Bí quyết môi trường biển

Thất vọng và bực mình, đó là cảm giác của chúng tôi lúc nhận phòng tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Berjaya thuộc đảo Tioman, Malaysia sau hành trình hơn 4 giờ từ Singapore sang bằng xe buýt và tàu thủy cao tốc. Sàn gỗ cũ mốc meo, vài chỗ mục nát, đồ đạc trang thiết bị chẳng cái nào mới, thậm chí toilet phải xoay vài lần nước mới chảy xuống. Tôi gọi tiếp tân yêu cầu đổi phòng nhưng tình hình chẳng khá hơn. Còn nữa, tôi phải yêu cầu năm lần bảy lượt mới được bố trí thêm cái giường theo hợp đồng đã thỏa thuận với đại lý lữ hành tại Singapore.

Thất vọng và bực mình, đó là cảm giác của chúng tôi lúc nhận phòng tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Berjaya thuộc đảo Tioman, Malaysia sau hành trình hơn 4 giờ từ Singapore sang bằng xe buýt và tàu thủy cao tốc. Sàn gỗ cũ mốc meo, vài chỗ mục nát, đồ đạc trang thiết bị chẳng cái nào mới, thậm chí toilet phải xoay vài lần nước mới chảy xuống. Tôi gọi tiếp tân yêu cầu đổi phòng nhưng tình hình chẳng khá hơn. Còn nữa, tôi phải yêu cầu năm lần bảy lượt mới được bố trí thêm cái giường theo hợp đồng đã thỏa thuận với đại lý lữ hành tại Singapore.

Môi trường thân thiện

Du khách chơi trò lặn biển ngắm nhìn những đàn cá bơi tung tăng. 

Du khách chơi trò lặn biển ngắm nhìn những
đàn cá bơi tung tăng.  

Nhưng dù sao chúng tôi cũng đến Tioman, hòn đảo lớn nhất và đẹp nhất trong các hòn đảo phía Đông thuộc tiểu bang Pahang, Malaysia. Tioman trở thành một trong những địa điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn sau khi được dùng làm khung cảnh trong bộ phim âm nhạc nổi tiếng “South Pacific” năm 1958.

Trong những năm 1970, Tạp chí Time chọn Tioman là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Chúng tôi đăng ký tham quan trên thuyền có đáy thủy tinh ra một đảo nhỏ khác cách khu nghỉ dưỡng Berjaya vài trăm thước. Ánh nắng vàng trong vắt cho phép chiêm ngưỡng màu nước biển xanh sóng sánh. Từ trên thuyền nhìn xuống đáy biển, chúng tôi có thể thấy san hô và những đàn cá biển bơi lội tung tăng.

Thật thích thú khi để vài miếng bánh mì trong lòng bàn tay thì những chú cá Nemo lớn nhỏ, mỗi con một sắc độ đua nhau tụ lại. Anh lái thuyền tên Salleh đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch thực thụ với kiến thức khá sâu rộng và sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của chúng tôi về sinh vật trên biển.

Cách thuyền chúng tôi là một nhóm du khách già trẻ lớn bé đang chơi trò snorkeling (bơi bằng ống thở). Salleh nói du khách không cần biết bơi mới có thể lặn biển, chỉ cần mặc áo phao, đeo ống thở vào. Nhưng nếu bơi giỏi có thể chiêm ngưỡng dưới đáy biển rừng san hô các loại san hô phong phú về thể loại, những chú cá biển đủ màu sắc tung tăng bơi lội thân thiện.

Bao nhiêu cảm giác mệt mỏi và bực mình trên đường từ Singapore sang rồi cũng qua đi khi chúng tôi khám phá tiện ích của khu nghỉ dưỡng với bãi biển thơ mộng, những hàng cọ đẹp tuyệt vời và rừng già nhiệt đới. Màn đêm buông xuống và sóng biển hiền hòa như con người ở đây. Dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng khá đắt nhưng chúng tôi có thể ra hàng quán bên ngoài ăn uống với giá bình dân và niêm yết rõ ràng.

