Khủng hoảng cây dừa

Cây dừa châu Á đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi những vườn dừa bị lão hóa trở nên kém năng suất, thu hoạch không theo kịp nhu cầu.

Cây dừa châu Á đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi những vườn dừa bị lão hóa trở nên kém năng suất, thu hoạch không theo kịp nhu cầu.

Tổ chức Nông Lương (FAO) cho biết phần nhiều dừa châu Á được trồng khoảng 50-60 năm trước đây, đã bị lão hóa và không đủ năng suất để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Trong khi tiêu thụ các sản phẩm dừa trên thế giới đang tăng hơn 10% mỗi năm, sản xuất chỉ tăng có 2%.

Ông Hiroyuki Konuma, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO, khẳng định cần cấp thiết trồng lại các vườn dừa. Trồng dừa là một phần cốt lõi của nền kinh tế nông thôn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng 85% nguồn cung nguyên liệu dừa trên toàn cầu, dùng cho sản xuất thực phẩm, nhiên liệu, xà bông và cả mỹ phẩm.

Theo Cộng đồng Dừa châu Á - Thái Bình Dương, tại Philippines - 1 trong 3 quốc gia trồng dừa hàng đầu - 1/5 người dân phụ thuộc vào dừa ở mức độ nào đó có thể tăng thu hoạch để làm lợi cho hàng triệu hộ gia đình. “Chúng tôi có rất nhiều cây già cỗi, một số cây đã 100 năm tuổi. Chính phủ đã bắt tay vào một chương trình trồng mới và trồng lại dừa” - Yvonne Agustin, Giám đốc điều hành của Hiệp hội dừa Philippines, cho biết.

Phần lớn dừa châu Á đã già và cần phải thay thế.

Phần lớn dừa châu Á đã già và cần phải thay thế.

Theo FAO, cây dừa có khả năng cho trái trong 50-100 năm, với sản lượng cao nhất trong 3 thập niên đầu tiên. Hiện nay, thu hoạch bình quân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 40 trái mỗi cây/năm, rất thấp so với mức sản lượng tiềm năng từ 75-150 trái.

Năm ngoái, Ấn Độ dẫn đầu thu hoạch 17 tỷ trái, tiếp theo là Indonesia 15,4 tỷ và Philippines 15,2 tỷ, chiếm phần lớn sản lượng trồng dừa toàn cầu (64,3 tỷ trái trên diện tích khoảng 12,3 triệu ha). Ở Philippines, ước tính 340 triệu cây dừa được trồng trên 26% tổng diện tích đất nông nghiệp, năng suất 43 trái mỗi cây/năm. Các lô hàng sản phẩm từ dừa trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng 10% lên 1 tỷ USD. Dừa là ngành xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất của nước này, đóng góp 5% GDP.

Tại Ấn Độ, Ban Phát triển Dừa, thuộc Bộ Nông nghiệp, cho biết Kerala là nơi sản xuất hàng đầu, tiếp theo là Tamil Nadu, Karnataka và Andhra Pradesh. Trong khi sản lượng ở 3 bang kia tiếp tục giảm, đôi khi giảm tới 1/3, thì chương trình thử nghiệm trồng thay thế dừa già, bệnh ở Kerala đã có hiệu quả đẩy mạnh năng suất. Ngành dừa đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD cho GDP Ấn Độ mỗi năm.

Cây mới có thể bắt đầu cho trái chỉ sau 2 hoặc 3 năm, theo Giám đốc điều hành Cộng đồng dừa khu vực châu Á - Thái Bình Dương Romulo Arancon. Nếu trồng lại và cải thiện kỹ thuật, sản lượng dừa có thể tăng 50-100% trong vòng vài năm. Ông Arancon ước tính 1 cây dừa trưởng thành có thể cho tới 400 trái mỗi năm. Chủ tịch Hội đồng Dừa Indonesia Irawadi Jamaran cho biết hơn một nửa trong số 4 triệu ha dừa nước này đang bị lão hóa trên 50 năm.

Vấn đề chính đối với ngành dừa là sự thiếu quan tâm của chính phủ, vì mối quan tâm dành cho các đồn điền lớn hơn, đặc biệt là cây cọ dầu, đất nước này là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất, Irawadi nói. “Chúng ta để ý gạo và cọ dầu, mọi người không nghĩ rằng dừa là quan trọng. Điều này không đúng. Thật ra, dừa đóng góp lớn cho nền kinh tế, văn hóa và đời sống” - quan chức FAO Konuma khẳng định.

Các tin khác