Quỹ “đất vàng” của Hapro được sử dụng thế nào sau cổ phần hóa?

(ĐTTCO)- Hôm nay (30/3) Hapro sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài. Vậy sau cổ phần hóa, nhiều khu “đất vàng” của Hapro sẽ được sử dụng ra sao?
Xuất khẩu và phát triển chuỗi cửa hàng, siêu thị là phương án sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa của Hapro.
Xuất khẩu và phát triển chuỗi cửa hàng, siêu thị là phương án sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa của Hapro.

Quá trình kiểm tra địa điểm kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở, ban, ngành xem xét từng địa điểm. Hà Nội quyết định thu hồi 63 địa điểm, những địa điểm không nằm trong phương án sản xuất kinh doanh của Hapro. Tổng công ty Thương mại Hà Nội còn lại 114 địa điểm, trong đó có 96 địa điểm tại Hà Nội và 18 địa điểm tại các thành phố khác. Trong 96 địa điểm có 32 địa điểm là nhà, đất thuê của thành phố, 64 địa điểm là nhà đất là tài sản của Tổng công ty.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro cho biết, Tổng công ty có nhiều địa điểm nhưng đa phần diện tích nhỏ, là cửa hàng, đang được sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh là làm kho hàng, nhà máy, làm siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng chuyên doanh. Sau cổ phần hóa, các địa điểm vẫn phải sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao các sở, ban, ngành kiểm tra giám sát.

“Ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là xuất khẩu và chuỗi cửa hàng, siêu thị. Sau cổ phần hóa, phương án sản xuất kinh doanh của công ty cũng đẩy mạnh phát triển hai mảng này. Quỹ đất của Tổng công ty vẫn được sử dụng làm siêu thị, cửa hàng bán lẻ” – ông Sơn nói.

Sau cổ phần hóa, Hapro định hướng tập trung vào làm thương mại dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là xuất khẩu. Hapro phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong 5 đơn vị xuất khẩu lớn nhất cả nước với 5 mặt hàng chiến lược: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê và thủ công mỹ nghệ và đưa hàng hóa của Tổng công ty có mặt ở 80 quốc gia (hiện tại là hơn 70 quốc gia).

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, với các doanh nghiệp Nhà nước ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì ngoài ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh luôn có một khối lượng tài sản lớn là đất đai mà doanh nghiệp quản lý. Bài học mới gần nhất trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Doanh nghiệp nhằm tới cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam thực chất mục tiêu là khu “đất vàng”. Do đó, khi cổ phần hóa cần tính đến kế hoạch hoạt động, kinh doanh của đơn vị sau cổ phần hóa, việc sử dụng quỹ đất sau cổ phần hóa.

“Quá trình cổ phần hóa Hapro khá minh bạch, với việc công khai toàn bộ thông tin, ngoài các cơ quan chức năng giám sát việc sử dụng quỹ đất vàng của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, cộng đồng cũng có thể giám sát. Như vậy, sẽ tránh được việc thâu tóm “đất vàng” và chuyển mục đích sử dụng khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước” – ông Long cho biết.

+ Tổng công ty Thương mại Hà Nội hiện đang sở hữu hơn 100 khu đất đa phần tập trung tại Hà Nội, nhiều địa điểm là “đất vàng” như tại 11B Cát Linh, số 5 Lê Duẩn, 10B Tràng Thi…

+ Theo phương án cổ phần hóa thì sau IPO vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng, trong đó có 65% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Hiện UBND thành phố Hà Nội hiện đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Số còn lại, 0,49%  cổ phần bán cho cán bộ, nhân viên và 34,51 cổ phần bán đấu giá công khai, giá khởi điểm của phiên đấu giá là 12.800 đồng/cổ phần.

Các tin khác