Biến tấu cùng giấy dó

Thuộc thế hệ cuối 7X, nhưng chị đã sở hữu 4 giải thưởng quốc tế, tham gia 7 triển lãm nhóm tiêu biểu và 4 triển lãm riêng của mình. Chị có thể mang tác phẩm của mình tới nhiều quốc gia để triển lãm, nhưng chỉ trung thành với một chất liệu cổ xưa truyền thống của dân tộc duy nhất là giấy dó. Chị là nữ họa sĩ Lê Hiền Minh - chủ nhân triển lãm Dó 10 vừa được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM mới đây.

Thuộc thế hệ cuối 7X, nhưng chị đã sở hữu 4 giải thưởng quốc tế, tham gia 7 triển lãm nhóm tiêu biểu và 4 triển lãm riêng của mình. Chị có thể mang tác phẩm của mình tới nhiều quốc gia để triển lãm, nhưng chỉ trung thành với một chất liệu cổ xưa truyền thống của dân tộc duy nhất là giấy dó. Chị là nữ họa sĩ Lê Hiền Minh - chủ nhân triển lãm Dó 10 vừa được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM mới đây.

Đột phá với giấy dó

Sinh ra tại Hà Nội, có một ký ức tuổi thơ đẹp đẽ ở khu Giảng Võ, rồi vào TPHCM sinh sống, cho đến giờ, chị vẫn giữ được “nguyên bản” là người con gái Hà Nội với giọng nói, dáng đi, cách sống. Ấn tượng ban đầu cho người đối diện với Lê Hiền Minh là một nghệ sĩ thú vị, độc đáo chất chứa trong vóc dáng bé nhỏ một sức sáng tạo nhiều nội lực. Chị là một trong số ít các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đủ sức “du đấu” quốc tế.

Khởi nghiệp, Hiền Minh chọn chuyên khoa Sơn mài tại Đại học Mỹ thuật TPHCM. Học được 3 năm, năm 2002 chị sang Hoa Kỳ theo học khoa Hội họa (Học viện Mỹ thuật Cincinnati, bang Ohio). Chị vẽ sơn ta thành thạo cũng bởi kế thừa kinh nghiệm của mẹ - một họa sĩ rất vững kỹ thuật sơn mài, sơn dầu. Và ít ai ngờ sau này, cô gái Hiền Minh theo học mỹ thuật đương đại, được học và tiếp xúc với chất liệu, kỹ thuật đa phương tiện từ bên ngoài lại lựa chọn giấy dó để gắn bó.

“Chính mẹ tôi gửi giấy dó qua Hoa Kỳ. Tôi vẽ bột màu Việt Nam trên giấy dó, thích và thử nghiệm. Ông ngoại rất bất ngờ về điều đó. Tôi thử nghiệm vẽ bột màu, 4 bức tranh: đường phố, xe cộ, người. Nhiều người đã quen giấy dó chuyên vẽ tranh Đông Hồ, còn tôi lại khám phá ra làm cái khác - biến giấy dó thành vật liệu điêu khắc để làm tượng, sắp đặt” - Hiền Minh tâm sự.

Thật lạ, nhìn như một cuộn giấy mỏng tang dễ tan biến trong nước, thậm chí còn gần như bị lãng quên trong đời sống hiện đại khi có nhiều thứ giấy cao cấp khác tiện ích cho người sử dụng, lại có thể kể cho mọi người nghe nhiều chuyện của đời sống như vậy.

Lê Hiền Minh và tác phẩm 1.000 cuốn sách. 

Lê Hiền Minh và tác phẩm 1.000 cuốn sách.

Hiền Minh, một họa sĩ trẻ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền làm nghệ thuật nhưng đã quyết định chọn một con đường riêng để đi, cố gắng tránh những ảnh hưởng từ những người nổi tiếng trong gia đình. Cô có ông ngoại là nhà văn Kim Lân, bác ruột là tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cậu ruột là họa sĩ Thành Chương. Chọn nghệ thuật thị giác theo đuổi, làm nghề không “dính líu” gì nhiều đến ánh hào quang của các thành viên trong gia đình, dòng họ. Nhưng chị cũng không thể nào tách biệt với gia đình được và chị đã chọn cho mình cách cân bằng và kiên định theo con đường mình đã thiết lập.

