Âm nhạc đường phố

Không có sân khấu chính thức, cũng không quảng cáo ồn ào nhưng chương trình "Nghệ thuật cuối tuần" diễn ra vào các buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trước Nhà hát TPHCM luôn thu hút đông đảo người dân và du khách nước ngoài thưởng thức.

Không có sân khấu chính thức, cũng không quảng cáo ồn ào nhưng chương trình "Nghệ thuật cuối tuần" diễn ra vào các buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trước Nhà hát TPHCM luôn thu hút đông đảo người dân và du khách nước ngoài thưởng thức.

Ai cũng mê

Cuối tuần nào cũng vậy, cứ khoảng lúc 7 giờ 30 phút, chị Phúc (53 tuổi) ở quận 4 lại đạp xe chở mẹ (80 tuổi) đến Nhà hát TPHCM để nghe nhạc. Tới nơi, chị dựng xe, kéo ghế ngồi cho mẹ, vừa đưa phần ăn sáng cho bà cụ vừa tâm sự với tôi: "Mấy năm nay, thứ bảy và chủ nhật nào tôi cũng đưa mẹ tới đây nghe nhạc. Tôi không có nhiều tiền để xem ca nhạc tụ điểm, ở đây được nghe nhạc miễn phí mà chương trình lại hay. Hôm nào bận việc không đi được, nhớ lắm".

Giống như chị Phúc, rất nhiều cư dân TPHCM đã xem chương trình "Nghệ thuật cuối tuần" tại Nhà hát TPHCM như một điểm hẹn tinh thần cho những ngày cuối tuần. Người đến xem luôn đông đúc và không phân biệt thành phần, tuổi tác. Thường vào lúc 8 giờ, khi chương trình bắt đầu là những "người khách quen" có mặt.

Họ là khán giả thường xuyên trong nhiều năm qua. Tiếp đó là những người đi đường bất chợt phát hiện ra hoạt động âm nhạc hiếm thấy này và dừng lại thưởng thức.

Nhiều bạn trẻ khi biết đến hoạt động này đã rất thích thú, họ thậm chí còn coi đó như một buổi để "offline", vừa thưởng thức âm nhạc, vừa được gặp gỡ bạn bè. Bình (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), một người thường xuyên xem các buổi biểu diễn "Nghệ thuật cuối tuần", cho biết: "Các buổi sáng chủ nhật, em thường dậy sớm đi một vòng các phố hưởng không khí trong lành rồi trở về nhà hát chờ nghe nhạc.

Có những hôm tâm trạng không tốt, nhưng khi nghe nhạc flamenco lòng lại phấn chấn lên ngay. Nhóm bạn của em hay tụ họp ở đây vào sáng chủ nhật. Được cùng nhau nghe nhạc trong không gian mở, gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống như thế rất thoải mái".

Có những người đưa cả gia đình đến nghe nhạc, như anh Phúc ở quận 3. Vợ chồng anh cứ sáng chủ nhật lại cho 2 cậu con trai ra nhà hát. Anh bảo, trẻ con tiếp xúc với âm nhạc có nhiều lợi ích. “Nếu thành phố có thêm nhiều điểm chơi nhạc ngoài đường đều đặn như thế này thì tốt biết mấy" - anh Phúc nói.

Một buổi trình diễn "Nghệ thuậ cuối tuần" tại Nhà hát TPHCM. 

 Một buổi trình diễn "Nghệ thuậ cuối tuần" tại Nhà hát TPHCM.

Khách du lịch đi qua Nhà hát TPHCM vào những dịp cuối tuần rất thích thú với hoạt động âm nhạc này. Chị Hồng Khánh ở Quảng Ninh có mặt ở đây vì buổi sáng đang nằm ở khách sạn cạnh nhà hát nghe có tiếng nhạc cuốn hút. Chị thấy cách đưa âm nhạc đến gần công chúng rất thú vị nên ghi hình lại để khoe với bạn bè.

Nhiều khách quốc tế cũng tỏ ra thích thú với các chương trình âm nhạc cuối tuần tại Nhà hát TPHCM. Trong tiết mục hòa tấu saxophone, anh Dennis (khách du lịch người Đức) cùng vợ và 2 con liên tục nhún nhảy theo điệu nhạc, khuấy động không khí xung quanh.

