Biệt phủ xứ ta

1. Dù công cuộc đổi mới đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho kinh tế - xã hội, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn chưa phải một nước giàu. Do đó, bất kỳ công trình kiến trúc bề thế nào đều mang lại sự thán phục và ngạc nhiên tột độ cho dân chúng. Vài năm gần đây, dư luận nhắc nhiều đến biệt phủ Thành Chương.

1. Dù công cuộc đổi mới đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho kinh tế - xã hội, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn chưa phải một nước giàu. Do đó, bất kỳ công trình kiến trúc bề thế nào đều mang lại sự thán phục và ngạc nhiên tột độ cho dân chúng. Vài năm gần đây, dư luận nhắc nhiều đến biệt phủ Thành Chương.

Tọa lạc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, biệt phủ Thành Chương được vun đắp suốt một thời gian dài, từ khi khởi công đến khi nên hình dáng ai cũng thấy sự lao tâm khổ tứ của chủ nhân. Vốn là một họa sĩ nổi tiếng, liên tục một thập niên cuối thế kỷ 20 và gần một thập niên đầu thế kỷ 21, tác phẩm của Thành Chương được những nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước săn lùng một cách ráo riết.

Với chất liệu sơn dầu hay sơn mài, một bức tranh của Thành Chương đều có giá thị trường khoảng 10.000USD. Có thời điểm Thành Chương vẽ không kịp bán. Tính toán chi ly, họa sĩ Thành Chương mua đất và trực tiếp chỉ huy xây dựng biệt phủ của mình mất khoảng 1/4 thế kỷ.

Hãy nhớ rằng, Thành Chương không tốn tiền thuê thiết kế và kiến trúc sư, có nhiều hạng mục do đích tay ông làm. Vậy mà chính Thành Chương thổ lộ, hiện nay ông vẫn còn nợ ngân hàng một khoản tiền lớn, và phải chấp nhận giải pháp bán vé tham quan biệt phủ để có tiền trang trải. Một biệt phủ như của Thành Chương có tiền chưa hẳn làm được, vì bên cạnh bạc tỷ còn phải có tầm văn hóa.

2. Gần đây dư luận xôn xao về một biệt phủ khác, được xây dựng ở thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Biệt phủ kia không có nét gì độc đáo, nhưng nhìn qua thấy kinh hoàng vì các loại cây lâu năm và các loại đá quý trong khuôn viên rộng hơn 4.000m2.

Chủ nhân của biệt phủ kia cũng không phải doanh nhân nổi tiếng hay nghệ sĩ lừng lẫy gì, chỉ là một công chức. Kỳ lạ nhỉ, thú vị nhỉ? Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhận định về biệt phủ kia là “không bình thường so với quy mô đầu tư, diện tích trong một vùng thuần nông như vậy”.

Hơn nữa, thông tin về biệt phủ kia gây chấn động cho những đại biểu đang dự kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII. Nhiều đại biểu khảng khái cho rằng phải tìm hiểu nguồn gốc của biệt phủ kia một cách minh bạch.

Chỉ riêng việc xây dựng tường rào biệt phủ của ông Bùi Thanh Tùng ước hàng tỷ đồng. 

Chỉ riêng việc xây dựng tường rào biệt phủ của ông Bùi Thanh Tùng ước hàng tỷ đồng. 

Với lòng ngưỡng mộ bất tận, thiên hạ dõi mắt thăm dò chủ nhân biệt phủ mới biết nhân vật này sinh năm 1980, tên là Bùi Thanh Tùng. Nhiều người thắc mắc: ông Bùi Thanh Tùng kinh doanh lĩnh vực gì mà giàu sang thế? Xin thưa, ông Bùi Thanh Tùng đang là Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động tại Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Hải Dương.

Vậy liệu có phải ông Bùi Thanh Tùng sáng chế ra một phát minh nào đó bán cho các công ty đa quốc gia và nhận được thù lao đích đáng không? Xin thưa, ông Bùi Thanh Tùng chỉ là một công chức bình thường, không tham gia bất cứ nghiên cứu kỹ thuật cao nào.

Lại thêm thắc mắc có phải gia tộc ông Bùi Thanh Tùng nhiều đời làm ăn căn cơ, vàng kho bạc đống bây giờ mới bung ra theo đuổi hưởng thụ tiện nghi? Xin thưa, bố của ông Bùi Thanh Tùng là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, một công bộc của dân.

Vậy tiền tỷ của ông Bùi Thanh Tùng ở đâu ra để xây dựng biệt phủ lộng lẫy nơi quê nghèo lộng gió? Theo ông Bùi Thanh Tùng giải thích, tiền xây dựng biệt phủ đều là mồ hôi, công sức bản thân, chứ không hề dựa vào mối quan hệ nào.

