DÒNG PHIM CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Bao giờ cho đến ngày xưa?

(ĐTTCO)-Với điện ảnh miền Nam, cột mốc 30-4-1975 đã mở ra vận hội mới, đã tập hợp những người làm phim của kháng chiến cùng với nghệ sĩ điện ảnh tại Sài Gòn. 

 
Một cảnh trong phim Cánh đồng hoang.
Một cảnh trong phim Cánh đồng hoang.

Ngay trong những ngày đầu thống nhất nước nhà, Xưởng phim Giải phóng (sau đổi tên thành Xí nghiệp phim Tổng hợp và nay là Hãng phim Giải phóng) cùng Xưởng phim Thành phố (nay là Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) đã tập hợp những người làm phim của kháng chiến cùng với nghệ sĩ điện ảnh tại Sài Gòn, tạo ra một lực lượng làm phim khá đông đảo. 

1. Đó là thời kỳ các hãng phim tại TPHCM đi đầu cả nước trong sản xuất các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Về nơi gió cát, Ván bài lật ngửa, Tuổi thơ dữ dội, Người con gái đất đỏ, Bông lục bình, Cầu Rạch Chiếc... Những năm tháng ấy, hình ảnh khán giả rồng rắn xếp hàng để chờ đến lượt thưởng thức những tác phẩm điện ảnh đó, đã nói lên sự hấp dẫn đặc biệt của dòng phim chiến tranh cách mạng.

Đó là dòng phim có những thủ pháp đa dạng, vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa đượm chất thơ trữ tình, vừa mang màu sắc sử thi, ngôn ngữ điện ảnh sắc bén, chặt chẽ trong cấu trúc, tình huống, tính cách nhân vật, phân biệt rõ thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, có tính triết lý sâu sắc và hiệu quả nghệ thuật cao, định hướng thẩm mỹ rõ nét, làm rất tốt chức năng giáo dục lòng yêu nước, yêu cách mạng. 

Hình tượng ông già Tám Quyện kiên gan cùng cách mạng, bất chấp bị giặc chôn sống trong phim Mùa gió chướng; hình ảnh lãng mạn tột cùng của hai vợ chồng du kích Ba Đô tìm nhau giữa mênh mông đồng nước Tháp Mười trong phim Cánh đồng hoang; hình tượng Duyên, người phụ nữ gánh trên vai hai mối duyên tình ngang trái, sau chiến tranh đứng thất thần trên bãi cát dài giữa buổi chiều hôm trong phim

Về nơi gió cát; hay hình ảnh gã sĩ quan cao cấp ngụy trong căn hầm trú ẩn cuối cùng, ngây mặt thất thần với ống tẩu trong tay, đờ đẫn chứng kiến chế độ vong nô sụp đổ từng mảng trong phim Cầu Rạch Chiếc… có lẽ là những cảnh phim tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất của điện ảnh cách mạng thời kỳ này.

Thậm chí, trong số tác phẩm điện ảnh về chiến tranh đó đã có những kiệt tác, trở thành kinh điển, đạt được nhiều thành tích cao trong nước lẫn quốc tế: Phim Cánh đồng hoang đã nhận được giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1980 và Huy chương vàng Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva năm 1981. Phim Về nơi gió cát nhận giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1983 cùng nhiều giải cá nhân quan trọng. Phim Ván bài lật ngửa với 8 tập phim nhận giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1985 và là bộ phim truyện nhận được lượng khán giả xem đông đảo nhất thời bấy giờ.

2. Có thể nói, hiện thực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là nguồn chất liệu đầy hấp dẫn cho sáng tác điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng sau ngày thống nhất nước nhà.

Khán giả ngày ấy đều là những con người thuộc về các thế hệ từng trải qua chiến tranh dù ở tiền tuyến hay hậu phương, ngoài vùng giải phóng hay trong vùng tạm chiếm, đều ít nhiều cảm nhận, thấu hiểu và yêu mến những thông điệp yêu nước và nhân văn dòng phim ấy mang lại. Nhưng những bộ phim ấy, nay chỉ còn là ký ức của một thời. Và giờ đây, dòng phim nghệ thuật với đề tài chiến tranh cách mạng đến với khán giả khó khăn hơn nhiều.

Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã trải qua nhiều biến động, cả trong lĩnh vực sản xuất phim, lẫn trong lĩnh vực sáng tác. Dù luồng gió đổi mới tạo ra sự cởi mở, tự do chung của xã hội, nhưng dòng mạch điện ảnh chính yếu về đề tài chiến tranh yêu nước lại yếu đi thấy rõ theo thời gian. Không chỉ là số lượng giảm, chất lượng nghệ thuật ngày càng đầy sạn sỏi.

