CTCK: Nghèo nghiệp vụ, mở room khó hút NĐT

(ĐTTCO) - 2 năm trước, chứng khoán là ngành được nới room ngoại lên 100% vào hàng sớm nhất, nhưng tính từ đó đến nay cơ cấu sở hữu của các CTCK, đặc biệt là tại các CTCK lớn vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nguyên nhân vì đâu và liệu có bước ngoặt nào liên quan đến room của các CTCK trong thời gian tới hay không?

Hờ hững với CP CTCK

Động thái mở room của các CTCK có thể kỳ vọng sự chuẩn bị cho phái sinh. Nhưng sẽ khó có chuyện 1 CTCK có vài ba cổ đông lớn cùng chung sống và điều hành với nhau. Nên việc mở room cũng có thể hứa hẹn khả năng M&A của CTCK trong thời gian tới đây dù số lượng có thể không nhiều.

Giai đoạn 2011-2012 ghi nhận việc tái cấu trúc mạnh mẽ của các CTCK, nhưng hơn nửa thập niên trôi qua vị thế của CP các CTCK trên thị trường không còn được như giai đoạn 2006-2010. Thị trường kể từ năm 2014 đến nay phát triển ổn định, thanh khoản tăng theo từng năm, từ 2.000 tỷ đồng/phiên lên 2.500 tỷ đồng/phiên và trên 3.000 tỷ đồng/phiên, kéo theo thu nhập của CTCK cũng tăng, nhưng CP chứng khoán chỉ nổi sóng tại một số thời điểm và cũng chỉ là sóng ngắn.

Có ý kiến cho rằng dường như khẩu vị của NĐT vẫn chưa quay lại với CP chứng khoán. Điều này xét ra cũng bình thường, vì ngay cả CP ngân hàng cũng mất đến 5 năm để lấy lại vị thế của mình (vào năm 2015).

Room sở hữu của khối ngoại tại SSI – một CTCK mở room vào loại sớm nhất trên TTCK vào khoảng 55,7%, nhưng đến nay khối ngoại còn không mặn mà mua thêm. Không ai phủ nhận được viễn cảnh tươi sáng của ngành chứng khoán thời gian qua cũng như trong tương lai, nhưng vì sao NĐT lại hờ hững với các CTCK như vậy?

CTCK KIS những năm gần đây tổ chức khoảng 2 buổi hội thảo/năm về nhận định thị trường và đều có đông đảo khách tham dự. Nhưng có điểm dễ thấy là khách đến với hội thảo của KIS cho dù là NĐT hay từ các CTCK bạn đều rất quen mặt.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TPHCM của CTCK KIS Việt Nam, nhận định các CTCK tồn tại đến nay đều đã “có phần, có số”. Hiện có khoảng 20 CTCK hoạt động tích cực, thanh khoản vẫn tăng lên, nghĩa là dễ sống hơn trước, không còn cảnh phải giành giật khách hàng, nhân viên lẫn nhau, nhưng mức lãi suất cho NĐT vay ký quỹ (margin) được duy trì 14%/năm trong nhiều năm, nhưng không CTCK nào hạ để hút khách.

Xét về mặt định lượng cũng như định tính, ngành chứng khoán trước đây còn có tự doanh để tạo ra lãi khủng, nhưng sau đó một loạt CTCK bỏ tự doanh và chỉ tập trung cho môi giới, tức hoạt động cho vay margin chiếm vai trò chủ đạo. Không cần quá am hiểu sâu về ngành chứng khoán, NĐT cũng phán đoán được CTCK hoạt động như thế nào, lãi lớn từ đâu, yếu tố bất ngờ chưa hiện diện.

Mở room chờ phái sinh hay M&A?

Nói như ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC), các CTCK cũng nỗ lực vượt bậc để tạo ra những lợi thế cạnh tranh, nhưng từ ý muốn đến hiện thực cần phải có thời gian. Ông Hòa dẫn chứng mảng tư vấn, bảo lãnh (IB) vốn là thế mạnh nhiều năm nay của BVSC, nhưng để duy trì được sự ổn định đã khó, chưa nói đến tăng trưởng.

IB đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, nhưng cũng phải biết quan hệ, tạo ra niềm tin với các doanh nghiệp và muốn đạt được điều này sẽ mất nhiều thời gian. Còn nếu muốn biết khẩu vị của khối ngoại như thế nào, cứ nhìn VinaCapital những năm qua đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực private equity (đầu tư vốn tư nhân) cho các công ty như sữa IDP, gỗ An Cường; hay Dragon Capital rót vốn vào VietjetAir, Thế giới di động… sẽ thấy mẫu số chung đều là kỳ vọng tăng trưởng. Song nhìn chung, CP chứng khoán đang ở trạng thái giá rẻ sau nhiều năm.

Điều này có nguyên nhân khách quan từ việc thị trường vẫn quanh quẩn một số nghiệp vụ, sản phẩm trong nhiều năm, trong khi những sản phẩm mới vẫn nằm ở thì tương lai. Không có sản phẩm, nghiệp vụ mới khả năng tạo ra nguồn thu đột biến trở nên quá khó.

Nhìn vào cơ cấu cổ đông của các CTCK cũng dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng theo kiểu 1 người hoặc 1 nhóm cổ đông tại CTCK rất lớn, hiếm có chuyện một CTCK có vài ba nhóm cổ đông chia sẻ quyền lực để điều hành. Điều này có lẽ các CTCK lớn, đặc biệt là các CTCK niêm yết có cơ cấu cổ đông đa dạng không thừa nhận. Nhưng với việc CTCK này cứ ĐHCĐ chỉ có Chủ tịch HĐQT ngồi bàn chủ tọa, hay CTCK kia gắn với chiến lược của tổng giám đốc là có thể hiểu được. 

Maybank KimEng là CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. KIS Việt Nam dù đang hoạt động theo mô hình CTCP nhưng ảnh hưởng của cổ đông lớn KIS (Hàn Quốc) tại CTCK này gần như tuyệt đối. Thực ra điều này cũng bình thường. Sống tốt, hoạt động ổn định, hứa hẹn tăng trưởng trong khi bên mua chưa mặn mà, vậy hà cớ gì các CTCK phải thay đổi? Cũng cần nói rằng nếu bên ngoài có ý định mua, nhưng chưa được giá nên những cổ đông hiện hữu của CTCK cũng không muốn bán, thậm chí không thèm bán.

Vậy động thái mở room diễn ra tại một số CTCK trong thời gian gần đây có dụng ý gì? Tất nhiên khi có sản phẩm mới, kỳ vọng tăng trưởng sẽ trở lại với CTCK. Thời gian tới đây có thể những CTCK chính thức được triển khai nghiệp vụ phái sinh theo các tiêu chuẩn, như có vốn 800 tỷ đồng mới được môi giới phái sinh, muốn tự doanh phái sinh cần 600 tỷ đồng, còn nếu tư vấn chỉ 10 tỷ đồng.

Chẳng CTCK nào chỉ lấy nguồn lực tối thiểu để đáp ứng các tiêu chuẩn này, vì thống kê cho thấy hiện có hơn chục CTCK đủ sức làm tất cả các nghiệp vụ liên quan đến phái sinh. Lúc này, các CTCK sẽ muốn mình vừa có vốn mạnh, vừa có đội ngũ nhân sự giỏi, quy trình chuẩn, từ đó khả năng huy động vốn từ bên ngoài sẽ được tính đến. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng cũng có thể thúc đẩy dòng vốn cả ngắn lẫn dài hạn trở lại với các CTCK. 

Các tin khác