Bất lực giữ rừng thông

(ĐTTCO) - Những cánh rừng thông ở Lâm Đồng, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả khu vực nội thành Đà Lạt, hàng ngày bị chết dần, thay thế vào đó là các công trình xây dựng, những khu vườn trồng rau, cà phê, hoa màu…

Đầu độc thông

Rừng thông tại khoảnh 11, tiểu khu 160B, xã Tà Nung, TP Đà Lạt - lâm phần thuộc Ban quản lý rừng (BQLR) Lâm Viên, từng là một màu xanh chạy dọc tuyến tỉnh lộ 725, nhưng sau khi bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu, giờ chỉ còn là những cây thông xơ xác. Những cây không thể đứng vững đã được cơ quan chức năng cưa hạ, nằm ngổn ngang dọc đường. Trước đó, vào tháng 10-2017, cũng tại địa điểm này, BQLR Lâm Viên phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp xã Tà Nung, tuần tra tại tiểu khu 160B (cách trụ sở UBND xã Tà Nung khoảng 1km) phát hiện 151 cây thông ba lá bị đầu độc. Cây bị đầu độc có đường kính gốc từ 12 - 60cm, cao từ 12 - 16m. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một chai thuốc diệt cỏ loại 450ml (đã sử dụng hết), phần lớn các gốc thông bị khoan từ 3 - 7 lỗ, sau đó bị đổ hóa chất (thuốc diệt cỏ) vào trong. Sau 1 năm, vạt rừng thông gần như bị xóa sổ. 

Rừng thông Đà Lạt bị phá để lấy đất sản xuất. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Rừng thông Đà Lạt bị phá để lấy đất sản xuất. Ảnh: ĐOÀN KIÊN



Phần lớn các vụ phá rừng thông ở Lâm Đồng không nhằm mục đích lấy gỗ mà là phá để lấy đất sản xuất. Điển hình tại lô d, khoảnh 6, tiểu khu 216, lâm phần do BQLR phòng hộ Phi Liêng quản lý (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông), các đối tượng đã lợi dụng trời mưa, dùng cưa máy hạ hàng ngàn cây thông 21 năm tuổi. Ngoài số lượng đã bị đốt phi tang, tại hiện trường vẫn còn hàng chục đống lóng gỗ dài từ 1-4m, chất cao chờ đốt, những cây chưa bị hạ thì cũng bị đầu độc, lá ngả sang màu vàng chờ gãy đổ. Tổng diện tích rừng bị phá trái phép là 39.808m².

Gần đây nhất, lực lượng thuộc UBND xã Gia Lâm và BQLR phòng hộ Nam Ban (huyện Lâm Hà) đã phát hiện rừng thông 25 năm tuổi, thuộc tiểu khu 274 (thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) bị khoan lỗ và có dấu hiệu bị đầu độc hàng loạt trên diện tích 16.800m². Ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, cho biết: “Ban đầu chỉ có vài chục cây lá ngả màu vàng, đến giữa tháng 11-2018 đã có khoảng 30% trong số 674 cây lá bị úa vàng. Thủ phạm của vụ hủy hoại rừng thông hiện vẫn đang được Công an tỉnh Lâm Đồng truy tìm nhưng thông vẫn chết từng ngày”.

Ngay tại TP Đà Lạt, rừng thông cũng bị đầu độc để lấy đất sản xuất hoặc xây dựng công trình. Nhiều nơi, rừng bị san bạt, phân lô ồ ạt như đồi thông phía sau Dinh 1, hoặc hình thành khu dân cư tự phát ngay dưới tán rừng thông ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, gần Dinh 2. 

Khó ngăn chặn?

Những cánh rừng thông liên tục bị bức tử bằng nhiều cách khiến cho dư luận đặt dấu hỏi lớn về khả năng ngăn chặn, xử lý của cơ quan quản lý cũng như những đơn vị liên quan tới công tác bảo vệ rừng. Trực tiếp đưa chúng tôi đi kiểm tra khu vực rừng thông tại tiểu khu 160B, lâm phần thuộc BQLR Lâm Viên quản lý, ông Liêng Hót Quil, cán bộ lâm nghiệp xã Tà Nung (TP Đà Lạt), cho biết cách thức khoan lỗ đổ thuốc độc không phải mới nhưng rất khó phát hiện, do thiết bị phá rừng chỉ là một cái khoan điện cầm tay, một bơm tiêm và lượng thuốc trừ sâu nhất định. Nếu một người cầm khoan điện khoan gốc, người khác đi sau bơm thuốc thì sẽ rất nhanh, nhất là hiện nay các đối tượng tinh vi hơn, dùng khoan giảm âm và bơm xuống sát gốc, nên chỉ cần thời gian ngắn là có thể đầu độc được cả cánh rừng lớn. 

Trong khi đó, với những vụ đầu độc thông, nếu 3 - 4 ngày mới được phát hiện, hầu như không thể cứu chữa, ông Đào Văn Hinh - Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cho biết. Vụ hủy hoại rừng vừa xảy ra trên địa bàn có tới 674 cây bị khoan lỗ đầu độc, ngay sau khi cùng với BQLR Nam Ban phát hiện vụ việc, các đơn vị liên quan đã huy động lực lượng dùng nhớt đổ vào lỗ khoan để cứu cây. Ban đầu chỉ có vài chục cây lá ngả màu vàng, nhưng sau đó khoảng 1 - 2 tháng thì lá thông úa vàng hàng loạt, thuốc đã phá hủy bên trong thân cây. Còn theo Trung tá Nguyễn Thế Nhật, Đội phó Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Lạt, một số vụ án liên quan đến phá rừng thông, các đối tượng thường tranh thủ lúc trời mưa vào chặt hạ, nếu thành công thì lấy đất để bán. Sau khi có mặt bằng đất “sạch”, các đối tượng sẽ bán với giá 200 - 300 triệu đồng/1.000m². 

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, hiện nay chế tài xử lý đối với người phá rừng vẫn còn chưa đủ mạnh, vì theo quy định, nếu khai thác rừng trên 20m³ mới khởi tố. Nắm được kẽ hở này, nhiều người chỉ làm tới 18-19m³ rồi dừng lại, nếu có bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Trong khi đó, việc để xảy ra mất rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị chủ rừng và chính quyền sở tại. Nhưng do hiện nay lực lượng quản lý rừng còn mỏng, bình quân đầu người quản lý hàng trăm hécta, ban lâm nghiệp tại các xã thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác, nên việc kiểm tra, xử lý cũng chưa thực sự hiệu quả. 

“Dù vậy, nếu người dân có công việc ổn định sẽ hạn chế việc vào phá rừng thuê, phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống gần khu vực có rừng sẽ sớm giúp phát hiện những nguy cơ rừng bị hủy hoại”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo ngành chức năng trong tỉnh điều tra, xử lý vụ hàng trăm cây thông bị đầu độc tại tiểu khu 274, lâm phần do BQLR Nam Ban quản lý (tại thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà). UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo khẩn trương xác định đối tượng vi phạm trong vụ hủy hoại rừng quy mô lớn này, đồng thời tổ chức làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-11-2018.

Các tin khác