Xu hướng mở rộng ngân hàng bán lẻ

Năm 2013, tín dụng dành cho doanh nghiệp (DN) bị nghẽn do nợ xấu nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng trưởng tốt và dự báo vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Trong bối cảnh đó, nhiều NHTM đã nắm bắt thời cơ mua lại, sáp nhập, thành lập công ty tài chính để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, với kỳ vọng mở rộng đầu ra cho tín dụng từ tiêu dùng.

Năm 2013, tín dụng dành cho doanh nghiệp (DN) bị nghẽn do nợ xấu nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng trưởng tốt và dự báo vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Trong bối cảnh đó, nhiều NHTM đã nắm bắt thời cơ mua lại, sáp nhập, thành lập công ty tài chính để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, với kỳ vọng mở rộng đầu ra cho tín dụng từ tiêu dùng.

Sáp nhập công ty tài chính

Phát triển NH bán lẻ đang là xu hướng chung của hệ thống NH để tìm đầu ra tín dụng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ, cho vay DN gặp khó khăn. Xu hướng này lại đang có điều kiện tốt để phát triển vì NHNN đang khuyến khích hợp nhất, sáp nhập với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác để tái cấu trúc.

Bởi sau khi sáp nhập, hợp nhất, NH sẽ dễ dàng mở rộng mạng lưới, tận dụng cơ sở vật chất và nhân lực của NH sáp nhập để mở rộng NH bán lẻ. Thậm chí, với tầm nhìn xa hơn, không chỉ sáp nhập với NHTM mà một số NH còn hướng thẳng vào mục tiêu mua lại, sáp nhập với công ty tài chính để nhanh chóng tiếp cận, phủ rộng thị phần trong mảng cho vay tiêu dùng.

Việc sáp nhập giữa NH và công ty tài chính là để 2 bên hỗ trợ lẫn nhau, trong đó NH sẽ có lợi thế gia tăng được tiềm lực và thương hiệu, nhưng chắc chắn các NH cũng sẽ có sự chọn lọc, tính toán hợp lý để tránh “ôm” lấy một đối tác sức khỏe kém, nợ xấu cao. Dù nhiều ý kiến cho rằng NH mua công ty tài chính là mua cả rủi ro, song thực tế trong rủi ro vẫn có những lợi ích mà chính NH mới hiểu được.

TS. Cao Sỹ Kiêm,
Nguyên Thống đốc NHNN

Hồi cuối năm 2013, HDBank đã gây chú ý khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Việt - Societe Generale (SGVF) thuộc Tập đoàn Société Générale (Pháp), chuyển thành công ty con của HDBank, mang tên HDFinance. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết việc sáp nhập với SGVF là một trong những mục tiêu đề án tái cấu trúc của HDBank, bởi SGVF có khoảng 1.200 nhân viên, mạng lưới hoạt động có mặt tại 49 tỉnh, thành trên toàn quốc với dịch vụ tài chính cá nhân phát triển.

Tận dụng lợi thế này, HDFinance sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm cho vay giải ngân tiền mặt, đồng thời cung ứng cho khách hàng của SGVF các sản phẩm NH truyền thống dành cho khách hàng cá nhân của HDBank. Hay Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) cũng đã hợp nhất với Western Bank lấy tên mới là PVcomBank, để tận dụng lợi thế đôi bên phát triển các sản phẩm dịch vụ như huy động vốn cá nhân, dịch vụ thanh toán, thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm và đặc biệt là mảng dịch vụ NH bán lẻ.

Sau 2 thương vụ trên, việc sáp nhập với công ty tài chính dường như được nhiều NH chú ý hơn. Trong mùa đại hội cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Maritime Bank cũng xin ý kiến cổ đông ủy quyền để thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực tài sản đảm bảo, kinh doanh ngoại hối, vàng, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán… 

Giải thích rõ về nội dung tờ trình, ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank, cho biết ủy quyền này có thể tạo điều kiện cho Martime Bank thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để phát triển mảng cho vay tiêu dùng một cách chuyên biệt. Tại SHB, cổ đông cũng đã thông qua tờ trình về việc tham gia tái cấu trúc đối với một công ty tài chính, nhận sáp nhập công ty này thành công ty con trực thuộc mà SHB đưa ra.

