Tái cơ cấu vẫn quá chậm

Số liệu từ Báo cáo đánh giá quá trình TCC kinh tế Việt Nam 2011-2014 đã lượng hóa quá trình TCC nền kinh tế dựa trên 4 trọng tâm cải cách thể chế, TCC hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn rất chậm.
 

Chúng ta đang "mon men" vào tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, TCC quá chậm chứ không phải chậm vừa. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo tham vấn “Giám sát và đánh giá thực hiện chương trình TCC tổng thể nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.

Số liệu từ Báo cáo đánh giá quá trình TCC kinh tế Việt Nam 2011-2014 đã lượng hóa quá trình TCC nền kinh tế dựa trên 4 trọng tâm cải cách thể chế, TCC hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn rất chậm.

Trong cải cách thể chế, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện so với các nền kinh tế tốt nhất trong bảng xếp hạng 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hàng năm, nhưng 2 chỉ số về “tiếp cận tín dụng” và “thủ tục thuế” lại chậm được cải thiện.

Thực tế trên cho thấy TCC đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công, chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) dường như không được cải thiện.

Hệ số ICOR năm 2011 của cả nước 5,3 riêng khu vực nhà nước 8,43; năm 2012 lần lượt là 5,9 và 6,77; năm 2013 là 5,6 và 7,91; năm 2014 5,18 và 7,98. Đến nỗi, nhiều chuyên gia đã phải thốt lên việc TCC hiện vẫn trên nền tư duy cũ thì sao gọi là TCC. Quá trình TCC hiện nay mới chỉ gỡ rối trước mắt, 4 năm gỡ rối chưa xong (giai đoạn 2011-2014), nếu làm tốt 5 năm nữa (đến 2020) mới có thể hoàn tất quá trình này.

Vì thế, dù những năm gần đây TCC DNNN được đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều nghị định, văn bản pháp luật được ban hành, nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh của các DN sau TCC. Trong đó, 2 thay đổi cốt lõi trong cải cách DNNN là tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện giới hạn ngân sách cứng với DNNN vẫn chưa được như mong đợi.

Mục tiêu của đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 là hoàn thành CPH 531 DN, sáp nhập, hợp nhất 25 DN, giải thể, phá sản 16 DN và rao bán 10 DN. Kết quả, năm 2014 CPH được 167/479 DN, trong năm 2015 tiếp tục thực hiện CPH 312 còn lại. Tỷ lệ thoái vốn tại các DNNN tính đến thời điểm 24-3-2015, đã thoái được 4.937 tỷ đồng trong tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính. Nhìn chung, tốc độ CPH DNNN còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang làm méo mó thị trường.

Báo cáo của CIEM còn chỉ ra rằng kỷ luật đầu tư công tại nhiều địa phương vẫn lỏng lẻo, 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư xây dựng ở mức trên 100% kế hoạch vốn. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 740 cuộc thanh tra, nhiều sai phạm được chỉ ra trong đầu tư công tại các địa phương. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng dự án chưa bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nợ đọng xây dựng cơ bản cả nước hiện ở mức 91.234 tỷ đồng, trong đó Bến Tre có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng, Kiên Giang có 31 dự án với số tiền 31 tỷ đồng, Lào Cai 58 dự án với số tiền 193,6 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Ninh Bình tính đến cuối năm 2011 có tới 599 công trình, dự án hoàn thành hoặc thi công dang dở với tổng số vốn còn thiếu lên đến 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt thêm 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng.

Trọng tâm còn lại là TCC hệ thống ngân hàng được đánh giá mới đem lại kết quả bước đầu, bởi hệ thống ngân hàng đang đẩy nợ xấu vào kho, bào mòn nợ xấu bằng tỷ lệ dự phòng cao. Vô hình chung chi phí xử lý nợ xấu đang đẩy lên vai 2 nhóm người: người gửi tiền và người đi vay. Người gửi tiền nhận lãi suất thấp, người vay tiền cũng phải chịu chi phí này khiến chịu lãi suất cho vay cao hơn.

Bên cạnh đó, thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô mới được duy trì vài năm, mới giảm được lạm phát nhưng tỷ giá, lãi suất chắc chắn chưa như mong muốn. Nếu chúng ta không giải quyết dứt điểm nợ xấu trong năm 2016 không thể vực dậy DN. Dư nợ tín dụng các ngân hàng có tăng nhưng tập trung chủ yếu vào các gói kích thích của Chính phủ như mua gạo dự trữ, gói cho vay bất động sản 30.000 tỷ đồng, mua trái phiếu chính phủ… DN vẫn khó tiếp cận vốn, trong 4 tháng đầu năm nay vẫn còn trên 17.000 DN đóng cửa, ngừng hoạt động.

Để TCC nền kinh tế phải chấp nhận tăng trưởng thấp 4-5%/năm trong ngắn hạn để hướng tới mục tiêu trung hạn tăng trưởng 9-10%/năm. Tóm lại muốn TCC thành công phải trả giá ở mức độ nhất định. Hơn nữa, trong TCC DNNN, không nên để DN tự làm đề án TCC, như vậy là "đánh bùn sang ao". DNNN có phải tập trung vào CPH, hoàn thành CPH không đồng nghĩa với kết thúc TCC DN. Nếu hiểu CPH xong là quá trình TCC kết thúc là mập mờ, không đúng.

Các tin khác