Cõi thiêng Yên Tử

Bài 1: Khu di tích nhà Trần

(ĐTTCO) - 2018 đúng dịp kỷ niệm 760 năm ngày sinh, 710 năm ngày mất của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông ( 1258-1308), chúng tôi thực hiện cuộc điền dã về những vùng đất mang đậm dấu ấn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trung tâm của khu di tích lịch sử nhà Trần. 
Nằm trên vùng đất cổ Đông Triều và Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh, nơi đây chứa đựng những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, lẫn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Cội nguồn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với người khai phá ra là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh của vương triều Trần, một triều đại có những dấu tích khởi thủy từ vùng đất cổ Đông Triều. Và sau này Đông Triều cũng là mảnh đất in đậm dấu chân truyền đạo của Đức Phật Hoàng.
 Tên Đông Triều theo các tài liệu cổ có nghĩa là “Đình triều phía Đông”. Vùng đất này xưa kia có tên Yên Sinh và An Sinh, là quê gốc của nhà Trần trước khi rời về Long Hưng (Thái Bình) và Thiên Trường (Nam Định). Khu di tích lịch sử nhà Trần ( Đông Triều, Quảng Ninh) rộng 2.206ha với 14 cụm di tích lớn nhỏ, nằm trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962, và nâng lên là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. 
Sáng mùa thu, trời trong xanh cao rộng, với những áng mây trắng lãng đãng thoáng qua trên đầu. Mọi người uống nước nghỉ ngơi rồi bắt đầu rẽ vào con đường mới được đặt tên Trần Nhân Tông. Cung đường nhựa thẳng tắp băng qua những cánh đồng lúa đưa chúng tôi tới đền An Sinh.
Đền An Sinh nằm giữa vùng cây lá xanh tốt. Trước khu chính điện là bãi sân rộng, xung quanh có rừng trúc và khu trưng bày các di vật khảo cổ tìm được gắn với triều đại nhà Trần. Đền An Sinh nằm ngay giữa trung tâm của khu di tích lịch sử nhà Trần, được xây dựng trên một khu có diện tích hơn 1.000m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường, một tòa trung điện và 5 gian 2 chái hậu cung, với kết cấu hai tầng tám mái, các bộ vì kèo dạng chồng rường, giá chiêng.
Đền là nơi thờ Trần Hưng Đạo, Công đồng, Sơn thần, Thổ địa và 8 vị vua Trần (gồm Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Nghệ Tông và Giản Định Đế). Tại đây du khách tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử triều đại phong kiến nhà Trần, các câu chuyện về những vị vua, quan và lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. 
Bài 1: Khu di tích nhà Trần ảnh 1 Đền An Sinh nằm giữa khu di tích nhà Trần. 
Từ đền An Sinh khi ánh nắng đã chói chang, mọi người cùng rủ nhau ra hồ Trại Lốc ở gần đó để thưởng ngoạn cảnh sắc. Hồ Trại Lốc mênh mông nằm dưới chân núi Bảo Đài không chỉ là nơi cung cấp nước tưới cho những cánh đồng hoa màu, mà còn trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng thú vị.
Bên hồ dưới gốc cây, chúng tôi thấy mấy chàng trai đang lặng lẽ buông câu giữa trời nước hoang sơ, tươi đẹp. Tâm sự với một cần thủ người bản địa, tôi được biết trên hồ Trại Lốc trước đây từng có dấu tích của khu lăng mộ cổ của hai vị vua Trần Minh Tông và Trần Anh Tông. Ngày nay không còn dấu tích của khu lăng mộ này, thay vào đó, ở gò đất nhô cao giữa hồ người ra cho dựng lên khu điện thờ, chòi ngắm cảnh. Du khách có nhu cầu sẽ được người dân ở thôn Trại Lốc chở thuyền vào gò đất để làm lễ và ngắm cảnh.
Qua câu chuyện lăng mộ, chúng tôi rất tò mò nên quyết định đi tìm Ngải Sơn Lăng bởi lời chỉ dẫn của chàng cần thủ thì đó là nơi yên nghỉ của vua Trần Hiến Tông và hiện nay còn nguyên vẹn nhất tại vùng đất này. Lăng có nhà mái che, bên trong là khu mộ xây phần bằng đá, cùng hương án, bia ghi tiểu sử Trần Hiến Tông… Xung quanh Ngải Sơn Lăng quanh năm xanh mát với rừng cây, ao nước. Đặc biệt du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng vườn tượng làm theo hình thức mô phỏng lại những công trình, nét kiến trúc tiêu biểu nhất của nhà Trần. 
Bài 1: Khu di tích nhà Trần ảnh 2 Những di vật khảo cổ bằng đá thời nhà Trần được trưng bày trong khuôn viên đền An Sinh. 
Đi sâu vào những cánh rừng thuộc xã An Sinh, Đông Triều những dấu tích của một triều đại càng hiện hữu. Lần đầu tiên mấy người chúng tôi được nhìn thấy các lư đá, đỉnh đá, hương án cổ và các khu vực khai quật di vật cổ nằm ngay trong vườn vải, vườn chuối nhà dân. Hiện các cơ quan chức năng đang quy hoạch để khu vực này trở thành điểm tham quan khảo cổ hấp dẫn trong tương lai.
Rời khỏi xã An Sinh, chúng tôi quay trở lại Quốc lộ 18, leo dốc lên con đường bê tông um tùm cây lá để tìm đến núi Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy, xã Thủy An. Núi Ngọc Thanh chỉ cao khoảng 150-200m, nhưng có phong cảnh hữu tình với rừng thông rì rào gió thổi. Leo bộ lên khu chùa, quán, am đều mang tên Ngọc Thanh. Xung quanh đường đi là những khu nhà lợp lá phục vụ du khách nghỉ mát, uống nước.
Một nhà sư ở đây kể lại rằng, núi Ngọc Thanh tương truyền có Hỷ Lăng (nơi an nghỉ của vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông). Cũng giống như hầu hết các khu lăng mộ vua Trần ở Đông Triều, Hỷ Lăng cũng chỉ là câu chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nhưng cũng có lẽ vì câu chuyện này gây nhiều tò mò cho du khách, nên rất nhiều người đã ghé thăm núi. Song với phong cảnh hữu tình và lòng ngưỡng vọng nơi cõi Phật, mọi người đến đây sẽ có được cảm giác an nhiên, tự tại. 
Khi bước chân tìm về những dấu tích cổ thời Trần đã khá mệt, mọi người  rủ nhau đến hồ Khe Chè (xã An Sinh) để thư giãn. Hồ Khe Chè rộng hàng trăm ha quanh năm xanh biếc, ôm ấp lấy các quả núi thấp. Suốt bốn mùa bên hồ đều có những loài hoa dại đua nhau khoe sắc. Đặc biệt vào dịp giữa hè trên các khu đồi bên hồ loài hoa sim tím khoe sắc. Hồ Khe Chè cùng với hồ Trại Lốc bao quanh khu di tích lăng mộ và khảo cổ thời Trần,đang và sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa, sinh thái ấn tượng cho du khách khi đến Quảng Ninh.

Các tin khác