Ưu đãi phải đồng hành giải ngân

Không như các gói tín dụng ưu đãi lãi suất NH đưa ra trước đây “nói nhiều hơn giải ngân”, chương trình tín dụng bình ổn giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ đã thực sự kích được cầu tín dụng.

Không như các gói tín dụng ưu đãi lãi suất NH đưa ra trước đây “nói nhiều hơn giải ngân”, chương trình tín dụng bình ổn giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ đã thực sự kích được cầu tín dụng.

Năm 2013, các NHTM trên địa bàn thành phố đã cam kết cho 59 doanh nghiệp (DN) vay ngắn, trung và dài hạn với số tiền 1.960 tỷ đồng. Trong đó, 860 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, lãi suất khoảng 6%/năm; 1.100 tỷ đồng cho vay trung, dài hạn để đầu tư dự án sản xuất. Năm nay có 8 NHTM (Sacombank, Eximbank, HDBank, MB, DongA Bank, Agribank, BIDV, VietinBank) ký hợp đồng tín dụng với các DN, cam kết giải ngân tổng số vốn lên đến 8.300 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường, hàng hóa nhất là trong dịp tết cổ truyền cuối năm nay. Lãi suất cho vay ngắn hạn của chương trình chỉ dao động từ 5,5-6%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn 7-10%/năm tùy từng DN, NH sẽ áp dụng mức lãi suất phù hợp.

Cùng với chương trình kết nối NH-DN, đã giải ngân trên 16.000 tỷ đồng năm 2013. Trong năm nay, NHNN TPHCM tiếp tục kêu gọi các NH đẩy mạnh chương trình kết nối NH-DN, với số vốn giải ngân dự kiến đến 20.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay không quá trần quy định của NHNN đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 8%/năm. Còn mức lãi suất phổ biến được áp dụng cho chương trình này vào khoảng 8-9%/năm. Tính từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn TPHCM cũng đã ký giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng cho các DN sản xuất, kinh doanh.

Chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thông qua hình thức này có thể xã hội hóa được nguồn vốn, ngân sách không mất tiền, các NH có thể tham gia cho vay ưu đãi. Qua đó tạo được đòn bẩy về vốn cho DN với mức lãi vay hợp lý để sản xuất cũng như tạm trữ hàng hóa, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển tín dụng.

Ông Nguyễn Phước Thanh,
Phó Thống đốc NHNN

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết năm 2014 Sacombank dành nguồn vốn 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (trong đó 500 tỷ đồng dành cho DN tham gia bình ổn thị trường và 1.000 tỷ đồng cho đơn vị cung ứng DN bình ổn) để tham gia bình ổn thị trường. Lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6%/năm. Từ đầu năm đến nay, Sacombank cũng đã triển khai được 8 gói cho vay ưu đãi trị giá 10.550 tỷ đồng và 60 triệu USD, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN. Chính nhờ tham gia tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, nên tăng trưởng dư nợ của Sacombank trong những tháng đầu năm nay cũng khá ấn tượng, tính đến hết ngày 10-4 tăng được 4,7%. Kế hoạch tín dụng Sacombank đưa ra cho năm nay ở mức 13%.

Thực tế hiện nay lãi suất không còn là rào cản lớn đối với DN trong quá trình tiếp cận NH, mà quan trọng hơn vẫn là đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, lãi suất giảm và ưu đãi thấp từ phía nhà cung ứng vốn cũng được xem là động lực thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh.

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay mới hiện nay đã trở về bằng mức lãi suất cho vay của giai đoạn 2005-2006. Còn nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, đối với lãi suất của các khoản cho vay cũ, theo NHNN đây là thỏa thuận dân sự đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng giữa TCTD và khách hàng, nên việc điều chỉnh giảm lãi suất phải thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa NH và khách hàng.

Song các NH cũng phải rà soát, xem xét khả năng tài chính, chi phí vốn huy động để có căn cứ giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nếu như vào thời điểm trước 15-7-2012, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm tới 65,8% thì hiện nay chỉ còn chiếm tỷ lệ 5,6%; dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn khoảng 17-18% trong tổng dư nợ cho vay so với tỷ lệ 31% vào cuối tháng 6-2013.

Đối với dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm, chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng các mặt hàng có khấu hao lớn, vay tín chấp, các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao, khoản vay trung, dài hạn của các DN không có khả năng phục hồi, có nguy cơ phá sản.

HDBank vừa ký kết hợp tác hỗ trợ vốn với các DN  tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015. Theo đó, HDBank dành 1.000 tỷ đồng tham gia chương trình trong tổng hạn mức tín dụng ưu đãi các NH đăng ký dành cho chương trình năm nay 8.300 tỷ đồng. Các DN tham gia bình ổn thị trường sẽ được vay vốn tại HDBank với mức lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.

MB cũng cho biết dành 2.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi cho các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014. Đây là chương trình hỗ trợ của MB  nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn. Theo đó, MB dành 1.000 tỷ đồng  cho DN vay vốn ngắn hạn để sản xuất, dự trữ  hàng hóa lãi suất 6-8%/năm, tối đa 12 tháng và 1.000 tỷ đồng cho DN vay trung, dài hạn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang trại, điểm bán,  lãi suất tối đa 10%/năm, thời hạn vay tối đa lên tới 60 tháng.

Agribank cho biết tiếp tục tham gia và giao cho chi nhánh Lý Thường Kiệt thực hiện cho vay bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 với tổng hạn mức tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng. Chương trình của Agribank tham gia thông qua các gói tín dụng: cho vay đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho DN để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ chương trình bình ổn thị trường với lãi suất 6%/năm; cho vay đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho DN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang trại, điểm bán… phục vụ chương trình bình ổn thị trường lãi suất 9,5%/năm; cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho những đơn vị sản xuất hàng hóa cung ứng cho hệ thống phân phối hàng phục vụ chương trình bình ổn thị trường lãi suất 9%/năm.

Các tin khác