Bia Tiger hay Carlsberg trong khách sạn là 13 ringgit (MYR, tương đương 90.000 đồng) nhưng bên ngoài chỉ có 4MYR. Mọi thứ ở đây đều từ từ, chậm rãi chứ không hối hả như cuộc sống ở Singapore. Chúng tôi bước vào một quán có chủ là người Mã Lai nhưng mọi thứ ẩm thực đều có đầy đủ trừ rượu bia và thịt heo. Quán có vẻ đơn sơ nhưng tôi nhìn lên giấy chứng nhận trên tường cho biết đạt tiêu chuẩn vệ sinh loại A. Cái dòng kênh giữa khu nghỉ dưỡng và quán xá bên ngoài cũng rất sạch sẽ và không có rác rưởi hay ô nhiễm.

Vũ khí du lịch môi trường

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi gọi taxi đi đến công viên biển Tioman. Công viên biển này nằm bên trong khu bảo tồn san hô và khách tham quan có thể tham gia rất nhiều hoạt động, trong đó có chụp hình dưới đại dương và chơi lặn biển. Cạnh bờ biển là trung tâm công viên biển, nơi trưng bày hiện vật và giới thiệu thông tin về biển nói chung và tầm quan trọng của biển trong hoạt động kinh tế Malaysia.

Đến nay, trên toàn lãnh thổ quốc gia Hồi giáo này có 42 công viên biển dưới sự quản lý của Tổng cục Công viên biển thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường Malaysia. Tổng cục là cơ quan soạn thảo chính sách và chiến lược cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển công viên biển.

Malaysia hiện có 6 trung tâm công viên biển Tioman với các hoạt động kiểm soát, cưỡng chế vi phạm, nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phục hồi nhưng họ chú trọng giáo dục cho người dân hiểu tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường với sự hợp tác của các hãng du lịch lữ hành.

Mỗi du khách khi tới Malaysia phải mua vé đóng phí bảo tồn môi trường biển 5MYR. Việc xâm hại thiên nhiên ở các đảo hay vùng biển khác của Malaysia sẽ bị phạt rất nặng. Tại đảo Tioman, ai xâm hại đến san hô, các loài cá, động vật sẽ bị phạt 20.000RM (100 triệu đồng) hoặc bị phạt tù giam 2 năm hay tổng hợp cả 2 hình phạt trên.

Tôi thắc mắc hỏi anh lái xe taxi tại sao vẫn thấy có người đi câu cá, được biết câu cá ăn tại chỗ thì được chứ không được phép mang về. Chính phủ Malaysia còn gọi công viên biển là “khu bảo tồn biển” và xem đây là một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý nguồn tài nguyên biển.

Cùng với sự quan tâm toàn cầu về phát triển bền vững và ý thức môi trường, công viên biển đã bắt đầu trở thành mũi nhọn thu hút du lịch sinh thái và lành mạnh đầy hiệu quả với những tác động có ý nghĩa đáng kể về mặt kinh tế xã hội. Ngoài ra, tại một số tiểu bang Malaysia cũng có cơ chế luật riêng về quản lý và bảo tồn sinh thái hoang dã.

Công viên biển được quản lý theo 3 cấp gồm chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang và các địa phương và quản lý theo Luật Ngư nghiệp Malaysia với sự hình thành một hội đồng tư vấn có đại diện các bộ ngành liên quan. Nhờ có hội đồng này, việc xử lý mâu thuẫn và tranh chấp giữa các cấp thời gian qua đã được giải quyết cùng với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ về thiên nhiên môi trường, các trường đại học và nhất là ý thức gìn giữ môi trường của người dân Malaysia.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường Malaysia, chính phủ quyết tâm chuyển đổi 10% vùng biển của mình thành công viên biển từ nay đến cuối năm 2020 và xem đó là nguồn dự trữ quốc gia an toàn và bền vững thu hút du khách trong và ngoài nước. Số lượng du khách đến Malaysia hàng năm đều tăng, đạt con số 25 triệu lượt trong năm ngoái.

Du khách nước ngoài đến Malaysia đều bị thu hút bởi những bãi biển cát vàng, hệ sinh thái động thực vật đa dạng và nhất là những công viên biển thể hiện sự trân trọng của con người với môi trường thiên nhiên. Malaysia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam nên những chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường ở Malaysia và sáng kiến về công viên biển đáng được chúng ta tham khảo.

Các tin khác