Chỉ số mới và câu chuyện cũ

Trước khi VN30 ra đời, thị trường đã xuất hiện không ít chỉ số ngoài 2 chỉ số chính là VN Index và HNX Index nhưng tất cả đều không đi đến đâu.

Trước khi VN30 ra đời, thị trường đã xuất hiện không ít chỉ số ngoài 2 chỉ số chính là VN Index và HNX Index nhưng tất cả đều không đi đến đâu.

Mua danh để làm thương hiệu

Năm 2007, CTCK Biển Việt (CBV) gây chú ý thị trường khi xây dựng Chỉ số Tập đoàn và Doanh nghiệp Việt Nam (CBV Index). Vài năm trước, CTCK này tiếp tục cho “ra lò” những chỉ số với cái tên rất “kêu” khác như Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.

Cuối năm 2009, CBV “bán mình” cho tập đoàn tài chính Woori của Hàn Quốc và đổi tên thành Woori CBV. Hiện nay, tại website của Woori CBV nhiều người sẽ không khỏi “choáng” khi chứng kiến một loạt chỉ số/bộ chỉ số mà CTCK này xây dựng, từ chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, đến chỉ số vĩ mô, chiến lược…

Bên cạnh đó, Woori CBV còn công bố Hội đồng Chỉ số Vietnam Securities Index của mình với những chuyên gia mà tên tuổi không còn xa lạ gì với NĐT hiện nay. Nhưng tất cả chỉ dẫn đến một kết cục là… chẳng mấy ai quan tâm đến chỉ số do CTCK này lập nên với cảm giác chung là nó không thực. Liệu những chuyên gia mà Woori CBV công bố trong hội đồng của mình có “thật” hay chỉ là “nổ” cho có?

Nhiều NĐT đặt câu hỏi VN30 đại diện cho điều gì và bản chất ra sao? Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NĐT đặt câu hỏi VN30 đại diện cho điều gì và bản chất ra sao? Ảnh: LÃ ANH

Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết các thành phần quan trọng của TTCK đều tham gia thiết lập chỉ số mang nhãn mác của mình, từ CTCK, quỹ đầu tư cho đến cả một tờ báo chuyên ngành nhưng lại không thấy một mục đích rõ ràng.

Có thể kể ra 3 mục đích thường gặp của việc lập chỉ số bao gồm: làm thương hiệu, củng cố cho hoạt động và khai thác tìm kiếm lợi nhuận.  Nhưng cho đến nay chưa một đơn vị nào thành công. Nói về việc làm thương hiệu thì hiện nay ngoài VN Index, HNX Index và sắp tới là VN30, chưa có một chỉ số nào khác đủ sức lan tỏa mạnh mẽ.

Năm ngoái, “bức xúc” trước việc chỉ số VN Index nhiều lần bị bóp méo, một số CTCK và cổng thông tin tài chính đã tự tính chỉ số của mình bằng cách loại bỏ bớt những CP có vốn hóa lớn để NĐT có cái nhìn đa chiều hơn. Nhưng đây cũng chỉ là nỗ lực trong một thời điểm.

Đối với quỹ đầu tư, việc xây dựng chỉ số của mình có thể hiểu như để thuận tiện hơn trong việc theo dõi biến động lên xuống của danh mục mình đã đầu tư hoặc danh mục tiềm năng. Như vậy chỉ số này tăng cũng có thể suy đoán rằng quỹ đang có lãi và ngược lại.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trường hợp một quỹ đầu tư công bố chỉ số của mình thuộc hàng sớm nhất, hoạt động ngày một kém hiệu quả thì việc đưa chỉ số này ra ngoài chẳng khác nào tự “tố cáo” mình thua lỗ, vì vậy vài năm gần đây chỉ số này cũng… chìm xuồng. Còn việc thu lãi từ thiết lập chỉ số có vẻ như chưa phù hợp cho cả bên bán lẫn bên mua.

Tìm sự chính danh

Một vấn đề được đặt ra là tại sao các chỉ số chứng khoán quan trọng như Dow Jones, S&P 500 (Hoa Kỳ), FTSE (Anh) lại do các đơn vị tư nhân thiết lập và phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn tầm ảnh hưởng, trong khi tại Việt Nam lại chưa?

Về nghiệp vụ, thiết nghĩ không phải là vấn đề lớn khi tất cả đã có sẵn và người đến sau chỉ cần đem về chỉnh sửa cho phù hợp rồi áp dụng. Nguyên nhân quan trọng mà các chỉ số ngoài VN Index và HNX Index khó sống là tính chính danh.

Trong khi các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài được thiết lập bởi tư nhân, thì TTCK của chúng ta là do Nhà nước lập nên và quản lý. Vì vậy, chỉ số do cơ quan quản lý xây dựng tất nhiên mang tính chính danh cao nhất.

Thẳng thắn mà nói, đội ngũ của một CTCK lớn hoặc quỹ đầu tư có tiềm lực hiện nay thừa sức có thể thiết lập một chỉ số tương tự VN30, nhưng chắc chắn sức nặng sẽ không thể bằng.

Thí dụ đơn giản: Quỹ đầu tư hay CTCK lập ra chỉ số trong đó công bố một rổ CP. NĐT nào sẽ dám mua vào những CP trong “rổ” này vì e ngại có thể mua vào lại là dịp thuận tiện để các nhà “cái” xả hàng.

Một vấn đề cũng cần rạch ròi ở đây là VN30 đại diện cho điều gì và bản chất nằm ở đâu? Theo những gì NĐT nghe và thấy được, cách tính VN30 sẽ hạn chế tầm ảnh hưởng của những CP có vốn hóa lớn như BVH, MSN để chỉ số này không bóp méo VN Index.

Thực chất, những thử nghiệm và công bố đã chỉ ra có đến 5 mã CP mỗi mã chiếm tỷ trọng 10% trong rổ tính VN30, như vậy tầm ảnh hưởng có giảm nhưng vẫn còn lớn. Ở đây, có 2 cách lập luận.

Thứ nhất, cho rằng VN30 là chỉ số của thị trường tất nhiên không thể nào đi ngược với thị trường được. Hiểu một cách nôm na VN30 là chỉ số “con” của VN Index, nên con phải giống mẹ.

Thứ hai, theo một cách khác, có thể nói rằng thị trường không chỉ có CP có vốn hóa lớn, trong khi rổ tính VN30 lại dựa trên tiêu chí có vốn hóa lớn. Như vậy, phải chăng VN30 cũng có thể gọi là “VN blue chips” chứ không phải đại diện cho toàn thị trường.

Thiết nghĩ, khó có chỉ số nào toàn vẹn và làm hài lòng tất cả. Vấn đề ở đây là cần định vị rõ ràng tiêu chí cho từng chỉ số. Nếu đã có “VN blue chips” thì sẽ có thể có chỉ số cho những CP tầm trung hoặc nhỏ như “VN mid cap” hay “VN small cap”, những chỉ số cho CP hoạt động hiệu quả.

Các tin khác