IMF: Thị trường mới nổi ngày càng dễ tổn thương

Việc nhà đầu tư đổ tiền nhiều hơn vào trái phiếu, cổ phiếu thị trường mới nổi khiến các thị trường ngày càng dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.

Việc nhà đầu tư đổ tiền nhiều hơn vào trái phiếu, cổ phiếu thị trường mới nổi khiến các thị trường ngày càng dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.

 

Sự quan tâm của các nhà đầu tư tới cổ phiếu và trái phiếu các thị trường mới nổi đã phát triển đáng kể trong 15 năm qua, khiến dòng tiền và giá tài sản tại các quốc gia này nhạy cảm ơn với các sự kiện diễn ra bên ngoài biên giới nước họ, một nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy.

Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu (Global Financial Stability Report), IMF đã tiến hành khảo sát những tác động của sự thay đổi trong mối quan tâm, hoạt động liên quan của các nhà đầu tư.

Vai trò của các quỹ trái phiếu, đặc biệt là các quỹ trái phiếu bằng tiền địa phương đã tăng kể từ đầu những năm 2000. Những người tiết kiệm tại các nền kinh tế phát triển hiện nay chuyển tiền ngày càng nhiều tới các quỹ đầu tư tương hỗ toàn cầu, đầu tư vào cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Sự tham gia của các quỹ tài sản công và các ngân hàng trung ương vào những thị trường tài chính này cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Những năm 1990 thì ngược lại, đầu tư vào các nền kinh tế thị trường mới nổi hầu như đồng nghĩa với việc mua cổ phiếu dù các quỹ chuyên hoạt động tại các quốc gia này.

IMF cho rằng các nhà đầu tư khác nhau có cách hành xử khác nhau. Trong thời gian cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi trượt giá năm 2013 và đầu 2014, các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm với chiến lược dài hạn duy trì các khoản đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi. Các quỹ tương hỗ định hướng bán lẻ thì rút tiền về. Các quỹ tương hỗ khác, chẳng hạn như các quỹ tập trung vào trái phiếu và cổ phiếu, cũng thể hiện những mức độ nhạy cảm khác nhau với bất ổn tài chính toàn cầu.

"Hiểu các nhà đầu tư là những ai là việc rất quan trọng để hiểu sự ổn định tới đâu của dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi, đặc biệt khi tình trạng bất ổn về chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển vẫn cao", Gaston Gelos, người đứng đầu bộ phận phân tích ổn định toàn cầu tại Phòng thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cũng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu phân tích.

Thị trường mới nổi dễ tổn thương

Những thay đổi trong mối quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu với các cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi có thể làm cho dòng vốn nói chung nhạy cảm hơn với các điều kiện tài chính toàn cầu, theo IMF.

Phân tích cho thấy phần các dòng trái phiếu biến động mạnh hơn đã tăng khi nhiều cơ hội đầu tư mở ra tại các thị trường mới nổi, và những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường tài chính địa phương có thể lây truyền sự bất ổn toàn cầu tới giá các tài sản địa phương.

Đầu tư từ các quỹ tương hỗ nhạy cảm hơn với tình trạng lên xuống của các điều kiện tài chính toàn cầu so với các nhà đầu tư tổ chức. Nhiều nhà đầu tư nhỏ đổ tiền vào các quỹ tương hỗ là những người tiết kiệm ít thông tin hơn, những người có thể hoảng sợ bán ra khi có dấu hiệu của bất ổn. Các quỹ đầu tư tương hỗ cũng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu có hiệu suất cao trong ngắn hạn, trong khi bán đi những thứ có hiệu suất kém - một chiến lược được gọi là giao dịch trọng tiền. Điều này có thể góp phần gây ra những chu kỳ bùng nổ phá giá tài sản, IMF nhận định.

Nhận được nhiều tiền đầu tư hơn từ các nhà đầu tư tổ chức nhìn chung là tốt cho sự ổn định dòng vốn trong thời kỳ biến động vừa phải và bình thường, bởi họ có xu hướng đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng các nhà đầu tư này có thể rút nhiều tiền hơn khỏi một quốc gia và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau những cú sốc - chẳng hạn như trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay nếu trái phiếu chính phủ bị hạ xuống dưới cấp đầu tư.

Những vấn đề nền móng cơ sở

Sau hai thập kỷ đầu tư, liệu các nhà đầu tư toàn cầu đã học được nhiều hơn về các thị trường mới nổi và trở nên ít hoảng loạn hơn? Có rất ít bằng chứng cho điều đó, IMF nói.

Các điều kiện kinh tế tại một quốc gia ảnh hưởng tới đầu tư và giá tài sản địa phương, IMF quan sát thấy. Ví dụ, trong những tháng sau đợt bán tháo tháng 5 - 6/2013, các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu hành xử với các nền kinh tế có nền móng tốt khác với các nền kinh tế yếu hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung, không có bằng chứng cho thấy lựa chọn của các nhà đầu tư trong thời điểm căng thẳng những năm gần đây chịu tác động bởi các cơ sở kinh tế của một nước nhiều hơn trong khủng hoảng cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, theo IMF.

IMF cũng cho rằng xu hướng a dua theo các nhà đầu tư khác, hay còn gọi là hành vi bầy đàn, cũng không giảm.

Lựa chọn cho các nhà lập pháp

Điều này không có nghĩa là những nỗ lực củng cố nền kinh tế của các thị trường mới nổi không hiệu quả và rằng những nền kinh tế này đang được các nhà đầu tư toàn cầu và chính sách tại các nền kinh tế phát triển ưu ái, theo IMF.

Cùng với những nền tảng kinh tế mạnh mẽ hơn, các thị trường mới nổi đã củng cố và làm sâu sắc hơn hệ thống tài chính của họ 15 năm qua. Quy mô của nền tảng đầu tư trong nước - các quỹ tương hỗ địa phương, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các ngân hàng - đã phát triển, đôi khi nhờ sự hỗ trợ bởi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các thị trường địa phương.

Ngoài ra, hiện giờ có nhiều hơn những thị trường mới nổi có thể bán trái phiếu bằng tiền địa phương cho các nhà đầu tư nước ngoài, vượt qua vấn đề về "nguồn gốc tội lỗi". Chất lượng thể chế của các thị trường địa phương cũng cải thiện đáng kể.

Báo cáo phân tích nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính trong nước với nhiều dịch vụ, sản phẩm địa phương và thị trường thanh khoản giúp giảm nhạy cảm đối với những thay đổi điều kiện tài chính toàn cầu của lợi nhuận chứng khoán và lợi suất trái phiếu thị trường mới nổi. Đồng thời, các hoạt động cắt giảm cũng ở quy mô lớn, IMF cho biết.

Vì vậy, các chính sách thúc đẩy hệ thống tài chính phát triển hơn, sẽ trang bị tốt hơn cho các thị trường mới nổi để gặt hái lợi ích của toàn cầu hóa tài chính, trong khi giảm các chi phí tiềm tàng của nó, báo cáo cho biết thêm.

IMF lưu ý rằng những sáng kiến để hỗ trợ phát triển các thị trường trái phiếu bằng nội tệ nói chung là có lợi. Các quốc gia cần theo dõi mức độ tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước, bởi sự hiện diện nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang tới bất ổn mới. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nền tảng đầu tư địa phương.

Các tin khác