Theo lãnh đạo SHB, chủ trương của SHB là trở thành NH bán lẻ đa năng, vì vậy chọn một công ty tài chính để sáp nhập sẽ tận dụng được lợi thế đội ngũ chuyên viên tài chính, đầu tư chuyên nghiệp, trình độ cao. Tại Vietcombank, dù có lợi thế cho vay đối với nhiều DN lớn, dự án lớn, nhưng NH này cũng đã đề xuất thành lập công ty tín dụng tiêu dùng trong năm 2014 để đẩy mạnh bán lẻ, cạnh tranh với các NH khác.

Chọn lọc để sáp nhập

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh Việt Nam, khi NH theo đuổi chiến lược NH bán lẻ mạng lưới rộng sẽ là lợi thế. Nếu trong điều kiện công nghệ hiện đại, internet banking, mobile banking phát triển NH không cần nhiều chi nhánh, vì trong các giao dịch NH phần lớn sẽ thực hiện trực tuyến, nhưng tại Việt Nam, giao dịch trực tuyến chưa phát triển và người dân chưa tin vào giao dịch trực tuyến.

Do đó xu hướng giao dịch trực tuyến chưa phải là vấn đề các NHTM quan tâm mà trước mắt là sử dụng giao dịch qua NH bán lẻ. Mới đây, Thủ tướng cũng đã ban hành Nghị định 39 về công ty tài chính, cho thuê tài chính. Theo đó, công ty tài chính sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ như bảo lãnh, bao thanh toán và phát hành thẻ tín dụng như một NHTM, giúp các công ty tài chính hỗ trợ tốt hơn cho NH.

Tuy nhiên, trước một số ý kiến quan ngại đối với các cuộc “hôn nhân” giữa NH và công ty tài chính khi thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy năm 2013 nợ xấu của công ty tài chính và cho thuê tài chính cao nhất trong các TCTD, lần lượt là 21,96% và 37,53%, điều này cho thấy rủi ro của các đơn vị này là rất lớn.

Thực tế, việc các NH đẩy mạnh mua lại công ty tài chính để phát triển NH bán lẻ cũng dễ hiểu. Bởi năm 2013, NHNN công bố tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 12,51%, tuy nhiên thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết chỉ có khoảng 15% số DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn NH. Trong báo cáo về tín dụng mới nhất, NHNN cho biết tính đến hết ngày 22-4, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013, nhưng báo cáo của Ủy ban

Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng đến thời điểm này cải thiện sản xuất vẫn còn hạn chế, đầu tư trong nước vẫn còn chậm và dự báo tình hình này vẫn chưa thể thoát ra được trong một sớm một chiều. Trong khi đó, thống kê của Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, năm 2013 quy mô thị trường cho vay tiêu dùng ở nước ta đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Nhiều NH cũng cho biết tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 chủ yếu là nhờ tín dụng tiêu dùng, chiếm đến 50-70% tổng dư nợ. Do vậy, năm 2014, nhiều NH đã thể  hiện rõ mong muốn theo đuổi lĩnh vực bán lẻ, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để khơi thông đầu ra.

HDBank đã thành công khi mua lại một công ty tài chính để mở rộng NH bán lẻ. Ảnh: LONG THANH

HDBank đã thành công khi mua lại một công ty tài chính để mở rộng NH bán lẻ.
Ảnh: LONG THANH

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết nhu cầu vốn của DN có nhưng cho vay không còn thuận lợi như trước, nên từ năm nay Sacombank có kế hoạch đi sâu vào mảng NH bán lẻ hơn vì đã có lợi thế chi nhánh ở nhiều tỉnh thành, quận huyện.

Mới đây, Eximbank cũng đã thông báo tuyển dụng hơn 550 chuyên viên tư vấn khách hàng cá nhân trên toàn quốc nhằm phát phát triển dịch vụ NH bán lẻ và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới. Đối với việc các NH sáp nhập với công ty tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều tất yếu và cũng là giải pháp tốt để tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam.

Các tin khác