Xử lý nợ xấu vào giai đoạn quyết liệt

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, năm 2014 ngành NH sẽ tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực để quyết liệt xử lý nợ xấu. Trong khi đó, thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết năm nay sẽ mua khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Đáng chú ý là hoạt động của VAMC năm 2014 sẽ tập trung nhiều hơn cho việc xử lý nợ, chứ không chỉ đơn thuần là mua nợ.

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, năm 2014 ngành NH sẽ tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực để quyết liệt xử lý nợ xấu. Trong khi đó, thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết năm nay sẽ mua khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Đáng chú ý là hoạt động của VAMC năm 2014 sẽ tập trung nhiều hơn cho việc xử lý nợ, chứ không chỉ đơn thuần là mua nợ.

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho rằng, đến thời điểm này thành công lớn nhất của VAMC chính là đã tạo được lòng tin cho thị trường. Trước khi ra đời, khá nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình VAMC, nhiều tổ chức tín dụng cũng chần chừ không dám bán nợ, nhưng đến nay đã có hàng loạt NH xếp hàng bán nợ cho VAMC.

Tính đến hết năm 2013, VAMC đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị TPĐB. Một số ý kiến cho rằng, chính nhờ số nợ xấu khá lớn này được bán cho VAMC nên dòng chảy tín dụng đã bước đầu được khai thông. Tăng trưởng tín dụng năm 2013 ban đầu tưởng chừng bế tắc, nhưng cuối cùng vẫn đạt trên 12% như kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực VAMC, phân tích: “Với gần 39.000 tỷ đồng nợ xấu VAMC mua trong năm 2013 đã có hàng ngàn doanh nghiệp được giải quyết nợ xấu, nên được hỗ trợ vốn để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Chủ trương chung của Chính phủ cũng như NHNN là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu từ VAMC. Sự hấp dẫn của VAMC là ở chỗ các khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại rõ ràng và các tài sản đi kèm với nó đảm bảo cơ sở pháp lý. Đây là tiền đề minh bạch thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Với cơ chế hoạt động của VAMC, những doanh nghiệp - khách hàng vay bị nợ xấu cảm thấy yên tâm hơn. Đã có doanh nghiệp bày tỏ mong muốn NH bán khoản nợ xấu của họ cho VAMC, để họ có thể tạm gác khoản vay này sang một bên, tìm phương án sản xuất kinh doanh mới hiệu quả hơn”.

Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, VAMC đã xây dựng kế hoạch mua 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB trong năm 2014. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết năm nay VAMC sẽ xây dựng đề án mua nợ theo giá thị trường.

Để triển khai đề án này, vấn đề quan trọng nhất là vốn. Vốn sẽ được bổ sung từ ngân sách và huy động từ các tổ chức quốc tế theo hình thức “tiền tươi thóc thật”. Cũng trong năm 2014, VAMC sẽ tiếp tục rà soát lại tất cả văn bản, quy định pháp luật để kiến nghị với Thủ tướng, các cấp, các ngành hỗ trợ VAMC trong việc hoàn chỉnh thủ tục, nhất là cơ chế xử lý các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

“Một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 của VAMC là cùng các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tiến hành cơ cấu lại nợ, xác định cụ thể những khoản nợ nào có thể cứu chữa được sẽ tiếp tục cho tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào có khả năng tiếp tục phát triển ổn định có thể tiếp tục bơm vốn cho vay tiếp. Đối với khoản nợ không còn khả năng cứu chữa được nữa bắt buộc phải cho doanh nghiệp giải thể, phá sản, hoặc phát mại tài sản theo quy định của pháp luật” - ông Hùng cho biết.

Trong kế hoạch năm nay, VAMC sẽ xem xét việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Phân tích về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc Chính phủ mới đây phát đi thông điệp cho người nước ngoài mua bất động sản sẽ giúp xử lý nợ xấu của Việt Nam tiến hành nhanh hơn.

“Chúng ta đang sở hữu một lượng tuy nợ là xấu nhưng lại có tài sản đảm bảo không xấu tí nào. Đây là cú hích, cú đột phá quan trọng về mặt chính sách rất thuyết phục với thị trường góp phần tăng tổng cầu” - ông Phước nói.

Theo đánh giá của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặc dù các giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hóa còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp.

Năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.

Để nâng cao chuẩn mực trong quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng, NHNN vẫn quyết định áp dụng Thông tư 02 kể từ ngày 1-6-2014. Tuy nhiên, căn cứ thực tế, NHNN sẽ xem xét một số tiêu chí, nội dung đặt ra lộ trình áp dụng cụ thể cho phù hợp để các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng của Việt Nam được tiếp cận và có thời gian để chuẩn bị từng bước áp dụng quy định này.

Các tin khác