Ngay cả ông Bùi Thanh Quyến, bố của ông Bùi Thanh Tùng, cũng đường hoàng khẳng định về những băn khoăn của dư luận trước sản nghiệp kếch xù do con mình đang sở hữu, rằng “tôi nghĩ là với trách nhiệm của phóng viên, báo chí tự tìm hiểu”.

Được lời như cởi tấm lòng, cứ “tự tìm hiểu” xem sao. Này nhé, năm nay ông Bùi Thanh Tùng 32 tuổi, nghĩa là chính thức nhận lương công chức trình độ đại học được tròm trèm 10 năm. Với mức lương cơ bản 2,34 cộng với phụ cấp chức vụ trưởng phòng 0,3 rồi đem nhân với hệ số lương hiện nay 1,05 triệu đồng, mỗi tháng ông Bùi Thanh Tùng nhận được khoảng 3-4 triệu đồng.

Từ đó tính tiếp, mỗi năm kể cả thưởng lễ, thưởng tết ông Bùi Thanh Tùng thu nhập 40 triệu đồng. Để có miếng đất 4.152m2 vừa xây biệt phủ, số tiền ông Bùi Thanh Tùng phải bỏ ra mua đất của các hộ dân khác và kê khai chính thức để đăng ký quyền sử dụng đất cho UBND huyện Ninh Giang khi cấp sổ đỏ vào khoảng 844,22 triệu đồng.

Chỉ riêng tiền đất đã như vậy, để có biệt phủ nhiều cây lâu năm và nhiều đá quý, ông Bùi Thanh Tùng đã phải chi số tiền gấp ba, gấp năm lần. Nghĩa là, ngoài vai trò công chức, ông Bùi Thanh Tùng có một khả năng kiếm tiền đặc biệt nào đó mà người dân bình thường không thể hiểu được.

3. Lâu nay, tất cả cán bộ công chức đều phải kê khai tài sản. Thế nhưng kê khai nhiều ít ra sao, thật khó giám sát. Nếu ông Bùi Thanh Tùng đã cam đoan “đều là tiền mồ hôi công sức, chứ không dựa vào bất kỳ mối quan hệ nào” có lẽ chúng ta cần tư duy một cách tích cực hơn.

Các cơ quan chức năng chỉ cần vào cuộc thanh tra sẽ rõ đầu đuôi. Một khi có bằng chứng cho thấy tài sản của ông Bùi Thanh Tùng đều hợp lý và hợp pháp chúng ta nên có sự tôn vinh thích đáng. Một công chức vừa hoàn thành đầy đủ vai trò của một người phụng sự nhân dân lại vừa phát triển kinh tế cá nhân một cách xuất sắc như vậy, tại sao không được khen thưởng?

Ông Bùi Thanh Tùng còn trẻ như vậy đã thành đạt như thế, nên đưa ra làm biểu tượng cho giới trẻ noi gương học tập và làm theo. Thậm chí có thể phong tặng những danh hiệu cho ông Bùi Thanh Tùng để khuyến khích nỗ lực thanh niên học tập, vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Trong tất cả các loại nghệ thuật, nghệ thuật kiếm tiền đang được nhiều người theo đuổi nhất. Làm lụng gom góp cả đời để có biệt phủ nên thán phục, còn ở tuổi 30 đã có biệt phủ cần không tiếc bút mực để ca ngợi. Câu chuyện giàu sang của Bùi Thanh Tùng gợi ra nhiều suy nghĩ về con đường tài lộc của công chức tỉnh lẻ.

Cách đây vài năm, có một công chức cấp sở ở miền Trung khi ra ứng cử đại biểu Quốc hội đã được cử tri gặng hỏi về nguồn gốc gia sản. Câu hỏi rất đơn giản: Với mức lương của ông, tại sao vẫn có thể cho con đi du học và mua nhà ở TPHCM? Vị công chức trả lời ngắn gọn sau mấy phút đắn đo: “Nhờ tiền vợ tui nuôi heo”.

Kết quả, vị công chức đã không trúng cử đại biểu Quốc hội, vì cử tri thừa thông minh để có đáp số cho bài toán kinh tế ấy: muốn cho con du học và mua nhà ở TPHCM mỗi năm phải xuất chuồng hàng triệu con heo. Nếu vậy, bà vợ của vị công chức kia đích thực là thiên tài nuôi heo và cần được sùng bái hơn vị công chức kia.

Các tin khác