CEO Carlos Brito: Ông vua ngành bia

(ĐTTCO)-Là người đứng sau hàng loạt thương vụ thâu tóm các công ty sản xuất bia tầm cỡ trên thế giới, một tay giải cứu công ty sản xuất bia lâu đời nhất nước Mỹ vượt qua khủng hoảng, cũng như đã đưa tên tuổi Budweiser và Corona trở thành thương hiệu bia toàn cầu được nhiều người ưa chuộng, CEO Carlos Brito đã đưa Công ty Anheuser-Busch InBev trở thành công ty sản xuất bia quy mô lớn nhất thế giới.
CEO Carlos Brito: Ông vua ngành bia
Carlos Brito bắt đầu sự nghiệp của mình tại Công ty bia Ambev có trụ sở tại quê hương Rio de Jainero, Brazil từ năm 1989. Ông giữ nhiều vị trí quản lý khác nhau về tài chính, hoạt động và bán hàng, trước khi được bổ nhiệm làm CEO Ambev vào tháng 1-2004.
Dưới sự đỡ đầu của “bố già” người Thụy Sĩ gốc Brazil Jorge Paul Lemann, ông trùm ngành bia của Nam Mỹ, đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, phong cách quản lý và triết lý kinh doanh của Brito. Ông là mẫu người giản dị, không thích xa hoa và hào nhoáng, nhưng trái với vẻ ngoài đơn giản ấy là một Carlos Brito quyết liệt, dứt khoát và đầy tham vọng trên thương trường. 
Thương vụ kỷ lục ngành bia thế giới
Ngay sau khi được bổ nhiệm CEO, Carlos Brito với sức mạnh tài chính dồi dào hậu thuẫn từ tỷ phú Jorge Paul Lemann, đã quyết định thương vụ mua lại Công ty sản xuất bia lớn nhất của Bỉ InterBrew, nhà sản xuất của 2 thương hiệu bia nổi tiếng Stella Artois và Beck’s.
Số tiền Công ty bia Ambev phải bỏ ra để có được InterBrew lên đến 11,5 tỷ USD, một số tiền khổng lồ so với Ambev, và đổi tên công ty thành InBev. Tuy nhiên, Carlos Brito có lý do khi mang InterBrew về, giúp công ty sở hữu công nghệ nấu bia và ủ men hàng đầu tại châu Âu, cùng với đó là những nhà máy bia tại Trung Quốc và công ty bia Labatt tại Canada. 
Sau thương vụ này, công ty mới InBev đã tăng được 14% thị phần trên thị trường bia thế giới, sản phẩm có mặt tại 140 quốc gia, mang về doanh thu 9,5 tỷ EUR (tương đương hơn 10 tỷ USD) mỗi năm. Chiến công đầu tiên này đánh dấu các cuộc chinh phục vĩ đại hơn của Carlos Brito về sau.
Với tham vọng xây dựng InBev trở thành đế chế lớn nhất trong ngành công nghiệp bia, Brito đặt mục tiêu sở hữu thêm danh mục sản phẩm 2 sắc đỏ trắng đặc trưng của nhãn hiệu bia Budweiser, con gà đẻ trứng vàng của Công ty Anheuser-Busch, công ty có đến 186 năm tuổi ở Mỹ, là niềm tự hào trong ngành công nghiệp bia của xứ cờ hoa.
Và vào năm 2008, CEO Carlos Brito đã tiến hành mua lại công ty Anheuser-Busch từ gia đình nhà Busch. Thương vụ này tốn không ít giấy mực của báo giới khi có sự góp mặt và can thiệp của hàng loạt nhân vật kỳ cựu tại nước Mỹ lúc bấy giờ. 
Cố nghị sĩ John McCain, cổ đông lớn nhất của Anheuser-Busch, cùng cựu Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ đang là ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ bang Illinois, đều bày tỏ quan điểm ủng hộ sự độc lập của Anheuser-Busch và phản đối gay gắt thương vụ mua bán của CEO Carlos Brito.
Ông Obama thậm chí còn tuyên bố sẽ là một “nỗi ô nhục” nếu Anheuser-Busch bị một công ty nước ngoài mua lại. Thương vụ dần trở nên căng thẳng gây chia rẽ nội bộ ở cả 2 công ty, những trang web phản đối thương vụ này cũng nhanh chóng mọc lên như nấm, biến vụ việc thành vấn đề chính trị mang tính quốc gia. 
Chỉ cho đến khi Carlos Brito nâng mức giá trị mua lại Anheuser-Busch từ 46,3 tỷ USD lên đến 52 tỷ USD, giá cổ phiếu của Anheuser-Busch tăng từ 65USD lên 70USD, lúc này các cổ đông công ty bị thâu tóm bao gồm tỷ phú Warren Buffet bắt đầu ngã theo lời đề nghị của Brito.
