Hàng không châu Âu - Kết thúc hay khởi đầu mới?

(ĐTTCO) - Sự phá sản của 3 ông lớn hàng không châu Âu chỉ trong 50 ngày khiến một số nhà phân tích nhận định hiệu ứng này ở Lục địa già sẽ còn tiếp tục.
Air Berlin mở đầu hiệu ứng phá sản của các hãng hàng không châu Âu.
Air Berlin mở đầu hiệu ứng phá sản của các hãng hàng không châu Âu.

Cú "ngã" đầu tiên đánh dấu hiệu ứng domino trong việc phá sản của các hãng hàng không là Air Berlin - hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức. Tiếp theo là hãng hàng không quốc gia Italia Alitalia. Sau đó, Monarch - một trong 5 hãng hàng không lớn nhất của Anh cũng tuyên bố ngừng hoạt động. Lý giải về thực trạng này, nhà phân tích thị trường hàng không Louise Cooper cho biết, nguyên nhân do sự có mặt của các hãng hàng không giá rẻ trong cuộc đua trên bầu trời. 

Hiện tại, các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và EasyJet dẫn đầu đã chiếm thị phần khổng lồ tại châu Âu nhờ các chính sách vé giá rẻ chỉ từ 10 bảng Anh (tương đương 13USD). Cũng theo nhà phân tích này, khi thị trường chứng kiến sự gia tăng của các hãng máy bay giá rẻ nhanh hơn so với nhu cầu, tất cả các hãng đều phải giảm giá vé. Trong khi đó, các ông lớn chật vật trong việc phải gánh các chi phí truyền thống nên không thể chạy đua với chiến lược của những hãng hàng không giá rẻ và đó là khi cuộc “tàn sát” trong ngành hàng không bắt đầu.

Còn theo chuyên gia phân tích Gerald Khoo, điểm chung của những hãng bay có nguy cơ phá sản chính là đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn. Nhà phân tích giao thông tại Cantor Fitzgerald Rob Byde cho biết, về cơ bản đây là vấn đề quy mô và cạnh tranh. "Trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hãng hàng không châu Âu tiếp tục phá sản” - ông Rob Byde nói thêm.

Ngoài yếu tố cạnh tranh, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng tới ngành hàng không châu Âu như thiếu hụt phi công; các vụ tấn công khủng bố chết người khiến các hãng hàng không tránh khai thác những nơi vốn là địa điểm nghỉ lễ nổi tiếng như Tunisia và Ai Cập, ảnh hưởng đến doanh thu.

Tuy nhiên, việc các ông lớn ngành hàng không phá sản cũng mở ra một xu hướng mới trong ngành, đó là ngày càng nhiều cuộc hợp nhất các hãng. Bên cạnh đó, thời thế thay đổi cũng là lúc tạo ra cơ hội cho các hãng hàng không còn non trẻ vươn lên. Cuối tuần qua, hãng hàng không Qatar Airways thông báo sẽ mua một lượng cổ phiếu tối thiểu tại hãng hàng không Italia - Meridiana, một động thái sẽ giúp mở rộng hệ thống của hãng sang châu Âu. 

Trong khi đó, EasyJet đang đấu thầu để mua tới 30 máy bay của Air Berlin cũng như các đội phi hành đoàn, chỗ đỗ, chủ yếu ở sân bay Tegel, Berlin. Còn hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Âu Ryanair đang muốn tiếp nhận các máy bay 737 MAX mà Monarch đã đặt hàng.

Ngoài ra, một số đối tác khác như IAG, Wizz và Norwegian Air Shutlle lại quan tâm tới chỗ đỗ của Monarch tại các sân bay lớn ở Vương quốc Anh như Gatwick, Luton, Birmingham. Về dài hạn, những hãng hàng không "tí hon" như Ryanair, EasyJet sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, chuyên gia John Grant đến từ Công ty Tư vấn Hàng không JG dự báo.

Các tin khác