Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bài 2: Hạ tầng phát triển, nhân lực thiếu hụt

(ĐTTCO) - Hàng loạt các cơ sở lưu trú cao cấp được xây dựng đã đem đến cho du lịch một diện mạo mới mang tính cạnh tranh cao. Cũng vì thế mà nhu cầu về nhân lực ngành du lịch trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Bài toán cung cầu về nhân lực và hạ tầng là một trong những nút thắt mà ngành công nghiệp không khói cần phải cởi bỏ để phát triển.

(ĐTTCO) - Hàng loạt các cơ sở lưu trú cao cấp được xây dựng đã đem đến cho du lịch một diện mạo mới mang tính cạnh tranh cao. Cũng vì thế mà nhu cầu về nhân lực ngành du lịch trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Bài toán cung cầu về nhân lực và hạ tầng là một trong những nút thắt mà ngành công nghiệp không khói cần phải cởi bỏ để phát triển.

Bất động sản du lịch nở rộ

Cơ sở vật chất ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Đến nay nước ta đã có hơn 20.100 cơ sở lưu trú với trên 420.000 phòng, tăng hơn 1,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2015. Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư chiến lược như SunGroup, VinGroup, Mường Thanh, FLC, Vina Capital… Các địa phương cũng đã nỗ lực gắn kết, hợp tác phát triển, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch được thế giới bình chọn, vinh danh là khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhiều lần khẳng định, một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của du lịch chính là hệ thống cơ sở vật chất du lịch cao cấp phát triển mạnh, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày.

Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long, hệ thống khách sạn Mường Thanh có mặt 30 tỉnh/thành phố trên cả nước. Sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4 - 5 sao)…

Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons..., góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch Việt Nam. Việc đầu tư cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao đã đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho ngành du lịch và phù hợp với định hướng phát triển theo chiều sâu mà ngành đã đặt ra. Theo đó, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng có chất lượng tốt.

Vướng rào cản nhân lực

Số lượng doanh nghiệp du lịch đang gia tăng, hiện có hàng trăm khách sạn đang chờ mở cửa và đang cần người làm việc nhưng lại thiếu người làm nghề. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng nhân lực của ngành song thực tế vẫn chưa tạo được chuyển biến lớn.

Du khách tìm hiểu, đặt tour tại Ngày hội du lịch 2017.
Du khách tìm hiểu, đặt tour tại Ngày hội du lịch 2017.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, riêng về lực lượng hướng dẫn viên (HDV) đã có sự thiếu hụt không chỉ số lượng mà còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu. Cụ thể, trong số 9.920 HDV quốc tế thì HDV nói tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Hoa có 1.586 người, tiếng Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Nhật có 512 người...

Không chỉ thế, phần lớn nguồn nhân lực du lịch chỉ qua các khóa học “cấp tốc” hoặc ngắn hạn nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang. “Vì thế có thể nói nhân lực ngành du lịch không chỉ thiếu mà còn rất yếu”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.

Tình trạng phổ biến là các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề, nhưng sau khi tuyển dụng HS-SV vừa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo thì các doanh nghiệp du lịch lại phải tiếp tục “đào tạo lại”, bổ túc, bồi dưỡng.... thì mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc đào tạo nghệ nhân, giám đốc cùng những chức danh quản lý cao cấp khác... không hề được chú trọng, thậm chí chưa có cơ sở đào tạo nào làm việc này.

Không chỉ thiếu hụt nhân tài du lịch mà thực tế nhiều công ty du lịch trong nước cũng buộc phải bỏ ngỏ một số thị trường hấp dẫn như Đức, Nhật, Hàn Quốc… thiếu hướng dẫn viên. Các công ty du lịch không chỉ mất tour, mất khách mà với tính chất tự do, thiếu chuyên nghiệp của HDV “chui” cũng là một nguyên nhân khiến hình ảnh du lịch trong nước trở nên xấu xí.

Các tin khác