Blogger du lịch quốc tế khám phá Việt Nam

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên một đoàn blogger quốc tế gồm nhà báo, hướng dẫn viên… là những cây bút hoạt động trên mạng xã hội trong lĩnh vực du lịch, được mời đến Việt Nam khám phá các điểm du lịch được chọn làm bối cảnh phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu).
 
Choáng ngợp thiên nhiên Việt

Đoàn khám phá gồm 11 người đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Pháp, Italia, Nhật Bản, Singapore, Indonesia và Đài Loan. Đây đều là những blogger nổi tiếng trên thế giới được Hiệp hội Blogger quốc tế chọn lựa sang Việt Nam để hợp tác, quảng bá du lịch.
Trong những ngày ở Việt Nam, các blogger đã đi thăm Hà Nội và 3 địa danh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình, nơi ghi dấu ấn trong bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island”, họ có nhiều trải nghiệm thú vị về đất nước, văn hóa, con người, phong cảnh, ẩm thực Việt Nam. Tại thủ đô Hà Nội, đoàn blogger đã đi tham quan một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu và thưởng thức các món đặc trưng Hà Nội như cà phê trứng, bánh tôm, nem, cốm, chè sen long nhãn… Các blogger ấn tượng với phong cảnh đẹp, bình yên, cổ kính và tỏ ra thích thú với ẩm thực của Hà Nội.

Là người nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, Wendy Hung, một blogger đến từ Đài Loan, từng tham quan khám phá du lịch tại nhiều nước trên thế giới, nhưng đến Hà Nội lần này vẫn để lại cho anh những ấn tượng đặc biệt về sự yên bình. Wendy chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tới Việt Nam. Nếu chỉ nhìn qua Hà Nội có nhiều nét tương đồng với Thái Lan, song lưu lại nơi này thêm chút nữa, bạn sẽ có những cảm nhận thật đặc biệt về thành phố này. Giao thông tuy đông đúc, nhưng kiến trúc của khu phố cổ thật đẹp, lạ, người dân lại thân thiện. Chỉ riêng những điều ấy thôi đã khiến tôi muốn ở lại đây thật lâu hơn Thái Lan”.
Cũng như các thành viên của đoàn khảo sát du lịch, địa danh để lại cho họ nhiều ấn tượng sâu đậm hơn chính là sự kỳ vĩ của những hang động Quảng Bình. Wendy Hung nói: “Cảnh tượng thật khác biệt, ở Đài Loan chúng tôi không có những hang động khổng lồ với những nhũ đá tuyệt đẹp như thế”.

Cùng chung cảm nhận này, blogger Cross Yuki đến từ Nhật Bản đã chia sẻ những bức hình tuyệt đẹp về vịnh Hạ Long, Ninh Bình và hang động Quảng Bình. Anh viết trên trang Facebook của mình: “Tôi vô cùng háo hức được đi theo dấu vết của Kong và tôi đã đến tận nơi diễn ra cuộc chiến giữa Kong với bạch tuộc khổng lồ… Cảnh quan nơi đây rất đẹp”.
Blogger Bernhars Login, đến từ Đức, đã thốt lên: “Tôi khẳng định rằng mình có thể ở tới 3 tuần hoặc lâu hơn nữa ở Quảng Bình để khám phá hết những hang động ở đây mà không biết chán”. Là người đứng đầu một công ty truyền thông lớn với khoảng 1.500 blogger, Bernhars Login cho biết sau chuyến khảo sát đầy lý thú này, khi trở về nước ông và các cộng sự sẽ lập một kế hoạch để quảng bá, giới thiệu về vùng đất tuyệt đẹp này đến với các thị trường khách du lịch châu Âu và Hoa Kỳ.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)  qua ống kính của blogger Wendy Hung trong chuyến khảo sát du lịch Việt Nam. 

