Bảo tồn lễ hội

(ĐTTCO) - Người dân tham dự lễ hội bảo trong nghi lễ thực hành có màn cướp lộc, chứ phát lộc không không lấy. Bởi cướp là sự nỗ lực của cá nhân để có được lộc, không thể tự nhiên lộc thánh có thể đến được. Vậy xử lý việc đó như thế nào? Đó chính là 2 mặt giữa việc bảo tồn và phát huy lễ hội khiến những các nhà quản lý văn hóa băn khoăn.

(ĐTTCO) - Người dân tham dự lễ hội bảo trong nghi lễ thực hành có màn cướp lộc, chứ phát lộc không không lấy. Bởi cướp là sự nỗ lực của cá nhân để có được lộc, không thể tự nhiên lộc thánh có thể đến được. Vậy xử lý việc đó như thế nào? Đó chính là 2 mặt giữa việc bảo tồn và phát huy lễ hội khiến những các nhà quản lý văn hóa băn khoăn.

Thanh tra lễ hội tranh thủ đi lễ

Lễ hội là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tri ân công đức tiền nhân, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một đất nước của lễ hội và lễ hội góp phần làm nên giá trị văn hóa Việt Nam. Là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo của người Việt, lễ hội dân gian phản ánh tâm thức, nỗi niềm của cư dân nông nghiệp “mong cho mưa thuận, gió hòa”. Mặt khác, lễ hội là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư, cũng là hình thức giáo dục để các thế hệ sau giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Lễ hội thường gắn với những di tích, truyền kỳ, những bậc tiên liệt bất tử trong tâm thức nhân gian, do vậy chứa đựng những trầm tích văn hóa của mỗi vùng đất và phản ánh tâm thức của mỗi cộng đồng dân cư. Tâm thức ấy tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người và lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nước Việt. Thế nhưng, nền tảng văn hóa, tinh thần nhân văn của lễ hội đã và đang bị phá vỡ bởi những hành vi phản văn hóa.

Là một trong những địa phương có nhiều lễ hội lớn và nhiều lễ hội được coi là điểm nóng trong mùa xuân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động chia sẻ những người văn hóa bao giờ cũng muốn bảo tồn giá trị truyền thống. Quan điểm của chúng ta là giao lễ hội cho chủ thể tức là giao về cho người dân địa phương. Riêng đối với lễ hội Gióng- Sóc Sơn, nếu Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) quyết định chủ trương không cho cướp chỉ phát lộc, ban tổ chức sẽ kiên quyết thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Động cần phải phân cấp trách nhiệm rõ ràng không để tình trạng năm nào lễ hội cũng diễn ra, năm nào cũng chấn chỉnh thanh tra kiểm tra nhưng vẫn còn tồn tại. “Công tác thanh tra kiểm tra năm nào cũng diễn ra, có quá nhiều đoàn thanh tra, nhưng cơ bản xuống khen nhau. Thậm chí có nhiều đoàn kiểm tra tranh thủ đi lễ…” - ông Động nói.

Chia sẻ những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh quản lý lễ hội không thể dùng mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. Có nhiều nghi lễ, nghi thức trong lễ hội ngày xưa, nhưng đến nay lại có góc nhìn mới, và không còn quy mô trong làng, xã nữa mà đã phát triển lên cấp vùng, quốc gia. Vì thế  bỏ cái gì, giữ cái gì cần phải nghiên cứu kỹ và có tham khảo ý kiến cộng đồng. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức để chủ thể tự nhìn nhận và thay đổi, thí dụ như lễ hội cầu trâu ở Hương Nha (Phú Thọ) hay lễ hội chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh).