Dù Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho mảng phim chính thống về đề tài chiến tranh cách mạng, yêu nước, nhân văn và gắn bó với dân tộc, nhưng hiệu quả thu về không đáng kể. Hình như những thước phim đó đã không còn sức lay động khán giả xã hội đương đại. 

Nguyên nhân thì nhiều. Nhiều người cho rằng hầu hết phim về đề tài chiến tranh được sản xuất trong thời gian gần đây, khó khăn trong phát hành bởi đa số khán giả hiện nay là thế hệ sinh ra sau chiến tranh không có ý niệm trực tiếp về cuộc chiến trước đó. Song yếu tố nội sinh chính là ở lực lượng làm phim. Già thì lực cùng sức kiệt, ý tứ cùn mòn, trẻ thì thiếu trải nghiệm và thiếu cả quyết tâm tìm tòi sáng tạo.

Ngôn ngữ điện ảnh yếu và phim như một tập hợp hình ảnh minh họa lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa. Khán giả gần như không thể chịu được những cái "giả" hiển hiện lồ lộ trong phim, từ tình huống, diễn xuất cho tới dàn dựng, thiết kế. Chiến sĩ quân giải phóng múa súng như rambo. Nữ thanh niên xung phong giữa chiến trường ác liệt cô nào cô nấy xinh xắn trắng trẻo, yểu điệu thục nữ còn hơn cả diễn viên văn công...

Thực trạng chất lượng phim bị xem nhẹ còn đến từ chỗ cả người làm phim cho đến người duyệt luôn mang nặng tâm thế: làm phim để "cúng cụ", để đáp ứng ngày kỷ niệm nào đó, chứ không xuất phát từ khao khát tìm kiếm những sáng tạo nghệ thuật chất lượng. 

Một cảnh về tình yêu đồng tính trong Sài Gòn anh yêu em - phim nhận giải Cánh diều vàng 2016 ở hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc. 
 

3. Sau những hào quang của thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, cảm thức sáng tác ở dòng phim chiến tranh hiện nay đang sa vào lối mòn trong cách thể hiện mảng hiện thực chiến tranh, những mô típ cũ kỹ, những hình tượng mờ nhạt, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, xem đầu đã đoán được cuối. Sâu xa hơn, chính là sự yếu kém trong việc giáo dục nền tảng văn hóa và lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc.

Cho nên, phần lớn người xem không quan tâm nhiều tính nhận thức và giáo dục mà chỉ để ý đến tính giải trí của phim. Điều này lý giải tại sao phần lớn rạp hiện nay ngại ngần miễn cưỡng chiếu những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng và truyền thống. Các rạp đa số là của tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài nên doanh thu là điều họ quan tâm đầu tiên. Phim chiếu không hút khán giả, thất thu là chuyện cầm bằng. 

Giải Cánh Diều vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy toàn cảnh thực trạng điện ảnh hiện nay. Toàn bộ 19 bộ phim truyện tham gia tranh giải Phim truyện điện ảnh đều là phim xã hội hóa với các đề tài hài, kinh dị, võ thuật, tình dục...không hề có bộ phim nào mang đề tài chiến tranh cách mạng. Sự vắng bóng đó có thể do chính sách tài trợ, đặt hàng sản xuất phim từ nguồn chi trợ giá của ngân sách nhà nước hiện chưa hoàn chỉnh, nhưng điều cốt yếu phải chăng là tâm thế làm phim và xem phim chiến tranh cách mạng đã chông chênh, khao khát tìm kiếm tính triết lý, thẩm mỹ và nhân văn trong dòng phim này đã nhạt nhòa?

Có nhà lý luận phê bình điện ảnh nói rằng ngày xưa, trong hoàn cảnh khó khăn, thế hệ đi trước đã làm ra những bộ phim chiến tranh xúc động lòng người. Giờ công nghệ điện ảnh đã hiện đại hơn, lẽ nào ngành điện ảnh lại không thể làm được những gì thế hệ nghệ sĩ trước đã làm được? Nhưng những gì trình chiếu trong thời gian gần đây cho thấy thế hệ hiện nay không làm được điều mong mỏi đó. Vậy thì, xin hỏi tiếp, dòng phim chiến tranh cách mạng, bao giờ cho đến ngày xưa?

Các tin khác