“Bước nhảy hoàn vũ” trong nhịp điệu giải trí

Sau 3 tháng tranh tài sôi nổi giữa các thí sinh và khá xôn xao trong dư luận, cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” 2012 khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về diễn viên kiêm ca sĩ Minh Hằng. Tuy nhiên, phía sau “Bước nhảy hoàn vũ” vẫn còn nhiều suy tư cho đời sống nghệ thuật vốn đang khủng hoảng giá trị thẩm mỹ. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta nói thẳng, nói thật để “Bước nhảy hoàn vũ” thật sự có ích trong dòng chảy rộn ràng nhịp điệu ca múa ngày càng nảy nở trên sóng truyền hình.

Sau 3 tháng tranh tài sôi nổi giữa các thí sinh và khá xôn xao trong dư luận, cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” 2012 khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về diễn viên kiêm ca sĩ Minh Hằng. Tuy nhiên, phía sau “Bước nhảy hoàn vũ” vẫn còn nhiều suy tư cho đời sống nghệ thuật vốn đang khủng hoảng giá trị thẩm mỹ. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta nói thẳng, nói thật để “Bước nhảy hoàn vũ” thật sự có ích trong dòng chảy rộn ràng nhịp điệu ca múa ngày càng nảy nở trên sóng truyền hình.

1. Khuynh hướng hội nhập mở ra cho giới show biz nhiều cơ hội tiếp xúc với 1.001 kiểu thi thố hào hứng do các chuyên gia hàng đầu của nền công nghiệp giải trí phương Tây sản sinh và quảng bá. Thành thật mà nói, các nội dung chương trình nhộn nhịp cỡ “Bước nhảy hoàn vũ” còn lâu nhà truyền hình của chúng ta mới sáng tạo được.

Từ ý tưởng cho đến cấu trúc “Bước nhảy hoàn vũ” được bà con náo nức theo dõi mỗi tuần đều dựa hoàn toàn vào... thiên hạ.

Cụ thể, sau một thời gian thai nghén tại Anh, chương trình “Strictly come dancing” được xuất khẩu sang các nước khác với biến tấu mang tên “Dancing with the stars”. Làm mưa làm gió tại Hoa Kỳ và Australia một mùa giải, “Dancing with the stars” gây sốt cho khá đông khán giả vui tính khắp địa cầu. Công ty Cát Tiên Sa mua bản quyền “Dancing with the stars” về Việt Nam và đặt tên “Bước nhảy hoàn vũ”.

Chương trình “Bước nhảy hoàn vũ” được tổ chức lần đầu vào năm 2010, giúp những người thực hiện thu được khoản lợi nhuận khá lớn. Đến hẹn lại lên, mỗi năm “Bước nhảy hoàn vũ” đều được trực tiếp trên VTV3 làm nức lòng nức người xem từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi.

Lần lượt những người nổi tiếng được mời tham gia. Hoa hậu, xin mời nhảy! Người mẫu, xin mời nhảy! Ca sĩ, xin mời nhảy! Diễn viên, xin mời nhảy! Chân dài như siêu mẫu khả ái Vũ Thu Phương hay nữ hoàng sắc đẹp Vũ Hoàng Điệp nhảy lả lướt kiểu chân dài, còn chân ngắn như ca sĩ Siu Black hay nghệ sĩ hài Minh Béo nhảy hài hước kiểu chân ngắn.

Chân không dài cũng không ngắn như diễn viên điện ảnh Kim Hiền hay diễn viên kịch nói Thanh Thúy nhảy uyển chuyển kiểu chân không dài cũng không ngắn. Tóm lại, đó là một sân chơi đa dạng, thí sinh nào không có sở trường cứ thoải mái dùng sở đoản.

Đừng tưởng Quách Ngọc Ngoan khoe vẻ điển trai mà Huy Khánh không biết khoa nét tuấn tú. Đoan Trang khoe da nâu còn Nguyên Vũ không khoe da trắng. Khi Đại Nghĩa nhảy lạch bạch đến lượt Anh Khoa nhảy lò cò. Cạnh tranh công bằng, trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng, càng vào vòng sau tiền càng nhiều thêm.

2. Sau 3 năm tổ chức, chương trình “Bước nhảy hoàn vũ” vinh danh 3 người đẹp Ngô Thanh Vân, Thu Minh và Minh Hằng là nữ hoàng khiêu vũ. Người chiến thắng dĩ nhiên mừng rỡ, còn người thất bại cũng có nhiều cảm xúc khác nhau.

Á hậu Hoàng My khóc nức nở, diễn viên Vân Trang cười nhẹ nhàng mà héo úa tâm can bao chàng trai hâm mộ, còn ca sĩ Minh Quân biện minh xuôi ngược về những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nghe chừng cũng hợp lý. Như để khích lệ thí sinh, cơ chế giải thưởng “Bước nhảy hoàn vũ” khá rộng rãi, nếu không được giải chính phân thứ hạng nhất, nhì, ba cũng được giải phụ an ủi như ý tưởng dàn dựng tốt nhất, trình diễn ấn tượng nhất, hoặc giải... say mê tự nhiên.

Dù được giải to hay giải nhỏ, qua “Bước nhảy hoàn vũ”, các nghệ sĩ đều có dịp luyện tập vũ điệu phục vụ lâu dài cho nghề nghiệp bản thân. Thậm chí, các ca sĩ nhờ “Bước nhảy hoàn vũ” có thể tự tin chạy show tưng bừng cùng nhóm múa hàng chục người sẵn sàng làm dậy sóng mọi sàn diễn.

