Tìm cách bơm vốn

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng năm 2013 trên địa bàn ước đạt khoảng 9%, do năm nay các NHTM phải tập trung vào mục tiêu xử lý nợ xấu và giữ chuẩn tín dụng để tránh phát sinh thêm nợ xấu.

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng năm 2013 trên địa bàn ước đạt khoảng 9%, do năm nay các NHTM phải tập trung vào mục tiêu xử lý nợ xấu và giữ chuẩn tín dụng để tránh phát sinh thêm nợ xấu.

Năm 2014, trước mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước từ 12-14%, TPHCM sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng để khơi thông dòng vốn giúp các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh

Nỗ lực vẫn không đạt mục tiêu

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết 2 tháng cuối năm 2013 tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối khả quan hơn so với những tháng đầu năm. Nếu 10 tháng tín dụng chỉ tăng 5,5% thì qua 11 tháng đã tăng được 6,25% và tháng 12,  theo báo cáo của các NH trên địa bàn, tín dụng cả năm ước đạt khoảng 9%.

Tuy không đạt mục tiêu nhưng con số 9% cũng là sự nỗ lực rất lớn của ngành NH. Để phát triển tín dụng, ngay từ đầu năm các NH tại TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng các DNNVV gặp không ít khó khăn nên khả năng tiếp cận vốn tín dụng có giới hạn. Vì vậy, dù nỗ lực tối đa nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của NH trên địa bàn TPHCM vẫn thấp hơn chỉ tiêu ban đầu đã đề ra từ 10-12%.

Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn vẫn còn cao hơn cả nước. Dự kiến trong năm 2014, nếu các NH thực hiện đúng quy định của NHNN và tích cực xử lý nợ xấu sẽ kéo giảm dần vào khoảng 4% trong năm 2014 và tiến tới 3% trong năm 2015. Nếu năm 2015, nợ xấu của các NH trên địa bàn đạt dưới 3% hoặc tối đa 3%, đề án xử lý nợ xấu của từng NH cũng như của toàn hệ thống xem như thành công.

Việc tăng trưởng tín dụng không đạt có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Một là các DN khó khăn về tài chính, từ đó họ không có phương án, dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả để NH thẩm định đầu tư. Bản thân DNNVV thường thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin về tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh không đầy đủ, thậm chí thiếu minh bạch nên không đủ điều kiện vay vốn của NH.

Hai là các NH trong năm 2013 chủ yếu thực hiện đề án tái cơ cấu về cổ đông, mạng lưới, nhân sự, chất lượng tín dụng…

Trong vấn đề tín dụng, các NH phải tập trung làm sao xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo ở mức thấp và không để nợ xấu mới phát sinh. Số liệu chính thức tính đến cuối tháng 11-2013, nợ xấu toàn TPHCM khoảng 5,49%. Do vậy, các NH phải thực hiện 4 giải pháp.

Thứ nhất, trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của NHNN. Bởi năm 2013, Thống đốc NHNN quy định giống như năm 2012, nếu NH nào không trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đúng quy định sẽ không được trả cổ tức, chia lợi nhuận, thậm chí không thưởng Tết.

Thứ hai,  tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Tính đến thời điểm cuối tháng 11, các NH trên địa bàn TPHCM đã bán được 6.700 tỷ đồng nợ xấu.

Thứ ba, tích cực thu hồi nợ của khách hàng vay vốn có nợ xấu. Thống kê đến cuối tháng 11, các NH đã thu nợ bằng tiền của các khách hàng trên 6.000 tỷ đồng.

Thứ tư, tích cực xử lý tài sản thế chấp. Với 4 giải pháp này, nợ xấu đến cuối tháng 11 đã xử lý được trên 20.464 tỷ đồng, xem như đã góp phần tích cực vào việc giải quyết nợ xấu trong năm 2013 so với đầu năm.

Nỗ lực đẩy vốn năm 2014

Nhận định về nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng trong năm 2014, ông Minh cho rằng, với đà phục hồi của năm 2013, dù kinh tế phục hồi chậm nhưng đây là sự phục hồi ổn định và bền vững, do vậy điều kiện cho các DN hay các thành phần kinh tế tiếp cận vốn NH sẽ cao hơn.

Đồng thời với những cơ chế và giải pháp NHNN đưa ra để hỗ trợ các DN, các thành phần kinh tế nhằm tạo điều kiện tăng sức cầu cho nền kinh tế, hy vọng nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14% tuy khó khăn nhưng có thể tin thực hiện được. Để làm được điều này, các NH đang triển khai nhiều giải pháp để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Khách hàng giao dịch tại NH. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng giao dịch tại NH. Ảnh: LONG THANH

Trong đó, TPHCM đang có chương trình kết nối NH và DN thực hiện rất hiệu quả với hơn 13.151 tỷ đồng vốn vay đã được giải ngân 100% cho 600 DN hộ kinh doanh. Theo ông Minh, hệ thống tín dụng đang có nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho các DN, nhưng bản thân các DN lại chưa đáp ứng được đầy đủ điều kiện cho vay cơ bản để được xét duyệt cho vay.

Do đó, để tăng khả năng tiếp cận vốn NH, thứ nhất các DN cần phải chú ý minh bạch rõ ràng thông tin về DN, tình hình tài chính. Hiện báo cáo tài chính của các DN thường không theo chuẩn mực và không được kiểm toán, các thông tin, số liệu báo cáo thường không đầy đủ và thiếu tin cậy, không phù hợp với chính sách tín dụng của các TCTD nên gây khó khăn cho các TCTD khi thẩm định tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh của DN.

Hai là các DN nên lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào mảng sản xuất có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, không đầu tư dàn trải, mạo hiểm.

Ba là các DN cũng nên chủ động phối hợp với các NH trong việc cung cấp thông tin, hợp tác trong quá trình giải ngân, kiểm tra vốn vay cũng như trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn. 

Các tin khác