Nỗi đau cạn túi chứng khoán

Những phiên giao dịch với tổng giá trị mua-bán vài trăm tỷ đồng kéo dài triền miên, cổ phiếu xuống giá ở mức trà đá, rau thơm nhưng vẫn ế khách mua. Chưa bao giờ chứng khoán cạn kiệt tiền mặt như năm nay.

Những phiên giao dịch với tổng giá trị mua-bán vài trăm tỷ đồng kéo dài triền miên, cổ phiếu xuống giá ở mức trà đá, rau thơm nhưng vẫn ế khách mua. Chưa bao giờ chứng khoán cạn kiệt tiền mặt như năm nay.

Hết tiền, tin tốt cũng bằng thừa

Sáng 3-12, TTCK tập trung mở cửa có dấu hiệu tích cực sau khi giới đầu tư bất ngờ đón nhận thông tin tốt về chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam lần đầu tiên trong vòng 14 tháng vượt qua mức 50 điểm (tăng so với mức 48,7 điểm của tháng 10) - biểu thị sự cải thiện các điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng giống như các phiên đón tin tốt về khả năng lãi suất giảm, lạm phát sẽ được duy trì ổn định trong thời gian tới, TTCK chỉ trụ được trên mức tham chiếu khoảng một giờ đồng hồ.

Chốt phiên buổi sáng 3-12, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index của hai sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) đều giảm trên 0,8% với giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt vỏn vẹn 197 tỷ đồng, còn sàn HNX cũng chỉ đạt được 40,7 tỷ đồng.

Thị trường không thể bật dậy cho dù HNX-Index đang ở vùng thấp lịch sử, còn VN-Index cũng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Điều đáng nói nhất là tính thanh khoản trên thị trường tiếp tục đứng ở mức rất thấp. Nó trái ngược với tình trạng sôi động hồi đầu tháng 4 vừa qua hay thời đỉnh cao những năm 2007, 2009 với những phiên giao dịch vài nghìn tỷ đồng và thực sự vẫn đang thử thách sự kiên nhẫn đã sắp cạn kiệt của nhà đầu tư.

Gần như trong toàn bộ tháng 11-2012, giá trị giao dịch khớp lệnh cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội đều quanh quẩn ở con số vài trăm tỷ, chưa bằng giá trị giao dịch của một cổ phiếu blue-chip hoặc một cổ phiếu đầu cơ thời sôi động.

Tính từ đầu năm tới giờ, TTCK chỉ sôi động được trong khoảng cuối tháng 3, nửa đầu tháng 4 với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng, còn lại đều trong tình trạng mua bán cầm chừng. Ai cầm cổ muốn chuyển sang tiền buộc phải bán rẻ, thấp hơn giá tham chiếu.

Tình trạng giao dịch quá ảm đạm như hiện tại đang cho thấy một thực tế là phần lớn nhà đầu tư từ lớn tới nhỏ cạn kiệt tiền mặt hoặc/và đang đứng ngoài thị trường. Họ không mặn mà với cổ phiếu bất chấp sự rẻ mạt của đa số các mã có mặt trên sàn. Nó cũng cho thấy tính thanh khoản của một thị trường với hơn 700 mã cổ phiếu đang niêm yết, trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng thấp đến như thế nào.

Hệ lụy còn dài

Không thể phủ nhận sự đi xuống của TTCK trong những năm gần đây phần nhiều là do hoạt động của nhiều doanh nghiệp yếu kém và niềm tin đối với thị trường, với doanh nghiệp suy giảm. Nhưng khó khăn không chỉ xuất phát tự nội tại các doanh nghiệp, mà một phần không nhỏ đến từ sự khan hiếm, cạn kiệt của dòng tiền nói chung.

Các dự báo gần đây đều cho thấy, nền kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực. Ngay trong năm khó khăn 2012, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng (như lạm phát ổn định, tăng trưởng đang phục hồi trở lại, PMI tăng trở lại ấn tượng...) và dự báo cho 2013 cũng đã có nhiều điểm hồng, không chỉ còn là mầu xám.

Hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế - cũng được đánh giá đã qua giai đoạn khó khăn nhất và thanh khoản cũng đang khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đang liên tục hút ròng trên thị trường mở...

Trên thị trường, không ít nhà đầu tư chứng khoán tin tưởng dòng tiền sẽ sớm trở lại với chứng khoán sau hàng loạt các biện pháp giải cứu doanh nghiệp, giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) như lãi suất giảm, đẩy mạnh tín dụng, giảm thuế, giãn thuế, tăng cường đầu tư công, bơm tiền cho người có nhu cầu mua nhà...

Bên cạnh đó, TTCK còn được coi là một kênh đầu tư có tiềm năng bật trở lại với khả năng lợi nhuận "tính bằng lần" nếu doanh nghiệp bất ngờ vượt được khó khăn, dòng tiền dư dả trở lại...

Mặc dù vậy, diễn biến trên thực tế của cả hai chỉ số VN-Index, HNX-Index, giao dịch chung trên thị trường và biến động giá của các cổ phiếu không những không tích cực mà có chiều hướng đang xấu hơn nữa.

Rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra mất niềm tin vào cổ phiếu. Đối với họ, TTCK đã thử thách sự kiên nhẫn của họ một cách thái quá. TTCK trải qua một thời kỳ downtrend kéo dài, và thời kỳ này theo như dự báo của các chuyên gia, sẽ kết thúc trong quý III/2012 khi mà điểm rơi của chính sách hỗ trợ rơi vào tháng 8.

Một số nhà đầu tư mua vào bắt đáy chờ sự chuyển biến của thị trường nhưng sự khởi sắc đã không trở thành hiện thực. Những người cầm cổ phiếu từ tháng 8 đến cuối tháng 11 không những không có lãi, mà tài khoản của họ vẫn không ngừng co lại. Hệ lụy của sự eo hẹp của dòng tiền vào thị trường là sự mất kiên nhẫn của đại đa số các nhà đầu tư.

Có thể thấy, thực tế đã không diễn biến đúng như dự đoán và dự báo của nhiều người. TTCK đã không phản ứng tích cực với các thông tin tốt về lãi suất, về sự ổn định của đồng VND.

Vấn đề nằm ở chỗ, với một nền kinh tế mà tồn kho hàng hóa lên tới vài chục tỷ USD (riêng BĐS cũng hơn chục tỷ USD), nợ xấu ngân hàng lên tới 10% dư nợ tín dụng, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn đang vùng vẫy tìm cọc... thì ưu tiên đầu tiên có lẽ không phải dành cho chứng khoán.

Điều mà nhiều người nhận thấy là đó là vấn đề tiền cạn kiệt và hướng đi của dòng tiền không phải vào chứng khoán mà dường như tiền đang phải tập trung triệt để cho công cuộc tái cấu trúc đang ở bước đầu.

Thực tế, hàng loạt các tay chơi lớn trên thị trường là các ngân hàng, CTCK, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty vốn trước đây được coi là một trong những động lực thúc đẩy thị trường đi lên thì giờ đây đều đang vật lộn với những khó khăn như nợ xấu, tiền đầu tư dàn trải.

Một khi doanh nghiệp chưa thể tự gỡ khó cho mình thì việc cầm tiền đầu tư vào các thị trường khác như chứng khoán, BĐS... hay những chính sách hỗ trợ hướng dòng tiền vào chứng khoán có lẽ là khó khả thi.

Tình trạng này có thể còn kéo dài trong bối cảnh việc tái cấu trúc đang diễn ra chậm chạm ở mọi lĩnh vực và nhiều trong số các đơn vị này đang phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực nói trên. Không ít các nhà lãnh đạo giờ nghe đến các lĩnh vực này đều tim đập chân run.

Các tin khác