Ẩn mình trong cao nguyên đá

Nằm ở phía Bắc Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn bao trùm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với diện tích tự nhiên trên 2.300km2. Sau giấc ngủ dài cách nay hàng triệu năm, giờ đây cao nguyên đá đang chuyển mình thức giấc.

Nằm ở phía Bắc Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn bao trùm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với diện tích tự nhiên trên 2.300km2. Sau giấc ngủ dài cách nay hàng triệu năm, giờ đây cao nguyên đá đang chuyển mình thức giấc.

Vương quốc bí ẩn của đá

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất thế giới. Mảnh đất này quyến rũ các nhà địa chất thế giới bởi nó mang gần như nguyên vẹn dáng dấp của một đại dương cổ xưa với những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, khe núi sâu và hẹp, vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi mang dáng hình kim tự tháp, khe núi sâu hun hút, hang động cùng các vườn đá tạo cho nơi đây vẻ đẹp lạ thường.

Cổng vào khu di tích "nhà Vương". Ảnh: THU HÀ

Cổng vào khu di tích "nhà Vương". Ảnh: THU HÀ

Sự kiến tạo địa chất từ hàng trăm triệu năm về trước vô tình nặn nên những kỳ quan, như "vườn thú đá Lũng Phù", "vườn hoa đá Khâu Vai", hay "bãi đá hải cẩu" ở Vần Chài. Độc đáo nhất trong số những kỳ quan nơi miền đá, hẳn phải kể đến đỉnh Mã Pí Lèng ngàn năm mây phủ. Hơn 100 năm trước Mã Pí Lèng đã được các nhà nghiên cứu người Pháp ưu ái đặt tên “Tượng đài địa chất” nhờ chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất. Nhiều chuyên gia địa chất sau nhiều năm nghiên cứu luôn đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi khám phá ra 40 loại đất đá khác nhau, nhiều loại có niên đại trên 600 triệu năm tại khu vực này.

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng ẩn sâu trong những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, giữa hoang mạc đá lại có một con phố thanh bình và lãng mạn. Phố cổ Đồng Văn được ví như đốm lửa trên cao nguyên, đọng lại dư vị văn minh sớm của người Mông bản địa từ hàng trăm năm về trước với kiến trúc giao thoa nửa bản địa, nửa mang sắc thái kiến trúc Trung Hoa.

Kiến trúc đặc trưng của khu phố là mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất. Sải bước xuôi theo con đường rợp mầu xanh của những cây đào ăn quả được trồng san sát, bạn như dần lạc vào miền cổ tích với sự xuất hiện nửa thực nửa mơ của những ngôi nhà được dựng lên từ đất nằm dựa lưng vào triền núi.

Nằm cách xa phố cổ Đồng Văn, ẩn mình trong thung lũng mây Sà Phìn, sau những tán sa mộc thẳng tắp vươn mình cao vút, khu di tích lịch sử cấp quốc gia “nhà Vương”cũng là một trong những kiến trúc nổi bật của vùng cao nguyên đá. Công trình này là tổ hợp giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách kiến trúc, trong đó nổi lên sự giao thoa kiến trúc Hoa Nam - Mông (dân tộc Mông).

Bố cục tòa nhà theo 3 lớp, cao dần vào trong, 2 góc trong cùng xây 2 lô cốt bằng đá xanh, có 3 tầng, cách 3 lớp nhà là 3 sân lát đá phiến, là 3 giếng trời để lấy ánh sáng cho tòa nhà. Tường được trình bằng đất sét, đặc trưng của vùng đất này. Móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ. Trải qua nhiều năm bỏ trống, giờ đây, ngôi nhà họ Vương là điểm tham quan bất cứ du khách nào khi tới với cao nguyên đá Đồng Văn đều muốn đến.

Tiềm năng sẵn có, khai thác thế nào?

Độc đáo, cổ kính là vậy, nhưng những ngôi nhà trăm tuổi của phố cổ Đồng Văn đang đứng trước nguy cơ biến mất. Trong khu phố cổ, nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại đã thay thế những ngôi nhà tường được trình bằng đất sét. Cứ đà này, chỉ ít năm nữa, khu phố cổ mang kiến trúc đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc sẽ biến thành dãy phố mới tinh, hiện đại như phố miền xuôi.

Xót xa nhìn phố cổ mất dần, song chính quyền tỉnh Hà Giang cũng như huyện Đồng Văn lực bất tòng tâm. Lãnh đạo huyện cho biết rất khó vận động người dân tự nguyện đầu tư kinh phí giữ gìn ngôi nhà của mình, bởi đa số không dư dả gì. Vì thế đứng trước sự lựa chọn tu sửa lại ngôi nhà cổ bằng đất và xây ngôi nhà mới vững chãi hơn và có thể kinh doanh phòng nghỉ cho người du lịch, cũng là một quyết định không đơn giản.

Huyện Đồng Văn xây dựng nhiều phương án bảo tồn khu phố cổ như phát triển du lịch cộng đồng, giãn dân phố cổ sang một khu vực khác để người dân vừa có không gian sống tiện nghi song vẫn giữ được khung cảnh của phố cổ, nhưng ý tưởng giờ vẫn chưa trở thành hiện thực. 18 ngôi nhà cổ lâu đời nhất của Đồng Văn vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong thời gian không lâu nữa. Và khi đó, chắc rằng tiếng khèn của phiên chợ Đồng Văn nằm kề khu phố cổ cũng hụt hẫng như lạc chân về phố thị.

Bảo tồn là bài toán hóc búa chưa tìm ra được lời giải của cao nguyên đá Đồng Văn khi mỗi ngày đáõ trên cao nguyên luôn phải đấu tranh với sự “xâm thực” của con người. Chỉ tính riêng khu vực cao nguyên đá có tới 10 điểm khai thác đá được cấp giấy phép và hàng chục điểm thổ phỉ. Những kiến tạo của thiên nhiên đẹp là vậy nhưng bị khai thác đưa về bản làm hàng rào, làm đê chắn trên các khu ruộng bậc thang… Đá theo chân của người buôn đá cảnh chảy về xuôi trên những chuyến xe tải lớn.

Từ khi được công nhận là Công viên địa chất thế giới, lượng khách du lịch, các nhà nghiên cứu khoa học tìm đến với Đồng Văn ngày một nhiều hơn. Nhưng có điều lạ, khách đến đông, những người làm du lịch lại đâm lo.

Ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Giang, tâm sự: “Lo vì cơ sở vật chất thiếu trăm bề, chỉ một đoàn khách vài trăm người đến cùng lúc cũng khiến việc sắp xếp ăn, ở trở nên khó khăn. Thêm vào đó, người dân vùng cao nguyên đá chỉ cặm cụi tỉa ngô làm rẫy, quanh quẩn bên những bờ rào đá, vì thế xây dựng ý thức làm du lịch trong dân là điều vô cùng nan giải”.

Các tin khác