹo kéo thuê thường phải tìm thêm việc làm ban ngày mới đủ trang trải cuộc sống. Có người làm phục vụ quán cà phê, quán ăn…, cũng có người làm phụ hồ. Cuộc sống quần quật, vất vả khiến người nào cũng xanh xao.

“Sao không bán đậu phộng rang, cóc, xoài…? Dân nhậu đâu ai ăn kẹo kéo?”. Nghiêm cười phân bua: “Việc này em cũng từng thắc mắc với chủ. Ban đầu ông ấy chỉ lắc đầu cười trừ, sau này thân rồi mới giải thích: “Ở quán món nhậu gì chẳng có, ngoài ra còn có nhiều người bán dạo nữa, nên phải bán hàng “độc” như kẹo kéo. Đúng là dân nhậu không ai ăn kẹo kéo, nhưng khách vẫn mua kẹo để… đổi lấy sự yên tĩnh. Chiêu này anh nghĩ mãi mới ra đó!”ù. Với “triết lý” bán hàng như vậy, nên chủ kẹo kéo khuyến khích người bán mở âm thanh hết công suất, nhạc nền không cần tuyển chọn, miễn sao dễ gây chú ý và phải quyết liệt mời khách. Cũng chính cách làm này khiến người đi bán kẹo kéo thuê phải lãnh đủ những ánh mắt khó chịu, lời xua đuổi gay gắt của những vị khách đã chếnh choáng hơi men. Loan cười buồn, tâm sự: “Mới đầu em cảm thấy rất tự ái trước những câu đại loại như: “Sang chỗ khác đi! Bán buôn gì gây ồn ào quá!”. Tủi nhục, nên hồi mới đi làm em nhiều lần định bỏ cuộc, bây giờ quen rồi. Cũng vì cuộc sống thôi mà”.

Thanh và Nhân từng dự tính sẽ dành dụm tiền học nghề để thoát khỏi cảnh bán kẹo kéo thuê không có tương lai này. Cả hai định học sửa chữa điện thoại di động, một nghề khá ăn khách ở nông thôn, do bây giờ ở quê người dùng điện thoại di động nhiều, nhưng chủ yếu là hàng bình dân, dễ hỏng hóc. Với nghề này, cả hai có thể về quê mở tiệm, làm chủ cuộc đời mình. Nhưng thu nhập không đủ ăn, họ không thể nào có đủ 8 triệu đồng để đóng học phí cho khóa 3 tháng dạy nghề sửa chữa điện thoại di động. Ước mơ đành gác lại vô thời hạn, trong khi cuộc kiếm sống vất vả hàng ngày vẫn cuốn họ đi.

Các tin khác