Thương vụ kết thúc giúp hình thành một “siêu tập đoàn” sản xuất bia Anheuser-Busch InBev (AB InBev) dưới sự lãnh đạo của CEO Carlos Brito, sở hữu hơn 200 sản phẩm trên toàn cầu cùng nhiều quyền lợi hấp dẫn khác. 
Với việc sáp nhập công ty sản xuất bia Anheuser-Busch, Carlos Brito đã trở thành niềm tự hào của người Brazil và khu vực Mỹ Latin, đồng thời giải cứu Anheuser-Busch, biểu tượng ngành công nghiệp bia của Mỹ thoát khỏi sụp đổ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Luôn tạo áp lực vươn lên
Phát biểu trước hàng trăm sinh viên tại Trường Kinh doanh Stanford năm 2010, ông chủ AB InBev cho biết: "Nếu muốn điều tốt nhất từ mọi nhân viên, bạn phải luôn luôn tạo áp lực lên họ". AB InBev giờ đây đã trở thành một “siêu tập đoàn” đa quốc gia, với tổng số nhân viên lên đến hơn 100.000 người trên toàn cầu, cùng những sự khác biệt về văn hóa, phong cách làm việc tại từng khu vực.
Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo cần có một quy chuẩn chung để có thể thực hiện tốt công tác quản lý và vận hành doanh nghiệp một cách trơn tru.
Carlos Brito được biết đến là một tỷ phú bình dân, luôn mặc quần jeans đi làm, không có văn phòng riêng và chuộng vé máy bay hạng phổ thông. Toàn bộ ban lãnh đạo Anheuser-Busch InBev, kể cả giám đốc tài chính hay giám đốc bán hàng đều ngồi làm việc quanh một cái bàn lớn tại trụ sở ở Đại lộ Park, New York (Mỹ).
"Việc đó sẽ giúp thông tin của công ty luôn chuyển động. Chúng tôi sẽ có được sự kết nối với các thành viên trong những cuộc họp 2 phút quanh chiếc bàn lớn này. Nhiều công việc được giải quyết ngay lập tức. Không có chỗ nào để che giấy bất kỳ điều gì" - CEO Brito đã chia sẻ. 
Tuy nhiên, trái với vẻ bề ngoài dễ gần và hiền lành, Brito là một mẫu nhà lãnh đạo luôn đề cao tính kỷ luật và yêu cầu sự chỉn chu cao nhất trong công việc. Brito luôn yêu cầu các nhân viên phải thể hiện tối đa khả năng trong công việc, và nghiêm khắc có thể cho thôi việc nếu họ không đạt được tiến độ làm việc ông yêu cầu. 
Bên cạnh đó, để AB InBev có thể thực hiện hàng loạt cuộc thâu tóm khác trên thị trường, đòi hỏi Carlos Brito cần phải đảm bảo nguồn lực về tài chính đủ mạnh. Brito đã đưa ra hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Các nhân viên và thành viên công đoàn kể lại rằng, trong giai đoạn đàm phán và thương thảo để mua lại SABMiller, một công ty sản xuất bia có trụ sở tại Anh quốc, CEO Carlos Brito đã cắt giảm các khoảng thưởng và hủy bỏ tất cả các chuyến du lịch thường niên của nhân viên.
Thậm chí, Brito còn yêu cầu nhân viên sử dụng thang bộ trong vài tháng để tiết kiệm khoản tiền điện tiêu tốn cho thang máy tại Tổng hành dinh của AB InBev tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Và nhờ hàng loạt chính sách cắt giảm ngân sách, Carlos Brito đã có đủ nguồn lực hoàn tất thương vụ thâu tóm SABMiller với trị giá cao kỷ lục trong các thương vụ M&A lịch sử, 92 tỷ EUR (tương đương 100 tỷ USD). 
Trong suốt những năm tháng hợp tác cùng Jorge Paul Lemann, giúp ảnh hưởng đến góc nhìn và tư tưởng hành động của Carlos Brito. Điều này giúp ông có những chiến lược hợp lý nhằm ứng biến với những sự biến đổi khó lường trên thị trường.
Vào năm ngoái, khi thị trường chủ lực Bắc Mỹ đột ngột giảm mạnh doanh thu, cổ phiếu rớt giá đến 40%, điều này bắt nguồn từ sự thay đổi thói quen khi người tiêu dùng hạn chế sử dụng các chất có cồn. Ngay lập tức, Brito quyết định chuyển hướng đến 4 thị trường lớn khác như Anh, Đức, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.
Tại World Cup năm 2018, Nga đăng cai chủ nhà của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, AB InBev là 1 trong những nhà tài trợ chính của giải đấu. Điều đó giúp sản phẩm bia Budweiser nghiễm nhiên được hàng loạt các cổ động viên tại Nga lựa chọn trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội bóng đá.

Các tin khác