Bay trên trời ngắm pháo hoa

Từ Nam ra Bắc bằng đường hàng không, cứ mỗi chuyến bay thường tạo cho tôi những cảm xúc khó tả: một chút bồn chồn, hồi hộp khi được bay bổng trên những tầng mây,… Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh mẽ nhất là niềm tự hào về những phi hành đoàn toàn người Việt.

Từ Nam ra Bắc bằng đường hàng không, cứ mỗi chuyến bay thường tạo cho tôi những cảm xúc khó tả: một chút bồn chồn, hồi hộp khi được bay bổng trên những tầng mây,… Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh mẽ nhất là niềm tự hào về những phi hành đoàn toàn người Việt.

Ngắm pháo hoa kiểu phi công

Khi mọi người hướng nhìn bầu trời rực rỡ ánh pháo hoa vào dịp Quốc khánh 2-9, phía trên bức tranh đầy cảm xúc đó cũng có những ánh mắt cùng dõi theo. Đó là các phi công, tiếp viên và hành khách đang bay trên trời, chuẩn bị hạ cánh.

 Phi công hàng không dân dụng là nghề nhiều áp lực.

 Phi công hàng không dân dụng là nghề nhiều áp lực.

Chu Ân Lai, cơ trưởng A330 của Đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đã có thâm niên 33 năm trong nghề với khoảng 16.000 giờ bay, cho biết trải qua nhiều thời khắc đón giao thừa trên không dọc theo mảnh đất hình chữ S. Với anh, dù có hàng ngàn giờ bay, nhưng những lần đón giao thừa trên không luôn tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ, khó quên.

Trên những chuyến bay từ Bắc vào Nam hay ngược lại, khi những màn pháo hoa rực rỡ tô điểm cho các thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Buôn Ma Thuột… mọi người trên máy bay biết rằng năm mới đã đến và chúc mừng nhau.

“Vào thời khắc đó, tôi thấy rất phấn chấn và có một mong ước hết sức bình thường: Được hòa mình vào dòng người tấp nập dưới mặt đất, được sum họp với gia đình” - Chu Ân Lai bộc bạch.

Không thể bên gia đình, bạn bè trong những giây phút giao thừa, anh và đồng nghiệp đón năm mới theo cách riêng: vợ anh đã chuẩn bị khá chu đáo, trước chuyến bay, chị làm sẵn những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả... để anh cùng sẻ chia với phi hành đoàn.

Ngoài thành viên phi hành đoàn, hành khách trong các chuyến bay vào những dịp đặc biệt này phần lớn là các doanh nhân, những người luôn bận rộn và di chuyển. Vào dịp Tết, hành lý họ mang theo cũng đặc biệt, đó là một chút hương vị của các miền. Nếu là chuyến bay xuất phát từ miền Nam, họ thường mang theo quà Tết tỏa hơi ấm từ những cánh mai vàng.

Và ngược lại, từ miền Bắc vào là chút khí trời lạnh đọng trong nhánh hoa đào. Chính vì vậy, các phi hành đoàn “toàn Việt” luôn chuẩn bị chu đáo từ khâu kỹ thuật đến phục vụ, để đảm bảo những chuyến bay được an toàn, đúng giờ và cơ trưởng luôn là người đầu tiên chúc mừng năm mới đến với những vị khách đặc biệt này. Nhưng trên tất cả, món quà quý nhất phi công cùng phi hành đoàn dành tặng mọi người chính là cảm giác dễ chịu và an toàn trên chuyến bay.

Sau ánh hào quang

Nói đến nghề phi công hàng không dân dụng, hầu như ai cũng nghĩ đến mức thu nhập “khủng”, thường xuyên được đi đây đi đó. Có người cho rằng lái máy bay bây giờ còn… dễ hơn lái xe hơi trên phố đông. Bởi bầu trời thênh thang, việc lái đã có máy tính trợ giúp từ A-Z. Nhưng ít người biết đằng sau ánh hào quang ấy là chuỗi ngày gian khó học tập, rèn luyện và phải có tính kỷ luật cao.

Nghề phi công đối mặt rất nhiều áp lực vì có những tình huống máy móc không thể làm thay. Áp lực lớn nhất là khi máy bay đi vào những khu vực thời tiết xấu hoặc sương mù, mưa giông tại các sân bay đến và khi cất cánh, hạ cánh. Khác với lái máy bay quân sự, phi công dân dụng luôn gắn sinh mạng mình với hành khách (đó là lý do họ không được trang bị dù cấp cứu), cho nên những chuyến bay an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu.

