Phái sinh rất gần và… rất xa

(ĐTTCO) - Thông thường, khi sản phẩm mới xuất hiện sẽ thúc đẩy các nhà môi giới, đơn vị phân phối tham gia tiêu thụ, đưa đến tay người có nhu cầu. 

Nhưng với riêng phái sinh, một sản phẩm đang nhận được nhiều sự kỳ vọng trên TTCK, quy luật trên đây có thể sẽ hơi khác.

Khái niệm và… chờ 

Cuộc cạnh tranh trong sản phẩm phái sinh nếu có sẽ theo hướng ôn hòa và tích lũy nguồn lực hơn là chạy đua gay gắt như kiểu giành khách hàng, mở mạng lưới như hồi giai đoạn 2011-2013, hoặc triển khai ồ ạt các sản phẩm margin như vài năm gần đây. Câu hỏi ở đây là các CTCK sẽ chuẩn bị những gì và cục diện cạnh tranh sẽ thay đổi thế nào với sự xuất hiện của phái sinh.

Trưởng phòng môi giới của một CTCK có vốn ngoại cho biết, thời gian gần đây đơn vị anh liên tục tổ chức những buổi tập huấn nội bộ về phái sinh nhằm trang bị kiến thức để có thể nhanh chóng nắm bắt khi sản phẩm này xuất hiện. “Môi giới có hiểu mới có thể sử dụng sản phẩm, rút kinh nghiệm và tự tin tư vấn cho khách hàng” - vị trưởng phòng này cho biết.

 Trong khoảng 2 năm gần đây, những buổi hội thảo liên quan đến phái sinh với nhiều quy mô khác nhau đã được tổ chức bởi cơ quan quản lý và các thành viên tham gia TTCK. Nhưng có một thực tế là đến lúc này, số đông vẫn chưa cảm nhận một cách cụ thể mình sắp được sử dụng sản phẩm phái sinh gì, công dụng thế nào.

Điều này khác hẳn với hồi 2008, các CTCK kết nối với HOSE qua đại diện sàn đã chuyển sang kết nối trực tuyến và NĐT thấy được tốc độ đặt lệnh nhanh hơn hẳn. Đồng thời, hệ thống giao dịch trực tuyến tại các CTCK cũng được đầu tư phát triển lên một tầm vóc mới.

Hay như khi rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+4 xuống T+3 vào năm 2012, NĐT có thể cảm nhận rõ hiệu quả mà giải pháp này mang lại. Như vậy phái sinh chỉ mới đến trong suy nghĩ của NĐT chứng khoán ở mức độ “khái niệm”.

Thời gian qua, một số CTCK vốn có hệ thống giao dịch trực tuyến ổn định bỗng dưng bị lỗi trong một số ngày mà theo lý giải từ phía nhân viên do đang cải tạo, nâng cấp hệ thống phần mềm lõi (core) nhằm chuẩn bị cho thị trường phái sinh. Các CTCK cũng kỳ vọng phái sinh sẽ tạo ra một dòng sản phẩm mới cho TTCK và có thể đẩy GTGD tiếp tục tăng thêm, nên việc “vũ trang” cũng là hợp lý.

Còn nhớ vào giai đoạn 2006-2010, thị trường vẫn tồn tại những quan điểm kiểu như muốn tìm hiểu CP A nào đó hãy đến CTCK A1 có liên quan mở tài khoản, vì nơi đây tập trung rất nhiều tin tức. Hay CTCK này chuyên môi giới CP được mệnh danh là “ông vua OTC”, còn CTCK kia lại chuyên làm sổ cổ đông cho CP “nữ hoàng OTC”.

Theo như kỳ vọng của một số môi giới kỳ cựu, phái sinh có thể chính thức xuất hiện trong vài tháng nữa nhưng ngày giờ cũng như một lộ trình cụ thể, rõ ràng thì chưa ai nắm được. Và cũng thật kỳ lạ khi hiện nay chưa có một CTCK nào tự nhận hoặc được nhìn nhận có thể là “đầu mối” cho các sản phẩm phái sinh. Có lẽ, tất cả đang trong trạng thái chờ và chưa rõ ràng nên có muốn phát huy lợi thế gì cũng không thể hiện được.

Kỳ vọng tiếp tục kỳ vọng

Như vậy, khi phái sinh được triển khai chính thức, sự bỡ ngỡ nếu có cũng sẽ chỉ trong một thời gian ngắn rồi tất cả sẽ quen với sản phẩm này, nhưng từ chỗ quen cho đến việc có thể sử dụng thuần thục và tạo ra lợi nhuận đôi khi lại có một khoảng cách khá xa. Kinh nghiệm cho thấy tại một số thị trường lân cận, phải mất trong khoảng 2-3 năm để thị trường quen với phái sinh, nên sẽ khó có chuyện GTGD có thể gia tăng ngay từ những ngày đầu.

Cũng có những thị trường sau khi NĐT giao dịch tích cực lại tạo ra bong bóng rồi dẫn đến thua lỗ, NĐT lại chán nản và tập trung chủ yếu ở thị trường truyền thống. Vì vậy, kỳ vọng dành cho phái sinh là rất lớn, nhưng cũng phải thực tế rằng nếu năm nay chính thức triển khai sự bùng nổ nhiều khả năng sẽ rơi vào 2-3 năm nữa.

Theo quy định CTCK sẽ phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên mới có thể triển khai nghiệp vụ môi giới, tự doanh hay tư vấn. Hiện cũng có khoảng 20 CTCK có vốn từ 600-800 tỷ đồng trở lên và thật trùng hợp khi 20 cũng là con số CTCK có hoạt động tương đối tích cực tính đến thời điểm này. Áp lực tăng vốn để dành cho phái sinh của các CTCK không phải quá lớn trong giai đoạn sản phẩm được đem ra làm quen với thị trường. Dù vậy, CTCK trong 2 năm nữa vẫn sẽ phải tăng vốn với mục tiêu tăng cường năng lực cho vay margin.

Về mặt con người, rõ ràng là các CTCK lớn có lợi hơn với đội ngũ nhân viên dồi dào, có sự kết hợp được của nhiều phòng ban để tận dụng chất xám lẫn nhau và sẽ có sự vượt trội xuất hiện trong lĩnh vực tư vấn phái sinh. Nhưng cũng cần lưu ý nếu CTCK lơ là khả năng bị các CTCK nhỏ hơn qua mặt trong mảng phái sinh cũng không gì bất ngờ, vì đây là một sản phẩm mới, những lợi thế về mặt truyền thống sẽ không có chỗ, xuất phát điểm là như nhau.

Để có lợi nhuận, NĐT cũng có thể chấp nhận đến mở tài khoản tại một CTCK tầm trung hoặc nhỏ nếu nhóm này tỏ ra chất lượng vượt trội. Nói tóm lại, cuộc cạnh tranh phái sinh sẽ là một cuộc cạnh tranh mềm, đòi hỏi sự khéo léo khôn ngoan và tinh tế của các CTCK. 

Các tin khác