Người mẫu, diễn viên Anh Thư tại "Bước nhảy hoàn vũ" 2012. 

Người mẫu, diễn viên Anh Thư tại "Bước nhảy hoàn vũ" 2012. 

Về phía công chúng, ngoài gánh nặng phải chịu trận trước màn ảnh nhỏ để xem vài clip hơi ngây ngô dông dài và xem không ít pha diễn xuất thô vụng và gượng gạo của nghệ sĩ khi mô phỏng vở kịch hay bộ phim nào đó, ít nhiều cũng giúp mọi người có thêm kiến thức về khiêu vũ.

Lâu nay một số người Việt Nam chỉ quen thuộc vài điệu nhảy như tango, rumba, cha cha cha hoặc samba, nay “Bước nhảy hoàn vũ” phác thảo thêm cho khán giả hình dung dăm điệu nhảy xa lạ hơn như pasodoble, jive, viennese waltz hoặc free style.

Tuy khả năng làm phong phú cho đời sống văn hóa chỉ tạm dừng ở mức độ nhất định, nhưng không khí “Bước nhảy hoàn vũ” nhìn chung cũng vui. Nếu ca sĩ Thủy Tiên can đảm quấn con trăn quanh cổ làm công chúng một phen thót tim, hay người mẫu Anh Thư ngồi tót lên bàn giám khảo để phô diễn sự gợi cảm mà người ở cự ly xa không thể nhìn thấy, thì ca sĩ Phương Thanh cũng xả thân nhào lộn để quyết chí giành danh “hiệu nữ hoàng liều mạng”.

Khi tất cả chiêu trò được bày ra để tranh nhau tin nhắn bình chọn qua mạng, khán giả được một lần đánh giá lại trình độ và năng lực của mỗi nghệ sĩ. Lúc đứng gần sự thắng thua nhất cũng chính là lúc con người bộc lộ phẩm chất rõ nhất. Chỉ cần xem “Bước nhảy hoàn vũ” và đọc những thông tin xung quanh chương trình này sẽ thấy các nhân vật nổi tiếng trong giới show biz ganh đua như thế nào, ứng xử như thế nào và khoái tạo dựng scandal như thế nào. 

3. Qua 3 lần tổ chức, sự thành công hay thất bại của “Bước nhảy hoàn vũ” tùy vào phán xét của mỗi người. Tuy nhiên, có 2 hạn chế đáng tiếc mà không thể không nêu ra để cùng suy ngẫm và hành động cho “bước nhảy” đạt đẳng cấp “hoàn vũ”.

Hạn chế thứ nhất, đó là sự đơn điệu của những vũ công chuyên nghiệp sánh vai với các thí sinh. Quay qua quay lại vẫn là những gương mặt cũ, những vũ công đến từ Bungaria. Phải chăng, do ông chủ Công ty Cát Tiên Sa - đơn vị đăng cai chương trình - từng du học ở đất nước Đông Âu ấy nên khách mời chỉ gói gọn trong giới vũ công xứ sở này? Hãy nhớ rằng, bản gốc “Dancing with the stars” thăng hoa chủ yếu ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

Lẽ nào tài chính hùng mạnh như Cát Tiên Sa cộng với uy tín đang nâng lên tầm cao mới như VTV lại không thể mời những vũ công thượng thặng trên thế giới để công chúng nước ta được “khai nhãn” lẫn “khai trí”?

Hạn chế thứ hai, đó là sự lúng túng của ban giám khảo. Cũng giống những chương trình truyền hình thực tế khác được mua bản quyền nước ngoài như "Việt Nam Idol - Thần tượng âm nhạc", "Vietnam Next Top Model - Người mẫu Việt Nam" hoặc "Vietnam's got talent - Tìm kiếm tài năng”, sức hấp dẫn và quyến rũ của “Bước nhảy hoàn vũ” phụ thuộc hoàn toàn vào tính tương tác. Xoay quanh thí sinh tham dự, 2 thành phần tạo quyết định tính tương tác là khán giả và giám khảo.

Có lẽ tạm chấp nhận chất lượng khán giả theo tiêu chí nhiệt tình trên cả tuyệt vời. Còn chất lượng giám khảo còn nhiều bất cập. Ban giám khảo hoặc hội đồng thẩm định, ngoài khả năng chuyên môn phải có trình độ nói trước đám đông. Những nhân vật chăm chỉ lên truyền hình như Lê Hoàng, Quốc Bảo, Việt Tú, Hồ Hoài Anh, Đức Huy... hầu như chỉ dừng ở mức đẩy đưa và vớt vát tình huống.

Ngay cả 2 kiện tướng dance sport Khánh Thi và Chí Anh cũng hiếm khi đưa ra được lời khen hoặc lời chê thuyết phục thí sinh lẫn công chúng. Nghệ sĩ Việt vốn ít diễn đàn, lại ít trau dồi năng lực tư duy độc lập, do vậy khi phải đưa ra đánh giá đều lấn cấn và bông phèng. Đến MC của chương trình còn bị chê lên chê xuống, làm sao thí sinh và giám khảo đủ tự tin trước ánh mắt đang ngày càng khắt khe hơn của công chúng.

Không có gì nghi ngờ để khẳng định, suốt 3 mùa giải qua, “Bước nhảy hoàn vũ” luôn thu hút khán giả. Tuy nhiên, sau khi yếu tố mới mẻ không còn gây lạ mắt nữa, chương trình này sẽ lấy gì để níu giữ người xem. Cách duy nhất là chỉnh sửa những khiếm khuyết đang tồn tại.

Các tin khác