G7 tăng cường trừng phạt Nga

Ukraine sẽ là vấn đề lớn của châu Âu khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt vào Nga.

Ukraine sẽ là vấn đề lớn của châu Âu khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt vào Nga.

Ngày 26-4, lãnh đạo các nước G7 đã cùng đồng ý thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, những biện pháp này sẽ được Hoa Kỳ công bố vào ngày 28-4 này với nội dung được cho là sẽ ảnh hưởng đến nhiều cá nhân và có thể toàn bộ người dân Nga.

Trước đó, trong ngày 25-4, các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama và 4 đồng minh chủ chốt của châu Âu đã đồng ý rằng Nga đã không thể thực hiện các điều khoản của hiệp ước hòa bình Ukraine, và các nước sẽ cùng phối hợp để áp đặt trừng phạt lên Nga.

Các nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau, thông qua qua nhóm G7 và Liên minh châu Âu, phối hợp các bước bổ sung để áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tiếp tục nhấn mạnh Nga vẫn có thể chọn một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, bao gồm việc thực hiện hiệp định Genève.

Tuy nhiên trên thực tế, chính quyền Hoa Kỳ dường như gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía châu Âu trong việc thực hiện lệnh trừng phạt. Theo phân tích từ Dow Jones, những biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ không được đưa ra vào cùng ngày. Trong khi đó, một nhóm ly khai vũ trang ở thành phố Slaviansk phía đông của Ukraine đã bắt giữ một chiếc xe buýt chở các quan sát viên quốc tế đến từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Bộ Nội vụ Ukraine vẫn đang tìm cách đàm phán nhằm trả tự do cho các quan sát viên. Được xem như mâu thuẫn tồi tệ nhất giữa phương Tây và Nga kể từ thời chiến tranh lạnh, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang làm các nhà đầu tư lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hy vọng về một hướng giải quyết đã tiêu tan khi Ukraine tuyên bố chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn vào lễ Phục sinh hồi đầu tuần này.

Vào ngày 25-4, Hoa Kỳ cũng cho biết nước này đã chuẩn bị để áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm đáp trả các hành động mới nhất của Nga. Đối với những nhà đầu tư, tình trạng bạo lực leo thang đem đến cho họ nhiều mối quan ngại. Đầu tiên là mức độ rủi ro cao về chính trị và các cơn bất ổn tài chính gây ra bởi sự sáp nhập của Nga và Crimea tháng 3 vừa rồi đã bắt đầu tác động đến quyết định của nhà đầu tư khi họ treo kế hoạch đầu tư cho đến khi những triển vọng về kinh tế và chính trị trở nên rõ ràng hơn.

Cuộc khủng hoảng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán của Nga và Ukraine. So với đầu năm, chỉ số MICEX của Nga giảm khoảng 13% và đồng USD đã tăng giá thêm 8,5% so với đồng rúp. Tiền tệ của Ukraine cũng điêu đứng, mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất. Đồng USD đã tăng khoảng 35% so với đồng hryvnia từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và EU đã áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số quan chức Ukraine và Nga. Về phía Nga, Moscow trả đũa bằng cách áp đặt biện pháp trừng phạt riêng của mình. Hôm 24-4, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng các hình phạt bổ sung đã được chuẩn bị, và sẽ được thực hiện nếu Nga không chịu nhượng bộ.

Theo một chuyên gia phân tích kinh tế của CNBC, những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn - chẳng hạn như những áp đặt trên lĩnh vực tài chính thương mại - có khả năng sẽ đẩy nền kinh tế của Nga và có lẽ ngay cả Liên minh châu Âu vào suy thoái. Lệnh trừng phạt cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường khí đốt vì Nga hiện cung cấp khoảng 1/3 khí đốt tự nhiên của châu Âu và một số được phân phối thông qua các đường ống chạy ngang Ukraine.

Nhìn chung, việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho EU qua Ukraine sẽ là một cú sốc cho nhiều công ty phương Tây, nhưng cũng sẽ làm thiệt hại đáng kể cho dòng ngân sách của Nga.

Các tin khác