Miễn thuế xuất khẩu vàng, dựa vào đâu?

Mỗi tấn vàng hiện có giá 50 triệu USD, thuế 10% tức 5 triệu USD, xuất 10-15 tấn phải nộp thuế 50-75 triệu USD (1.050 tỷ -1.575 tỷ đồng), đây là một nguồn thu không nhỏ và là số thất thu quá lớn nếu miễn.

Mỗi tấn vàng hiện có giá 50 triệu USD, thuế 10% tức 5 triệu USD, xuất 10-15 tấn phải nộp thuế 50-75 triệu USD (1.050 tỷ -1.575 tỷ đồng), đây là một nguồn thu không nhỏ và là số thất thu quá lớn nếu miễn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị cấp phép tạm xuất tái nhập vàng phi SJC với số lượng dự kiến từ 10 đến 15 tấn. Con số này dựa trên lượng vàng phi SJC mà các doanh nghiệp đăng ký để chuyển đổi sang vàng SJC đợt hai là 445.000 lượng và đã chuyển đổi được 164.000 lượng. Số vàng còn lại cần phải chuyển đổi tương đương 10,5 tấn.

Tuy nhiên, lượng vàng phi SJC thực sự tồn tại trong dân và các doanh nghiệp hiện còn đang nắm giữ bao nhiêu, chưa có thống kê chính xác. Ngày mà các doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi sang vàng SJC đợt hai diễn ra từ mấy tháng trước và từ đó đến nay, những đơn vị này đã mua thêm vàng phi SJC, vì họ không thể từ chối mua vàng do chính mình sản xuất khi người dân có nhu cầu bán.

Vậy liệu có đợt đăng ký chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC thứ ba? Và nếu có số lượng sẽ là bao nhiêu?

Hơn nữa việc thu mua vàng phi SJC không thể chấm dứt tắp lự, vì người dân có bán, doanh nghiệp mới mua. Cứ thế, việc chuyển đổi vàng miếng phi SJC thành SJC sẽ còn kéo dài dài và đi cùng là công việc kiểm định vốn tốn kém công sức nhân công và thời gian.

Một doanh nghiệp đã từng dập vàng miếng phi SJC trước đây ước đoán hiện số vàng phi SJC trôi nổi và phần được các công ty thu gom, đang nằm trong kho, tổng cộng khoảng 400.000 – 500.000 lượng. Việc cho phép tạm xuất tái nhập vàng vì thế khó mà diễn ra chỉ một đợt.

Phức tạp hơn, việc tạm xuất tái nhập vàng phi SJC phụ thuộc rất nhiều vào khả năng miễn thuế của Bộ Tài chính, mà NHNN cho biết sẽ làm việc với Bộ này để bàn thảo. Nếu Bộ Tài chính không đồng ý miễn thuế, sẽ không có doanh nghiệp nào chịu xuất. 10% thuế suất đối với xuất khẩu vàng có hàm lượng vàng từ 80% trở lên là một cửa ải không thể vượt qua.

Còn nếu đồng ý cho miễn thuế xuất khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ dựa trên cơ sở nào đây, nhất là hiện nay việc thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn? Gánh nặng không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2012 đang đè nặng lên cả Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Mỗi tấn vàng hiện có giá 50 triệu USD, thuế 10% tức 5 triệu USD, xuất 10 -15 tấn phải nộp thuế 50 -75 triệu USD(tương đương 1.050 tỷ đến 1.575 tỷ đồng), đây là một nguồn thu không nhỏ và là số thất thu quá lớn nếu miễn.

Từ trước đến nay chúng ta mới chỉ có cơ chế tạm nhập tái xuất, chưa có cơ chế tạm xuất tái nhập và đây là tạm xuất tái nhập một hàng hóa nhạy cảm là vàng miếng.

Khi mua vàng phi SJC, theo lời của đại diện một doanh nghiệp thâm niên trong ngành vàng, các hãng nước ngoài sẽ đưa vàng vào nấu lại, phân kim và lượng vàng còn thiếu so với vàng thỏi tiêu chuẩn quốc tế, sẽ được người bán bù vào.

Có khả năng các nhà xuất khẩu vàng phi SJC phải bù thêm vàng do chất lượng kiểm định trong nước qua công ty SJC đã cho thấy không đủ hàm lượng bốn số chín, thì khó có chuyện nước ngoài lại không phát hiện ra chất lượng thật của vàng phi SJC. Bù thêm vàng có nghĩa là bù thêm giá vốn và các nhà xuất khẩu có khả năng bị thiệt.

Chưa kể vàng xuất đi giá thấp, nhưng vàng nhập về có khả năng giá cao tùy thời điểm nhập và tùy sự biến động giá vàng quốc tế. Nếu thời hạn tái nhập kéo dài, chẳng hạn trong 3-6 tháng, doanh nghiệp đã tạm xuất có thể chọn thời điểm nhập thuận lợi. Từ đây, việc tạm xuất tái nhập sẽ khó mà kết thúc nhanh gọn nhằm ổn định thị trường như cơ quan quản lý mong muốn.

Trong trường hợp kéo dài, mà khả năng kéo dài là lớn vì không lẽ ép doanh nghiệp nhập ngay lúc giá vàng quốc tế đang cao, thì thị trường vàng nội – ngoại có liên thông? Sự liên thông thị trường vàng trong và ngoài nước xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng một trong những yếu tố chủ yếu là có xuất nhập khẩu. Sẽ phải hiểu thế nào đây cho chính xác tuyên bố của Thống đốc NHNN trên diễn đàn Quốc hội vừa qua là “không có việc liên thông với giá vàng thế giới”?

Xét rộng hơn, việc tạm xuất tái nhập kéo dài, thì nó chẳng khác nào cho phép xuất nhập khẩu vàng bình thường. Trong quá khứ, đã không ít lần doanh nghiệp xuất vàng tháng này, tháng sau nhập lại dưới dạng vàng nữ trang và nguyên liệu để gia công vàng nữ trang.

Ý định cho tạm xuất tái nhập vàng phi SJC sẽ phải được tính toán và quản lý, kiểm soát chặt chẽ bởi sự buông lỏng và biến tướng của nó có thể gây hệ lụy khó lường!

Các tin khác