Từ ngày 11-10 đến 9-12-2010 Hiền Minh tổ chức triển lãm Cơ thể tại trung tâm Vermont Studio, thành phố Johnson (tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ). Đặc biệt, chị đã gây chú ý mạnh với giới hội họa tác phẩm Những con chim nặn bằng bột mì truyền thống Hàn Quốc kết hợp giấy dó Việt Nam.

“Về thị giác, đây là một cuộc sắp đặt kỳ lạ, có những lúc đôi tay tê cứng vì phết hồ lên giấy. Những con chim có hình hài từ giấy dó biểu đạt một trạng thái sống rất thường trực của tôi, một trạng thái lờ lững không biết mình thuộc về phương nào” - Hiền Minh chia sẻ. Hiện đại, lại say mê chất liệu dó, Hiền Minh gặt hái nhiều thành công. Chị nhận 4 giải thưởng quốc tế của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và tham gia 7 triển lãm nhóm tiêu biểu tại Cincinnati (5-2004), Stuttgart (Đức, 12-2004), New York (2-2011)… Chị làm tượng Phật, tượng hình hài truyền thống cũng bằng dó (quan văn - võ, hầu, tễu, tiểu đồng). Lê Hiền Minh bộc lộ tài năng sáng tạo và sự kiên trì theo đuổi đam mê khi "biến hóa" giấy dó thành vật thể điêu khắc.

10 năm tâm huyết “dó”

Họa sĩ sinh năm 1979 đã có 4 triển lãm cá nhân và “Dó 10” là triển lãm quy mô nhất, tụ hội 13 tác phẩm trong 10 năm. Điểm đặc biệt của sự kiện là triển lãm tổng hợp 4 tranh, 9 tác phẩm điêu khắc sắp đặt quy mô lớn, với giấy dó là chất liệu xuyên suốt. Không chỉ có tác phẩm hoàn chỉnh do tác giả lưu giữ và đem về từ các bộ sưu tập ở nước ngoài, cho người xem cái nhìn tổng quan về thành quả 10 năm qua, công chúng còn được quan sát trọn vẹn quá trình thực hiện tác phẩm của Lê Hiền Minh qua việc trưng bày khuôn thạch cao, viết tay, bản mộc và hình ảnh liên quan đến đời sống sáng tác của nghệ sĩ.

Sáng tác của chị gồm 4 giai đoạn: 2002 - tranh bột màu trên giấy dó; 2002-2004 tác phẩm sắp đặt với kỹ thuật xé, đốt, ngâm, tẩm, phơi; 2005-2007 điêu khắc và không gian; 2007-2012 biến giấy dó thành vật thể điêu khắc. “Là nghệ sĩ, ai cũng muốn tác phẩm được công nhận, bảo quản, để đời. Chọn giấy dó gắn bó, tôi biết loại giấy này không bền vì nó thấm ẩm cao, do được làm thủ công. Không có sự vật nào sống mãi. Tôi chấp nhận tuân theo vòng đời tự nhiên. Tôi sẽ già, chết; tác phẩm sẽ bục bở, bị phá hủy. Tôi trực tiếp nắn chỉnh, tạo hình vật thể tránh các dụng cụ trung gian (trừ khuôn gỗ) cũng là muốn sự tự nhiên” - họa sĩ Hiền Minh chia sẻ.

Đã lâu không vẽ, nên kế hoạch tiếp theo của chị là làm tượng giấy dó về thời thơ ấu ở khu Giảng Võ, Hà Nội. Một quãng đời đẹp nhất vì được gần gũi bố mẹ, ông bà. “Tôi đã làm loạt tác phẩm nhiều vật thể, sắp tới sẽ sáng tác điêu khắc quy mô lớn, ít vật thể, vẫn là giấy dó, không bao giờ chán. Tôi chỉ vẽ bằng họa phẩm Việt Nam. Tôi không thích khi sử dụng họa phẩm, vật liệu nước ngoài” - chị thổ lộ.

Ước mơ của chị là sẽ mở Quỹ tài trợ dành cho các phụ nữ làm nghệ thuật, "bởi họ vất vả về công việc và tinh thần hơn những ngành nghề khác” - chị nói. Còn với giấy dó thì sao? "Chưa và sẽ không thể chán. Sự hào hứng khi bắt tay vào làm tác phẩm mới vẫn còn nguyên. Thập niên qua tôi làm các điêu khắc nhỏ, số lượng nhiều cho một tác phẩm. Chặng tiếp theo sẽ là ít chi tiết, nhưng tầm vóc tác phẩm lớn. Tôi khát khao làm bộ tác phẩm giấy dó về thời thơ ấu".

Các tin khác