Sẽ siết chặt công tác quản lý với lễ hội có lượng người tham gia đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Sẽ siết chặt công tác quản lý với lễ hội
có lượng người tham gia đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Loay hoay cấm-để

Nếu các lễ hội truyền thống gặp khó khăn trong mối mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, ngược lại các lễ hội mới lại đối mặt với nguy cơ về thương mại hóa. Là địa phương duy nhất bị xử phạt vì việc tổ chức lễ hội chọi trâu trong những ngày đầu xuân vừa qua, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tuyên Quang phản ứng khá gay gắt: “Lễ hội cứ thuần khiết như ngày xưa sẽ khó bảo tồn và phát triển. Thương mại hóa lễ hội là điều kiện cần để phát triển. Chúng ta bỏ đi, cấm kỵ nó quá cũng không được. Thí dụ như việc chọi trâu tại lễ hội, nếu cấm cần cấm toàn quốc không thể để chỗ này cho tổ chức chọi, chỗ kia cấm, chỗ được đánh giá là di sản, chỗ lại cho là bạo lực… Bên cạnh đó, trong lễ hội chọi trâu việc bán thịt là bình thường. Tâm lý người tham gia lễ hội muốn mua để được chút lộc may mắn đầu năm, và có nhu cầu cao nên thịt trâu chọi bán rất được giá. Chúng ta phải tính đến thị trường, con trâu giờ đây không phải là đầu cơ nghiệp mà là hàng hóa. Du khách thích ăn miếng thịt trâu chọi mà ngon, non tơ có thể bỏ ra cả triệu đồng là đúng. Chúng ta phải tính đến tất cả chi tiết cụ thể để điều chỉnh hợp lý phù hợp với cơ chế thị trường”.

GS.TS Lê Hồng Lý, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng dù Việt Nam đang hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ, nhưng không phải quốc tế bảo gì mình cũng phải nghe. Phải có sự nghiên cứu, bởi tại chúng ta làm biến tướng chứ lễ hội bao đời nay không xấu, du lịch nếu biết khai thác sẽ rất tốt. Một người bạn nước ngoài sau khi đi lễ hội Đền Hùng có nói rằng mơ ước đất nước bạn có được lễ hội như vậy. Bởi chỉ cần một người tham gia lễ hội mua một lon nước ngọt đã tạo được doanh thu rồi. Chúng ta nằm trên một đống tiền mà vẫn không có tiền. Cũng liên quan tới lễ chọi trâu, GS. Lý ủng hộ việc tổ chức nếu nó phát triển đúng quy định, không phản cảm, lại có thể thu được kinh tế.

Bày tỏ về việc này Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, chúng ta tổ chức các lễ hội lớn gần đây cũng với mục đích thu hút khách du lịch và kích cầu tiêu dùng, thu được tiền từ hoạt động đó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa lợi dụng tổ chức lễ hội biến tướng, lợi dụng để mục đích thu tiền, mưu lợi cá nhân. Lễ hội có thể thay đổi hình thức, nhưng không thể thay đổi bản chất, không thể đánh tráo khái niệm. Thí dụ lễ hội chọi trâu ở Tuyên Quang, địa phương chưa xin phép nên phải cấm, hay việc phát ấn ở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Quảng Ninh đã đánh tráo khái niệm về lễ hội. Bên cạnh đó, đền thờ Quang Trung tại Nghệ An cũng phát ấn, không thể sáng tạo lễ hội mới, bởi nếu như vậy sẽ diễn ra tình trạng tràn lan lễ hội, tràn lan phát ấn.

Trước ranh giới an toàn và không an toàn, đặc biệt với lễ hội có hàng vạn người tham gia, tâm lý đám đông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì thế cần phải ngăn chặn, kiểm soát số lượng. “Một số lễ hội không an toàn, mặc dù không để xảy ra chuyện gì thiếu may mắn. Nhưng chúng ta không nên mạo hiểm như vậy”- Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước, Trung ương, địa phương đối với việc quản lý các lễ hội, đề ra trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ban, ngành để kiểm điểm, khen thưởng. Thời gian tới, cần có nghiên cứu để hài hòa các hình thức lễ hội, phù hợp với văn hóa, môi trường hiện đại mà vẫn giữ được giá trị truyền thống. Bên cạnh việc rút kinh nghiệm đối với công tác tổ chức, quản lý, cần phải kiểm điểm, phạt, thậm chí những lễ hội để xảy ra sai phạm nghiêm trọng có thể sẽ đình chỉ việc tổ chức trong những năm tiếp theo…

Các tin khác