Tận dụng thế mạnh mạng xã hội

Wendy Hung chia sẻ, ở Đài Loan có một đội ngũ quảng bá du lịch qua mạng xã hội rất hùng hậu. Họ được trả lương để chia sẻ những thông tin, hình ảnh, ghi lại những cảm nhận của mình về các điểm đến với mong muốn đưa đến cho thế giới nhiều hơn thông tin về thế mạnh du lịch của Đài Loan.
Vì thế, theo kinh nghiệm cá nhân Wendy Hung để thu được hiệu quả nhất trong quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội như facebook, youtube cần phải xây dựng hướng đi rõ ràng. Cụ thể, phải xác định thị trường du lịch trọng điểm cần hướng tới để xây dựng các sản phẩm phù hợp với sở thích, thói quen của khách, nhưng vẫn phải đảm bảo được các yếu tố độc đáo, khác biệt mà họ cần tìm hiểu, khám phá.
Như Hà Nội, đẹp và yên bình song có quá ít các kênh, clip quảng bá điểm đến được đăng tải trên các phương tiện truyền thông là điều đáng tiếc. Ông Bernhars cũng cho rằng ngành du lịch cần tận dụng hơn sức lan tỏa của Youtube cũng như các trang mạng xã hội khác để chia sẻ được vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam đến nhiều người hơn nữa. Mảnh đất rất màu mỡ để quảng bá, xúc tiến du lịch này lại dường như đang bị người làm du lịch Việt Nam bỏ ngỏ một cách đáng tiếc.

Núi đá Yên Phú tại Quảng Bình, ảnh của blogger Cross Yuki. 
Theo nội dung chiến lược tiếp thị du lịch Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch phê duyệt, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi trên internet, mạng xã hội thay vì chỉ tập trung trên các phương thức truyền thông truyền thống như tham dự hội chợ du lịch quốc tế, quảng bá lưu động. Tuy nhiên, dù đã thực hiện quảng bá thông tin trên Youtube của Tổng cục Du lịch từ tháng 1-2015, nhưng đến nay mới chỉ thu hút được gần 1.700 tài khoản đăng ký theo dõi.

Cuối năm 2016, một web quảng bá du lịch do Tổng cục Du lịch phối hợp với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) được xây dựng bằng tiếng Anh nhằm hướng tới đối tượng khách tại một số thị trường Anh, Bắc Mỹ, Australia. Nội dung trang web do một số blogger, những nhân vật trải nghiệm và chính du khách cảm nhận trực tiếp sau khi đi du lịch Việt Nam đưa lên.
Đây là một trong những nội dung ứng dụng chương trình e-marketing ngành du lịch Việt Nam đang triển khai. Tuy nhiên, sức lan tỏa của trang web mới chỉ bắt đầu và vẫn chưa mạnh mẽ, không nhận được nhiều tương tác từ cộng đồng những người trải nghiệm.

Không chỉ Tổng cục Du lịch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng đã tìm cơ hội từ mạng xã hội thông qua việc quảng bá qua trên Facebook, mở rộng kênh Youtube…
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho biết: “TransViet đã quảng bá qua Facebook thông qua trang Fanpage đến nay có hơn 20.000 lượt người theo dõi. Chúng tôi nhận thấy mạng xã hội là công cụ khá thông minh, cho phép thực hiện việc đo đếm hiệu quả bởi có sự tương tác qua số lượng like và comment. Khi công ty mở một chiến dịch giảm giá, nếu khách hàng quan tâm đến tour sẽ hỏi sâu hơn về lịch trình và giá thành để công ty có thể tư vấn qua tin nhắn hoặc gọi điện. Thông qua thống kê về lượt tương tác giúp, chúng tôi biết được chiến dịch có hiệu quả hay không. Đây là một cách làm tiết kiệm nhưng hiệu quả hơn so với các kênh quảng bá khác”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để khai thác hiệu quả kênh tiếp thị du lịch qua mạng xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thiết lập đội ngũ chuyên trách xây dựng và phát triển các kênh tiếp thị du lịch trên Facebook, Youtube, Instagram, Pinterest, Twitter…
Cùng đó tổ chức các cuộc thi ảnh du lịch, poster du lịch, video du lịch Việt Nam trên mạng xã hội để huy động dữ liệu từ người dùng phục vụ quảng bá du lịch, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Việt Nam trên internet, kéo khách quốc tế lại gần hơn với đất nước, con người Việt Nam.

Các tin khác