Cuộc chia tay tốn kém

Starbucks sẽ trả cho Kraft Foods 2,75 tỷ USD để kết thúc vụ tranh chấp kéo dài xung quanh việc phá vỡ thỏa thuận phân phối cà phê đóng gói Starbucks tại các cửa hàng tạp hóa của Kraft.

Starbucks sẽ trả cho Kraft Foods 2,75 tỷ USD để kết thúc vụ tranh chấp kéo dài xung quanh việc phá vỡ thỏa thuận phân phối cà phê đóng gói Starbucks tại các cửa hàng tạp hóa của Kraft.

Khoản thanh toán nói trên là theo quyết định của trọng tài kinh tế, sau khi xem xét sự việc 3 năm trước, Starbucks đã phá vỡ mối quan hệ lâu dài với Kraft bất chấp sự phản đối của Kraft. Starbucks cho biết sẽ sử dụng một phần trong số 3,2 tỷ USD hiện có trong tay và khả năng vay vốn có sẵn để trả Kraft, và đưa khoản thanh toán này vào chi phí hoạt động của năm tài chính bắt đầu vào tháng 10.

Theo thỏa thuận, Mondelez, công ty sản xuất bánh kẹo đã được tách ra từ Kraft hồi năm 2012, sẽ nhận được các khoản thanh toán từ Starbucks. Mondelez bày tỏ sự hài lòng vì trọng tài đã nhìn nhận rằng Starbucks vi phạm hợp đồng với Kraft: “Chúng tôi vui mừng khi vượt qua vấn đề này. Bây giờ có thể hoàn toàn tập trung vào phát triển kinh doanh đồ ăn nhẹ trên toàn cầu”. Mondelez lên kế hoạch dùng số tiền thu được từ Starbucks để thêm vào nguồn quỹ 6 tỷ USD công ty đã phân bổ cho đợt mua lại cổ phiếu hạng A.

Kraft bắt đầu bán cà phê Starbucks đóng gói trên hệ thống các cửa hàng tạp hóa của hãng từ năm 1998. Năm 2010, doanh thu bán hàng đã lên tới khoảng 500 triệu USD. Đột ngột, tháng 8-2010 Starbucks đề nghị trả cho Kraft 750 triệu USD để chấm dứt hợp đồng. Động thái này đã dẫn đến cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa 2 gã khổng lồ.

Ở thời điểm đó, việc kinh doanh sản phẩm cà phê ly K-cup đã bắt đầu bùng nổ, nhưng vì thỏa thuận với Kraft nên Starbucks bị hạn chế chỉ có thể bán loại K-cup thích hợp với các máy pha cà phê Tassimo của Kraft. Trong lúc đó, Green Mountain Coffee gần như chiếm lĩnh phân khúc thị trường này bằng hệ thống máy Keurig của mình, khiến Starbucks có nguy cơ thất thế. Từ khi chia tay Kraft, Starbucks đã bán được hơn một tỷ K-cup và thị phần tăng 18,4%.

Sản phẩm Starbucks từng được Kraft bán trong các cửa hàng tạp hóa.

Sản phẩm Starbucks từng được Kraft bán trong các cửa hàng tạp hóa.

Trong một tuyên bố, Starbucks cho biết nhẹ nhõm vì vụ việc đã kết thúc, mặc dù không đồng ý với quyết định của trọng tài: “Chúng tôi cho rằng Kraft đã không có trách nhiệm với thương hiệu của chúng tôi như thỏa thuận, kết quả là hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, và chúng tôi có quyền chấm dứt hợp đồng mà không thanh toán cho Kraft”.

Theo Starbucks, “kênh phát triển kinh doanh” đã mang lại doanh thu 1,4 tỷ USD trong năm tài chính 2013, trong đó bao gồm cà phê hạt và cà phê bột đóng gói trước đây được bán theo thỏa thuận với Kraft, cũng như frappucino đóng chai, cà phê ly và các sản phẩm khác được bán thông qua các cửa hàng tạp hóa.

Trong vòng 2 năm, số lượng sản phẩm cà phê Starbucks bán tại các cửa hàng như thế đã tăng từ 39 lên 53, chủ yếu nhờ doanh số tăng mạnh của K-cup và các sản phẩm mới như Starbucks Discoveries được bày bán trong quầy sản phẩm sữa ở các cửa hàng.

Lợi nhuận Starbucks thu được từ các sản phẩm đó đã tăng 47% trong 2 năm qua, một phần vì công ty đã không phải chia sẻ doanh thu với Kraft. “Các kết quả trong 2 năm rưỡi qua chứng minh rằng kết quả kinh doanh tốt hơn đáng kể so với trước khi giành lại quyền kiểm soát trực tiếp từ Kraft” - Starbucks tuyên bố.

Các tin khác