Đó là nghề mạo hiểm, tuy nhiên cũng không kém phần thú vị. Nghề phi công là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, đòi hỏi người làm nghề phải có một thể lực cường tráng và tinh thần vững chãi, vì nó “tàn phá” sức khỏe dữ dội.

“Khi bay luôn có những tình huống bất ngờ xảy ra, lúc đó rất cần đến khả năng tư duy và kỹ năng xử lý của phi công. Khi ngồi trong buồng lái, bầu trời bao la, không có giới hạn rất dễ gây buồn chán, lơ đễnh có thể dẫn đến thảm họa. Cho nên phi công luôn phải có sự tập trung cao độ. Cái khó của nghề là ở chỗ đó” - cơ trưởng Lai chia sẻ.

Anh cho biết thêm: Từ khi chuẩn bị cất cánh cho tới kết thúc chuyến bay, số lượng công việc phi công phải làm có đến 80 thao tác như kiểm tra thông tin thời tiết, các thông tin về máy bay và chuyến bay..., các thao tác điều khiển máy bay… để có thể chắc chắn là máy bay đang trạng thái an toàn và sẵn sàng cho từng tình huống trong chuyến bay.

Cơ trưởng Nguyễn Thái Trung và một số phi công thuộc Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines cho biết cánh phi công là những người yêu bầu trời. Thật tuyệt khi được bay với cảm giác gần như thoát ra khỏi những ràng buộc của trọng lực - điều không thể xảy ra ở mặt đất.

Tuy nhiên, để được tự do bay lượn, người phi công phải đánh đổi những điều bình dị để lấy một cuộc sống khác thường. Khi mọi người có buổi tối yên bình bên người yêu thương, cánh phi công lại có những đêm 30 Tết trên bầu trời và người thân của họ cũng có sự hy sinh nhất định khi luôn phải lo lắng đến lúc chuyến bay hạ cánh an toàn. Một điều nữa là do liên tục ngồi giữa một núi thiết bị điện tử phát ra đủ thứ bức xạ, ăn uống thất thường, thay đổi môi trường và múi giờ liên tục - người phi công bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Chính sự khắc nghiệt của nghề, nên mỗi năm Vietnam Airlines tuyển hàng ngàn học viên phi công, nhưng rốt cục chỉ trụ được vài người đáp ứng đủ các tiêu chí đào tạo thành phi công.

Và nếu biết được chi phí khoảng 120.000USD để đầu tư cho một học viên với các khóa huấn luyện trong và ngoài nước, mọi người có thể hiểu được sự đào tạo công phu, tốn kém như thế nào. Trong đội ngũ phi công Việt Nam hiện nay, bên cạnh cánh mày râu còn có cả nữ giới.

Một lần trong chuyến bay TPHCM - Phú Quốc khi bước chân xuống sân bay, tôi nghe cô Nguyễn Ly Hương, một trong hai nữ phi công đầu tiên của Việt Nam, tâm sự: “Có người cả năm mới đi đường hàng không một lần và ai cũng biết cảm giác sau chuyến bay “phê” như thế nào. Bạn mệt một, phi hành đoàn mệt đến mười. Cho nên tôi mong hành khách thông cảm nếu việc hạ cánh không êm, hoặc tiếp viên chưa tận tình với khách”.

Trong một dịp tình cờ, tôi là hành khách trên chuyến bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài, cơ trưởng Chu Ân Lai đã cho phép tôi được chụp ảnh trên máy bay. Trong buồng lái, tôi bất ngờ khi biết cơ phó - người giúp việc cho anh - là một phi công Italia. Người Việt giờ đây không còn thuộc “kèo dưới” trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.

Họ đã làm chủ những phương tiện hiện đại nhất! Các chuyến bay đường dài bằng Boeing 777 hiện nay hầu hết đều do phi công Việt Nam đảm nhận. Tất cả đợt học chuyển loại điều hành máy bay tại Hoa Kỳ, Pháp, Australia, phi công Việt Nam đều đạt kết quả xuất sắc mà ngay cả kỹ năng huấn luyện bay người nước ngoài cũng phải nể phục.

Các tin khác