Anh cho biết: "Thật thú vị khi đến Việt Nam và được nghe nhạc trên đường phố. Ban nhạc chơi rất tuyệt, cả nhà tôi đều thích. Tôi cũng từng nghe hòa tấu nhạc dân tộc Việt Nam tại đây, thật tốt khi các bạn tổ chức hoạt động này”.

Miễn phí nhưng có chất

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, chương trình đã được bắt đầu với những buổi biểu diễn của các dàn kèn đồng trong thành phố vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần do Công ty Tổ chức biểu diễn Nghệ thuật thành phố (nay là Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM) thực hiện. Mục đích ban đầu của những người đưa ra ý tưởng này là muốn đem đến cho người dân một món ăn tinh thần sau cả tuần làm việc vất vả.

Ông Lê Hữu Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh, cho biết: "Chúng tôi muốn đem phúc lợi nghệ thuật đến với từng người dân mà họ không phải trả một đồng phí nào". Khi mới tổ chức, mọi người thấy rất lạ lẫm, nhưng rồi quen dần và yêu thích.

Cho đến năm 2008, nhận thấy cần phải đổi mới và làm phong phú thêm các loại hình âm nhạc để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa đa dạng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của công chúng, ban tổ chức đã bổ sung nhiều hoạt động mới và biểu diễn thêm sáng thứ bảy. Chương trình cứ thế phát triển và ngày càng thu hút nhiều người.

Không dễ để một hoạt động nghệ thuật đường phố tồn tại trong một khoảng thời gian dài như vậy. Nhưng nếu ai đã từng đến trước Nhà hát TPHCM vào những sáng cuối tuần, hẳn sẽ hiểu vì sao một chương trình "xem không mất tiền" ấy lại cuốn hút nhiều người đến thế.

Đó không đơn thuần là một buổi biểu diễn âm nhạc, mà đó còn là món quà, là mong muốn được phục vụ nghệ thuật cho nhân dân của những người làm văn hóá của thành phố. Đó là một chương trình nghệ thuật miễn phí nhưng có “chất”.

Từ 6 giờ, khoảng 10 người của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh đã có mặt tại nhà hát để chuẩn bị âm thanh, sân khấu và chỗ ngồi cho khán giả. "Không phải vì đây là chương trình miễn phí mà chúng tôi làm qua loa" - anh Phi, phụ trách nhóm thực hiện chương trình "Nghệ thuật cuối tuần", cho biết.

Không giống những chương trình âm nhạc khác, "Nghệ thuật cuối tuần" luôn thay đổi “thực đơn" hàng tuần với nhiều loại hình âm nhạc. Từ kèn đồng, hòa tấu nhạc dân tộc, đến chương trình hát nhạc cách mạng, nhạc trẻ, rồi jazz, flamenco...

Theo ông Lê Hữu Luân, mỗi chương trình đều được ban tổ chức duyệt đạt yêu cầu mới được biểu diễn và sân khấu "Nghệ thuật cuối tuần" cũng là nơi để các ban nhạc trong thành phố có cơ hội được đến gần hơn với công chúng. Mọi người đều có thể đăng ký với trung tâm để tham gia biểu diễn, miễn đạt yêu cầu nghệ thuật.

Thậm chí có ban nhạc nước ngoài sang Việt Nam thấy hoạt động này hay, dễ tiếp cận công chúng, nên đã đề nghị được biểu diễn. Sau khi được chấp thuận, họ cống hiến hết mình. Chính sự đa dạng về phong cách trong "Nghệ thuật cuối tuần" đã giúp chương trình không nhàm chán.

Ông Luân cũng cho biết thêm, tất cả kinh phí trung tâm đều tự lo, nhất là buổi biểu diễn vào thứ bảy kết hợp với Nhạc viện TPHCM nên những ban nhạc chơi cho "Nghệ thuật cuối tuần" đều là những người sẵn sàng biểu diễn cho dân chúng mà không đòi hỏi mức cát xê cao.

Họ hoạt động với tinh thần phục vụ là chính. Sắp tới, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh sẽ đưa dàn nhạc giao hưởng lên "sân khấu" tiền sảnh Nhà hát TPHCM để thỏa lòng của những người yêu thích âm nhạc thính phòng.

"Chúng tôi cũng đang xin cấp phép để mở rộng điểm biểu diễn ra Công viên 23-9 và Công viên Gia Định nhằm phục vụ nhân dân đầy đủ hơn" - ông Lê Hữu Luân cho biết.

Các tin khác